Người Sài Gòn bịt kín mít đi xem kịch: Sân khấu chung tay phòng dịch virus corona

05/02/2020 10:25 GMT+7

Việc gia tăng số người dương tính với chủng mới virus Corona ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân khi lựa chọn hình thức giải trí nơi đông người. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, vẫn còn lượng không nhỏ khán giả yêu mến, đến với sân khấu kịch trong những ngày này. Người làm quản lý sân khấu đã phải nhanh chóng hỗ trợ phương tiện vệ sinh cá nhân cho người xem kịch và cả cho ekip.

Khán phòng khoảng 400 chỗ ngồi của Hoàng Thái Thanh (Q.10, TP.HCM) đầy khán giả bịt kín khẩu trang, có người đeo đến hai ba lớp để phòng tránh dịch viêm phổi do virus corona  lây nhiễm.
Theo chia sẻ của những người trong nghề, hình ảnh này chưa từng có trong tiền lệ, đem lại nhiều cảm xúc khác lạ cho nghệ sĩ khi đứng diễn trên sân khấu biểu diễn.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chuẩn bị sẵn khẩu trang, nước rửa tay cho khán giả

Lê Nam

Nghệ sĩ Ái Như, Quản lý Sân khấu Hoàng Thái Thanh, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: "Tất nhiên là cảm xúc giảm, khi mình diễn trên sân khấu, những lúc mình diễn trên sân khấu sẽ thấy hỉ nộ ái ố của khán giả biểu cảm theo thì mình sẽ rất thích. Nhưng để mang lại sức khỏe chung cho cộng đồng thì điều đó tốt hơn. Chính vì vậy, chúng tôi không cảm thấy quá buồn, mà vẫn cảm thấy thân thương vì mọi người bịt khẩu trang xem thì vẫn có những tiếng cười, thậm chí có những khán giả vẫn dậm nước mắt. Chỉ có điều mình không phân biệt được khán giả nào là khán giả nào".
Diễn viên Thế Hải, đảm nhận một vai trong vở Mút chỉ mút cà tha, có cùng cảm nhận: "Khi mở màn ra thấy phần lớn 80%, về sau 90% khán giả đều  đeo khẩu trang để xem kịch. Điều này gây hạn chế nhỏ là khi người nghệ sĩ thấy được cảm xúc của khán giả, khi họ cười hay biểu hiện trên khuôn mặt họ, khi họ xem hoặc họ khóc thì mình thấy được, còn bây giờ thì không thấy, không biết phản ứng họ thế nào".
Tâm lý e ngại đến đám đông khiến cho sân khấu kịch dịp Tết không còn kín chỗ ngồi như các năm trước. Mặc dù vậy, sức hấp dẫn của các vở kịch nói cùng văn hóa xem kịch truyền thống của người Sài Gòn vẫn thu hút được một bộ phận khán giả sẵn sàng “ngụy trang” phòng virus đến sân khấu.
Đặng Huy Phong, 25 tuổi, một khán giả đến từ Q.2, TP.HCM nói: "Bản thân mình thích coi kịch nên dù có phải đeo khẩu trang vẫn hy sinh một tý để đi. Trước giờ đi coi kịch chưa từng làm thế này. Điều quan trọng là vẫn giữ được cảm xúc của buổi kịch nhưng mình vẫn thoải mái, an tâm không sợ dịch bệnh".

Khán giả đi coi kịch là hình ảnh chưa từng có từ trước tới nay ở các sân khấu kịch nói

Lê Nam

Đại dịch virus corona bùng phát ngay trong thời điểm cả nước đón Tết nguyên đán Canh Tý. Tại TP.HCM, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ 5B... chuẩn bị sẵn khẩu trang, nước nửa tay cho khán giả trước khi vào coi kịch. Hành động này có thể coi là một nỗ lực đáng ghi nhận với các sân khấu kịch nói khi chung tay phòng chống dịch bệnh trước tình trạng khẩu trang, nước rửa tay vô cùng khan hiếm.
"Những ngày mùng 1, mùng 2 chúng tôi không thể tìm mua được khẩu trang, cho nên tới mùng 3 chúng tôi mới mua được. Bắt đầu từ mùng 3 chúng tôi có những khẩu trang để chuẩn bị cho khán giả. Nhiều khán giả không chuẩn bị sẵn, khi tới thấy có khẩu trang và nước rửa tay thì cảm thấy vui, an tâm khi đến những nơi đông người", Nghệ sĩ Ái Như, Quản lý Sân khấu Hoàng Thái Thanh, nói.

Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, khán giả được phát khẩu trang trước khi vào coi kịch

NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ 5B - cho biết: "Tôi may mắn cũng mua được chừng 5 – 6 hộp thôi, vì thật sự rất khan hiếm. Mua như vậy tôi cũng bố trí nhân viên đứng ngay cửa để phát cho tất cả khán giả. Số lượng người xem cũng ý thức cao hơn, như vậy, ngày hôm sau chúng tôi lại đi mua tiếp".

Sân khấu kịch Thế giới trẻ với những suất chiếu cuối cùng của kì nghỉ Tết

Lê Nam

Tuy vậy, trước công văn của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về hạn chế hoạt động lễ hội vì rủi ro lây lan dịch bệnh, cơ quan quản lý văn hóa tại TPHCM cũng nhanh chóng khuyến cáo sân khấu nên cân nhắc khi sáng đèn. Do đó, 2 điểm diễn do NSND Hồng Vân quản lý cũng như Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B đành cáo lỗi, trả vé cho các suất diễn trong ngày 02.02.
Hiện tất cả sân khấu công lập tại TPHCM đã đóng cửa trên tinh thần công văn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Còn những suất diễn tại sân khấu xã hội hóa trong tuần sau vẫn đang theo dõi diễn tiến ứng phó với dịch viêm phổi do virus corona lây lan để quyết định sáng đèn hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.