Người Sài Gòn chung tình: Chiếc xe đạp 30 năm chở mặt nạ đi khắp phố phường

03/07/2019 12:46 GMT+7

“Cuộc đời tui coi như gắn với cái nghề này... làm đến khi nào chết thì thôi, coi như góp một chút để lưu giữ một nét văn hóa" - tâm sự của người đàn ông 30 năm chạy xe đạp bán mặt nạ hát bội ở Sài Gòn.

Gần 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Bảy (57 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM) vẫn một mình với chiếc xe đạp cũ chở những chiếc mặt nạ hát bội đi khắp nơi. Ông từng ngày chứng kiến sự mai một của môn nghệ thuật này và những đổi thay không thể cưỡng lại của thành phố.
Sài Gòn vào một buổi trưa trời nắng gắt, sau nhiều lần tìm kiếm tôi cũng gặp được người đàn ông với mái tóc dài ngang vai, đầu đội chiếc mũ phớt. Chiếc xe đạp màu xanh lơ đã cũ chở theo những chiếc mặt nạ lớn nhỏ bằng đá ở đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM). Người ta gọi ông là người làm mặt nạ hát bội cuối cùng ở Sài Gòn.

Người Sài Gòn đã thay đổi...

Ông tự nhận mình là "fan cuồng" của nghệ thuật hát bội từ nhỏ cho đến nay cũng gần 50 năm và đó cũng chính là lý do ông gắn bó với nghề làm mặt nạ. Ông Bảy cho biết, hát bội là bộ môn nghệ thuật đã có từ thời xa xưa thường chỉ phục vụ cho vua chúa. Qua thời gian, khi đời sống tinh thần của người dân được quan tâm hơn thì những gánh hát bội rong ra đời và được đông đảo quần chúng đón nhận. Theo ông Bảy nhận định, những năm 60 của thế kỷ trước là thời kỳ “hoàng kim” của môn nghệ thuật này.
Tuy nhiên theo dòng chảy của thời gian, hát bội không còn được như trước mà đang mai một dần

Theo dòng chảy của thời gian, nghệ thuật hát bội đang mai một dần

“Vào khoảng những năm 60, 70, hát bội rất phát triển, cứ mỗi lần có gánh hát nào về biểu diễn trẻ con thời đó thích lắm, làm gì thì làm phải cố xong trước giờ biểu diễn để đi xem. Gánh hát nào đến thì thông báo cho người dân, cứ 6 - 7 giờ tối là người ta biểu diễn ở những bãi đất trống còn người xem thì vây xung quanh. Cái này thì chỉ có thời tụi tui mới biết, cũng từ đó mà tôi biết và đam mê với cái môn hát bội này”.
Những chiếc mặt nạ đươc vẽ ra bằng tay nghề và cái tâm của ông Bảy

Những chiếc mặt nạ đươc vẽ bằng tay nghề và cái tâm của ông Bảy

Năm 1990, sau khi trở về từ chiến trường Campuchia, ông Bảy chọn Sài Gòn để làm ăn và sinh sống. Cũng vì yêu thích hát bội nên ông quyết định tự mày mò làm những chiếc mặt nạ vừa để mưu sinh vừa thỏa mãn niềm đam mê. Theo thời gian, nhiều nền văn hóa du nhập vào Việt Nam, thị hiếu của người dân cũng thay đổi. Các bộ môn nghệ thuật lâu đời như hát bội, cải lương... dần nhường chỗ cho tranh, ảnh, phim, truyện…
“Tôi bắt đầu làm mặt nạ này bán vào khoảng năm 1990, lúc đó người dân vẫn còn thích hát bội, Sau này dần dần có tranh ảnh, phim… thì người ta thích xem phim hơn. Đến bây giờ thì còn rất ít người xem hát bội nên người ta cũng chẳng diễn nhiều nữa”, ông Bảy kể.
Ông Bảy luôn trăn trở về tương lai của hát bội khi xã hội ngày càng phát triển.

Ông Bảy: “Giờ vẫn có người mua, đa số là những người lớn tuổi"

Ông Bảy cho biết thêm: “Ở miền Trung tui thì gọi là hát bội, ở miền Nam gọi là tuồng, hồi đó ở Sài Gòn
Cuộc đời tui coi như gắn với cái nghề này bao năm nay nên giờ chỉ làm đến khi nào chết thì thôi, coi như góp một chút để lưu giữ cái nét văn hoá đang mai một dần

Ông Bảy

muốn xem cái này cũng khó, nó thường được biểu diễn trong nhà hát, ai có tiền mới được đi coi, đam mê thì đam mê chứ ở Sài Gòn tui ít đi coi lắm vì không có tiền. Còn bây giờ thích cái gì thì lên mạng, cái gì cũng có hết trơn thành ra chỉ còn số ít người có duyên thích cái môn này thì mới quan tâm”.

Người cuối cùng làm mặt nạ hát bội?

Hỏi ông Bảy có phải người cuối cùng ở TP.HCM còn làm mặt nạ hát bội không thì ông lắc đầu nói không chắc, nếu còn chắc cũng chỉ một đến hai người là cùng. Nhắc đến chuyện này ông Bảy thở dài có chút tiếc nuối, ông nói: “Cái môn này nó đang dần mai một đi không biết vài chục năm nữa có còn không. Giờ tui còn sức khỏe tui còn làm chớ vài năm nữa chắc cũng chả còn ai, mà giờ các nghệ sĩ hát bội cũng không còn nhiều nữa”.
Trên chiếc xe đạp cũ, ông Bảy chở một giá trị văn hóa hòa vào dòng người đang hối hả

Chiếc xe đạp chở theo những ký ức của ngày cũ giữa cuộc sống hiện đại

Ông Bảy chia sẻ, ngày nắng cũng như ngày mưa ông đều đặn đạp chiếc xe cũ của mình chở mặt nạ đi bán dọc các con đường ở như Trương Định, Điện Biên Phủ… đến khoảng 12 giờ trưa lại đạp xe về nhà ở Gò Vấp và dành thời gian buổi chiều làm mặt nạ. Trước khi vẽ một sản phẩm, ông Bảy nghiên cứu kỹ và vẽ tỉ mỉ để từng chiếc mặt nạ thể hiện được cái hồn của nhân vật.
“Giờ vẫn có người mua, đa số là những người lớn tuổi, thi thoảng cũng có vài nghệ sĩ người ta mua để trong phòng làm kỷ niệm. Ngày bán nhiều thì khoảng 4 - 5 cái, còn ngày không bán được cái nào thì như cơm bữa”, ông Bảy cho biết.
Tôi thắc mắc sao ông không chạy xe máy cho khỏe, ông cười: “Xe máy làm gì có tiền đổ xăng, mà hồi xưa nghèo làm gì có xe máy chạy, ngày đó người dân chủ yếu đi xe đạp, nhà giàu mới có xe máy đi thôi. Đường xá lúc đó cũng không đông đúc như giờ nên đi lại cũng thoải mái, với lại gần 30 năm chạy xe đạp quen rồi, đạp thấy khỏe re chẳng có vấn đề gì. Chạy xe đạp đi từ từ người ta còn thấy mà mua chứ xe máy nhanh quá”.
Ông Bảy chia sẻ làm nghề này vì đam mê và nó cũng giống như cái nghiệp của ông. “Cuộc đời tui coi như gắn với cái nghề này bao năm nay nên giờ chỉ làm đến khi nào chết thì thôi, coi như góp một chút để lưu giữ cái nét văn hóa đang mai một dần. Mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 5 đến 6 triệu từ bán mặt nạ đủ để trang trải cuộc sống, cũng giống mình đi làm công nhân vậy thôi. Làm cái này không bao giờ mà giàu được, vợ tui biết tui mê nên cũng không nói gì, bả còn phụ tui vẽ nữa”.
30 năm gắn bó với nghề làm mặt nạ hát bội ông Bảy đã và đang chứng kiến môn nghệ thuật này mai một dần đi theo thời gian. Dù vậy khi tuổi đã xế chiều ông vẫn quyết tâm bám nghề không chỉ để mưu sinh mà còn vì niềm đam mê chưa bao giờ dứt với nghệ thuật hát bội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.