Người Sài Gòn ăn sáng thời cách ly xã hội: Cơm tấm, hủ tiếu, phở; ăn bữa đã đời!

09/04/2020 19:01 GMT+7

Sài Gòn khác hẳn Hà Nội vì thói quen thích ăn ngoài đường, từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giờ đây, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, người ta bắt đầu nhớ quay quắt thú ăn sáng ngoài đường ngày xưa. Thời cách ly xã hội , ai cũng ở nhà tự ăn để bảo vệ mình và cộng đồng. Những bữa ăn sáng trong ký ức mới bao ngày trước đã sớm hiện về.

Người Hà Nội hầu hết đều có thói quen ăn sáng ở nhà, trừ nhiều người lao động, buôn bán khu phố cổ thì hay ăn sáng ngoài đường. Dịch Covid-19 cũng không ảnh hưởng tâm trạng "phải ăn nhà" đối với người Hà Nội nhiều cho lắm.
Tuy nhiên, với một TP.HCM sôi động, sáng ra rầm rập, rầm rập, người ta lao đi làm, tranh thủ ngồi ăn sáng trước khi đến công sở, công ty thì gần hai tháng nay, tâm trạng nhiều người đã trở nên hụt hẫng. Mới có gần hai tháng mà tưởng như bữa sáng quen thuộc đã trở thành "ngày xưa". 

Nhà hàng xoay xở giữa Covid-19: Nữ chủ quán hóa shipper đi giao cơm phần

Hết cách ly chắc ra đường ăn hết bữa sáng quen thuộc

Chị Thanh Trúc, người Hà Nội đã chuyển vào Sài Gòn sống hơn 10 năm nay cảm tưởng: Chỉ cần Sài Gòn hết dịch, hàng quán được phép mở cửa trở lại và buôn bán bình thường thì tôi có cảm giác người Sài Gòn sẽ lao hết ra đường ăn những bữa sáng quen thuộc của họ, chứ không lựa chọn ăn ở nhà.
Có mặt tại quán cơm tấm quen thuộc trên đường Bà Hạt (gần chợ Nguyễn Tri Phương) của bà chủ quán Mỹ Hạnh, chị Ngọc Tâm (quận 10) chia sẻ: Nay vắng hoe à, có ai ngờ là trước đây người ta xếp hàng chờ ngồi ăn và mua về mỗi sáng. Thằng con thèm quá nó bảo má đi mua mang về. Đây là quán cơm tấm quen thuộc của tôi mỗi sáng hơn 10 năm qua.

Quán cơm tấm 626 Bà Hạt, quận 10 trước đây khách xếp hàng chờ ăn, nay chỉ bán mang đi

Giang Vũ

Nửa nhân viên quán cơm tấm đã nghỉ vì ít khách đi nhiều và chỉ bán mang về, nhưng khách ruột của quán vẫn phải lao ra đường đi mua mang về mỗi khi thấy thèm. Tất nhiên, đã là khách ruột của quán thì sao không nhớ cái cảm giác ngồi ăn trong cái quán nhỏ và tấp nập này, kêu một dĩa cơm sườn bì hay sườn bì chả trứng, cơm cháy thêm, rưới mỡ hành, tóp mỡ béo ngậy. Khách tự phục vụ trà nóng hay trà đá từ thùng nước trà ngay lối ra vào. 
Sườn nướng là món rất khó làm ngon ở nhà, Sài Gòn cũng không phải quán nào cũng ướp và nướng ngon, vì vậy, các quán cơm tấm lâu đời đều có lượng thực khách đông đảo và rất trung thành.

Dĩa cơm tấm sườn bì quen thuộc ở quán cơm tấm 626 Bà Hạt trước khi có dịch Covid-19

Giang Vũ

 

Nay khách hàng phải mua đem đi

Giang Vũ

Người ta nói, muốn làm giàu ở đất Sài Gòn này chỉ cần giỏi một trong bốn nghề: cơm tấm, hủ tiếu, phở và bún . Là vì, đây là món người Sài Gòn ăn đều mỗi sáng. Có người chuyên ăn phở, có người chỉ mê hủ tiếu, có người luân phiên ăn bốn món kể trên.
Ông A Phúc, ngụ ở quận 5 thì cho rằng, hủ tiếu mềm của người Hoa là món ăn sáng thường xuyên nhất của người Chợ Lớn nhiều tuổi (giới trẻ người Hoa thì thích ăn dimsum). Hủ tiếu mềm khá giống sợi phở của Việt Nam, to bản hơn và mỏng hơn, mượt hơn và dai dai. Hủ tiếu mềm có gà, bò viên, sa tế, khác với dòng hủ tiếu Nam Vang thường nấu với tim, cật, gan, trứng cút, sườn...
Đối với dân Chợ Lớn, không được ăn hủ tiếu mỗi sáng thì đã mất đi nhiều phần ý nghĩa cuộc đời. Ngồi quán ăn rồi còn "nhẩm" trà nóng. Tôi từng thấy một vị đại gia Chợ Lớn là khách ruột của một tiệm hủ tiếu mì người Hoa quận 11 sáng nào cũng ăn vào 8 giờ, ngồi đúng một chỗ quen thuộc. Chủ quán nói, ông ấy đã ngồi như vậy từ hồi mở quán tới giờ (hơn 10 năm). Giờ đây, ông ấy hẳn đang phải ăn sáng ở nhà và hoài niệm.

Tiệm hủ tiếu mì của người Hoa ở quận 11, trước dịch Covid-19 thường mở cửa từ sớm cho người ta ăn sáng, chỉ bán đến trưa là đóng cửa.

Tô mì đặc trưng của người Hoa cho bữa sáng

 

Hủ tiếu mềm bò viên của người Hoa

Giang Vũ

Hủ tiếu sa tế ở quận 5

Những ai là "fan ruột" của quán mì sườn Lò Siêu (quận 11) thì hẳn sẽ nhớ, mỗi sáng ở đây đều đông nghẹt khách. Quán trước đây đông đến nỗi thực khách phải chờ 15 phút mà vẫn cam lòng vì quá ngon. Miếng sườn mềm chỉ cần đũa đã xé rời ra, là món ăn sáng quen thuộc của những ai yêu thích ẩm thực người Hoa Chợ Lớn.

Mì sườn Lò Siêu ở quận 11

Chị Hồng Thương, ngụ ở quận 3 thì cho rằng, buổi sáng mà ngồi ăn hủ tiếu hẻm là thời khắc sung sướng nhất. Hẻm Sài Gòn yên tĩnh, đầu hẻm luôn có xe mì hay hủ tiếu, người Sài Gòn bước ra khỏi cái nơi quá quen thuộc là cái nhà mình và văn phòng làm việc của mình, thì như một sự thay đổi không gian thật kỳ diệu và sảng khoái. 

Hủ tiếu Nam Vang hẻm Võ Văn Tần, quận 3

Giang Vũ

Hủ tiếu cua tôm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1

Hủ tiếu Nam Vang

Anh Hồ Thương, ngụ quận 10 cho biết: Mấy nay vợ cho ăn mì gói phát ngán. Hỏi sao không đổi bữa chứ ăn mì gói vừa nóng vừa ngán, vợ tui thủng thẳng: Mười mấy năm nay ông thích ăn ngoài đường, tui không có luyện tay nghề nấu nướng nên không biết nấu đồ ăn sáng!
Quả thật, cánh mày râu ở Sài Gòn không có khái niệm ăn sáng ở nhà. Ngoài đường thiếu gì món ngon mà phải ăn nhà, rồi bắt vợ nấu nướng chi cho cực khổ. Phần lớn, các ông sẽ chọn ăn phở hay hủ tiếu, cơm tấm, ăn cả đời không biết ngán luôn.

Thèm tô phở bò đặc trưng Sài Gòn lắm rồi

Anh Hồ Thương than thở: Dịch Covid-19 mà kéo dài lâu, chắc người ta sẽ quên mất phở, cơm tấm, hủ tiếu có mùi vị thế nào mất. Thì ra, trước đây ăn sáng ở tiệm ở quán là một niềm hạnh phúc mà không ai nhận ra nó quý giá đến nhường nào.
Cho tới khi dịch Covid-19 đến.
Theo một khảo sát của châu Á công bố mới đây thì dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen ăn uống rất nhiều của người châu Á, trong đó có Việt Nam. Tờ South China Morning Post ngày 6.4 dẫn khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen (Mỹ) cho thấy thói quen ăn uống của người tiêu dùng châu Á sẽ thay đổi sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.