Mình đợi đến khi Catherine tách khá xa cánh phóng viên rồi mới lại chào hỏi. Độc Lập thì đứng từ xa bấm máy. Quãng đường đi bộ từ quảng trường Ba Đình về lại nhà Đại tướng đủ để mình thực hiện một cuộc phỏng vấn thú vị.
Người phụ nữ xuất hiện trong bức ảnh dưới đây đã cho mình cuộc phỏng vấn bất ngờ thú vị với một nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới.
Tháng 10.2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Tòa soạn cử mình và hai phóng viên tăng cường ra Hà Nội làm tin bài. Ra đó, tụi mình ở phố Cấm Chỉ, cũng khá gần nhà tướng Giáp ở số 30 Hoàng Diệu. Mình nhớ đám tang tướng Giáp đông lắm. Có lẽ đây là đám tang đông nhất từ trước tới giờ mà mình chứng kiến. Hằng ngày từng dòng người nối nhau dài cả mấy cây số để viếng người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, suốt từ mờ sáng đến tối khuya.
Nhờ tấm hình này của anh Độc Lập...
|
Một bữa, mình với phóng viên ảnh Độc Lập ngồi ở quán cà phê cóc xéo nhà tướng Giáp. Trong lúc rảnh rỗi, mình lấy máy hình của anh Lập xem ảnh. Mới xem được vài tấm, mình chợt thấy trong máy chụp một người phụ nữ nước ngoài cầm máy hình trông khá quen đứng trước nhà Đại tướng. Mình hỏi ai đây, Lập lắc đầu không biết, chỉ trả lời thấy lạ và lọt dzô khuôn hình thì chụp.
Nghe Lập nói thế mình cũng bó tay không biết người phụ nữ đó là ai. Nhưng xem đi xem lại chợt trong đầu mình lóe lên ý nghĩ hay đây là Catherine Karnow - nhiếp ảnh gia người Mỹ chụp nhiều bức hình tuyệt đẹp về tướng Giáp. Mở Google đánh chữ Catherine Karnow lập tức mình nhận ra ngay dù tấm hình anh Lập chụp Catherine khi đó khác xa Catherine trẻ trung sang Việt Nam cách đấy hơn 20 năm. Một phần mình biết được Catherine là khi tòa soạn cử đi Hà Nội, mình đã bỏ ra một buổi để đọc lại những bài viết tiêu biểu về tướng Giáp, trong đó có một bài nhắc tới Catherine.
Catherine Karnow là con gái của nhà báo - sử gia Stanley Karnow. Ông Stanley viết cuốn sách tựa đề Vietnam: A History được xem là tác phẩm toàn diện nhất về chiến tranh Việt Nam từng được phát hành. Năm 1990, ông Stanley sang Việt Nam gặp tướng Giáp để thực hiện bài viết độc quyền tựa đề Giap Remembers (Ký ức của Tướng Giáp) đăng trên trang nhất tờ New York Times. Chuyến đi đó Stanley dẫn con gái mình theo.
Sau chuyến đi đó, Catherine chuyển sang lĩnh vực nhiếp ảnh. Năm 1994, bà sang Việt Nam thực hiện chụp một bộ ảnh về tướng Giáp. Và thời gian này Catherine đã xuất thần bắt được thần thái vị Đại tướng trong bức ảnh chân dung nổi tiếng Snow-covered Volcano (tạm dịch: Ngọn núi lửa phủ tuyết). Đây được coi là một trong số bức ảnh đẹp nhất chụp Đại tướng. Năm đó Catherine cũng là phóng viên nước ngoài duy nhất được Đại tướng mời tháp tùng khi ông về lại Điện Biên để kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
... mình mới có được cuộc tiếp xúc với một nhân vật thú vị
|
Một nhân vật quá hay liên quan đến tướng Giáp mà mình cần tiếp xúc. Nhưng kẹt cái lúc ấy ngoài tấm hình mà phóng viên Độc Lập tình cờ chụp được, mình không có địa chỉ hay điện thoại của Catherine ở Việt Nam để kết nối. Quay qua hỏi, Độc Lập nói bức hình được anh chụp tối qua. Rồi Độc Lập bảo hình như sáng nay Catherine cũng tới 30 Hoàng Diệu nhưng giờ không rõ đi đâu.
Lúc đó mình nghe thông tin ở quảng trường Ba Đình gần nhà tướng Giáp đang làm lễ treo cờ rũ quốc tang. Mình nghĩ kiểu gì bà Catherine cũng có mặt ở đó. Thế là hai anh em phóng như bay ra quảng trường. Đúng như phán đoán, sau một hồi dò tìm tụi mình phát hiện Catherine đang lẫn trong đám đông ở quảng trường. Xung quanh rất đông phóng viên. Hai anh em xáp lại. Đầu tiên phải tìm cách kéo Catherine khỏi cánh phóng viên vì nếu phóng viên nào cũng biết thì không còn là độc quyền của báo nữa.
Còn đây là hình mình chụp anh Độc Lập (xoay lưng) trong sự kiện đó
|
Cuối cùng lễ kéo cờ rũ cũng xong. Mình đợi đến khi Catherine tách khá xa cánh phóng viên rồi mới lại chào hỏi. Độc Lập thì đứng từ xa bấm máy lia lịa. Quãng đường đi bộ từ quảng trường Ba Đình về lại nhà Đại tướng đủ để mình thực hiện một cuộc phỏng vấn thú vị về Catherine với tướng Giáp. Cuộc phỏng vấn bắt đầu từ một tấm hình.
Bình luận (0)