Người Sài Gòn ăn một tô no cả ngày ở quán chị Út bán mỗi ngày một món

19/11/2019 12:09 GMT+7

Nằm ở góc đường Ngọc Hân Công Chúa và Lãnh Binh Thăng (Q.11, TP.HCM), thực khách đến quán chị Út Huệ không những phải canh ngày bán đúng món mà còn phải chừa bụng vì ăn một tô là… no cả ngày.

 
“Nay bán món gì vậy Út”
“Bún mọc nè ăn ở đây hay mang về”
Những đoạn hội thoại quen thuộc chỉ có ở quán của chị Nguyễn Thị Bạch Huệ (47 tuổi) thường được thực khách gọi là Út làm rộn ràng cả một khu chợ. Thế nhưng thay vì khó chịu nhiều người còn chêm vào vài câu nói đùa làm cho cho không khí vốn rộn ràng lại rộn ràng hơn.

Mỗi ngày bán một món

Thực đơn các món trong tuần được in lên biển hiệu.

Nhắc đến chị Út mỗi ngày bán một món, khu vực chợ Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) không ai là không biết đến đến sạp hàng ngay góc đường với vài chiếc bàn và mấy chồng ghế. Hai vợ chồng chị Huệ người túc trực bên nồi nước lèo, miệng trò chuyện với khách, người bận rộn rót trà đá, dọn dẹp khi khách ăn xong.
Tuần có 7 ngày thì mỗi ngày quán chị Huệ bán một món khác nhau. Thứ 2 bán cà ri Gà - Vịt, thứ 3 bán bún mắm, thứ 4 bán bánh canh cua + giò heo, thứ 5 bán bún miến vịt, thứ 6 là bún riêu, thứ 7 là bún miến gà, chủ nhật là gỏi cuốn, gỏi đu đủ. Ngoại trừ ngày bán bún riêu hoặc bún vịt, lâu lâu chị Huệ sẽ đổi món còn lại hầu như là giữ nguyên thực đơn.
Những ngày đầu mở quán, chị Huệ chỉ bán hai món là bún mắm và bún miến. Sau này thực khách hỏi nhiều món khác nhau khi đến quán, để thực khách không bị ngán, chị Huệ chuyển sang bán mỗi ngày một món như hiện tại.
“Bán mỗi ngày mỗi món thì đi chợ nó khó hơn nhưng mà mình theo ý khách thôi. Bún mắm, bún vịt bánh canh cua, gỏi cuốn, bún vịt, hoành thánh là những món được lòng thực khách nhất”, chị Huệ nói.
Chị Út mỗi ngày bán một món, ăn một tô là no cả ngày
Chị Út mỗi ngày bán một món, ăn một tô là no cả ngày

Tủ kính bắt mắt hơn những ngày bán bún riêu và bánh canh cua.

Quán bán từ 2 giờ chiều, hết lúc nào mới dọn hàng lúc đó vì hôm sau bán món khác nên không thể để qua đêm. Bán mỗi ngày một món đồng nghĩa với việc ngoài chuẩn bị nguyên liệu cho món ăn, chị Huệ còn phải chuẩn bị gia vị phù hợp. Tương ớt thì ăn với hủ tiếu, bán bún thì phải chuẩn bị mắm, bún măng vịt thì phải có mắm gừng,...
Anh Trần Trương Quý (31 tuổi, Ngụ Q.11) chia sẻ: “Một tuần bả bán tới 7 món, tôi thích nhất là miến vịt với gỏi đu đủ. Bả bán ngon với hai vợ chồng vui vẻ lắm, ai ăn không có tiền thì bả cho thiếu, bả được lòng khách lắm. Ăn nhiều quá nhớ lịch bán của bả luôn, nhiều khi không nhớ tôi chụp bảng hiệu lại”.
Chị Út mỗi ngày bán một món, ăn một tô là no cả ngày

Bún mọc là món lâu lâu khách hỏi nhiều quá chị Huệ mới bán.

“Ăn một tô là no đến ngày mai”

Tôi đến vào ngày quán chị Huệ bán bún mọc. Thấy tôi thắc mắc vì bún mọc không có trong thực đơn, anh Quý liền nói thay chị Huệ: “nay thứ 6 theo lịch bán bán bún riêu mà nhiều người hỏi bún mọc quá mới chuyển qua bán bún mọc”. Anh còn hài hước tự nhận mình không những là bạn, là khách mà còn làm mối cho chị Huệ. Bạn bè tứ phương, Việt Kiều anh đều giắt lại quán chị Huệ ăn thử.
Không chỉ đặc biệt vì mỗi ngày bán một món, nhiều khách hàng còn đùa rằng chị Huệ nên làm Vlog vì bán món siêu to khổng lồ. Quả thật, phải tập trung lắm tôi mới có thể ăn được hết tô bún mọc để còn phỏng vấn thực khách. Chỉ trừ bánh canh cua giá 50.000 đồng còn lại những món khác đều có giá 45.000 đồng một tô.
Chị Út mỗi ngày bán một món, ăn một tô là no cả ngày

Tủ kính bắt mắt hơn những ngày bán bún riêu và bánh canh cua.

Nguyễn Kiều Tiên (27 tuổi) nhận xét: “Tôi thích nhất là bún mắm, bún mắm bán thứ 3. Đa phần ngày bán bún mắm là tôi ghé ăn, cũng được 2 năm. Giá ở đây thì cao hơn so với mặt bằng chung nhưng được cái chất lượng. Không có mắc đâu ăn một tô no tới ngày mai luôn, trà đá thì miễn phí”, chị nói.
Quán cách nhà không xa, vợ chồng chị Huệ thường nấu sẵn ở nhà rồi mang ra quán bán. Tương ớt, hành phi, sa tế, chị Huệ đều mua nguyên liệu rồi tự nấu ở nhà vì chị cho rằng như vậy mới ngon.
Chị Út mỗi ngày bán một món, ăn một tô là no cả ngày

Nhiều thực khách thường kêu thêm phần tôm, thịt thêm để ăn riêng.

Chị Huệ cũng tâm sự thêm nhiều khi chưa mở hàng là đã có khách đợi. Khách đông quá không có chỗ ngồi thì mượn tạm bàn của chị bán quán bên cạnh để cho khách ngồi tạm. Hầu hết khách đến quán đều là khách quen và thân thuộc nên tự phục vụ như ở nhà.
Trước khi tôi ra về, chị không quên dặn rằng phải ghé lại ngày thứ 3, thứ 4 bán bún mắm và bánh canh cua là hai ngày quán đông đúc nhất để ăn thử. Quán mở xuyên suốt chỉ trừ những ngày bận việc hay ngày rằm, Tết Nguyên Đán chị Huệ vẫn bán bình thường. “Người gốc Sài Gòn nên Tết người ta về quê còn mình vẫn bán chứ đâu có nghỉ đâu, ai cũng về quê mà mình đâu có quê đâu mà về”, chị Huệ bộc bạch.

Quán mở từ 2 giờ chiều nhưng có khi chưa mở là đã có khách ngồi đợi.

Nhiều phụ huynh đón con rồi ghé quán ăn trước khi về nhà.

Thực khách “than thở” vì ăn hoài không hết một tô.

  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.