Bên hông có xe đẩy người Hoa bán sâm bổ lượng, hủ tiếu. Đặc biệt trong chợ có chè Dì Mười và hủ tiếu Giang Lâm Ký (chú Cẩu) siêu ngon…
Chợ Tân Định ngày trước được xem là nơi phồn hoa của những người Sài Gòn giàu có.
Nằm trên đường Hai Bà Trưng, chợ Tân Định được xây dựng từ năm 1926 gồm 4 cửa chính. Qua nhiều biến động của thời gian, đến nay chợ Tân Định không thay đổi nhiều mà vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ xưa.
Đặc biệt, chợ vẫn nổi tiếng là nơi kinh doanh vải vóc uy tín, còn các món ăn bán tại đây đều đúng vị Sài Gòn.
VIDEO: Hoài niệm chợ Tân Định - Thực hiện: Vũ Phượng
Để tìm hiểu chợ Tân Định xưa và nay khác nhau như thế nào, chúng tôi đã có cuộc hẹn trò chuyện với ba người gắn bó lâu năm nhất với ngôi chợ này. Cuộc trò chuyện rôm rả, ai nấy đều bồi hồi khi nhớ về chợ xưa và trầm trồ: “không ngờ thời gian qua lẹ dữ vậy”.
Lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng sầm uất ở trung tâm Sài Gòn, Chợ Cũ Tôn Thất Đạm, hay còn gọi là 'chợ nhà giàu' trước đây ngày qua ngày ngắm nhìn sự chuyển mình của thành phố. Theo UBND TP, tiền thân Chợ Cũ là tự phát nên nằm trong kế hoạch giải tỏa để trả lại lòng đường, vỉa hè.
Chợ nhà giàu của người Sài Gòn xưa
Ông Lý Minh (59 tuổi), tổ trưởng tổ bảo vệ, nhà ngay phía sau chợ cho biết chợ Tân Định xưa nổi tiếng là chợ nhà giàu vì các mặt hàng đều bán giá cao hơn các chợ khác một chút. Hai bên có bãi đậu xe hơi, phía sau là bến xe ngựa (nay là đường Mã Lộ), hàng hóa về chợ cái gì cũng tươi ngon và chất lượng.
Cổng chợ Tân Định xưa Ảnh: T.L
Ông Minh kể, chợ Tân Định ngày trước chỉ cho tiểu thương buôn bán từ 5 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Sau giờ đó, ban quản trị sẽ rào dây thép gai 4 bên để xịt nước rửa chợ. Để làm việc này, một nhà máy nước được xây dựng ngay bên hông chợ cho tiện lợi. Thời đó, những đứa trẻ cỡ tuổi ông Minh chỉ mong đến giờ rửa chợ để vừa được tắm vừa được nghịch nước thỏa thích mà không sợ ai la.
Ban đầu, tiểu thương đến bán ngồi khá lộn xộn, ai muốn ngồi bán chỗ nào thì ngồi, hàng cá rau xen kẽ hàng vải vóc. Sau này, hàng thịt cá vào giữa chợ, xung quanh là hàng rau, củ, giày dép, hàng trái cây thì nằm phía cổng chính.
Ông Lý Minh và ông Mai Văn Quân ở sát nhà nhau, chơi cùng nhau từ bé và giờ cùng làm bảo vệ ở chợ Tân Định Ảnh: Vũ Phượng
“Bước vào tới cổng chính là mùi trái cây thơm phức, màu trái cây nhìn tươi rói và luôn đắt khách. Đợt đó ai ngồi chỗ cố định trong chợ thì đóng tiền thuê mỗi tháng hoặc theo năm, còn ai ngồi xung quanh phía ngoài thì đóng hoa chi, ban quản trị đi thu tiền mỗi ngày rồi xé cho cái vé y như vé xe buýt vậy đó”, ông Minh kể.
Ông Minh nói, ông nhớ nhất là ngày 30.4.1975, hôm ấy tiểu thương nhận được thông báo quân giải phóng vào Sài Gòn, thống nhất đất nước nên không ai bán gì.
Chuông ở cổng chính chợ Tân Định, theo lời kể lại, xưa cứ đến đúng giờ chuông sẽ lại vang lên Ảnh: Vũ Phượng
“Năm đó tôi 14 tuổi, cả xóm chạy ào ra đường Hai Bà Trưng đứng vỗ tay, hò reo và phất cờ mặt trận tổ quốc màu xanh, đỏ mỗi khi có đoàn đi qua. Lúc đó đông vui và hân hoan lắm, tiếng cười rộn rã cả một con đường”, ông Minh nhớ lại.
Tuổi thơ của ông Minh là những ngày lớn lên bên chợ, ông cùng người bạn hàng xóm canh lúc không có người lớn để ý, liền trèo lên nghịch cái chuông treo chính giữa cổng chợ. Tiếng chuông kêu boong boong vui tai khi ấy khiến ông cùng người bạn cười thích thú.
Nằm ngay trung tâm quận Bình Thạnh, giá cả hàng hóa bình dân nên chợ Bà Chiểu ngày trước là điểm mua bán sầm uất của người Sài Gòn. Các sạp thực phẩm mở cửa bán từ 4 giờ sáng đến khoảng 15 giờ là hết sạch.
Xung quanh chợ cái gì cũng có
Người bạn gắn với những kỷ niệm “tuổi thơ dữ dội” của ông Minh năm nào, nay cũng chính là người đồng nghiệp của ông tại chợ Tân Định. Đó là ông Mai Văn Quân (61 tuổi). Ngồi nghe ông Minh nhắc lại chuyện tắm trong chợ và nghịch chuông mà ông Quân cười khà khà.
Kiến trúc kiên cố bên trong chợ Ảnh: Vũ Phượng
Theo ông Quân, chợ Tân Định ngày trước cái gì cũng có, trước mặt chợ là đường Hai Bà Trưng và bên hông là đường Trần Văn Thạch (đường Nguyễn Hữu Cầu ngày nay) có hai rạp chiếu bóng là Kinh Thành và Mô-đẹc. Riêng tại rạp Kinh Thành còn có bán kem cây ngon bá cháy, nhiều người ở xa đạp xe đến không phải để coi phim mà chỉ để mua kem rồi đứng ngay trước rạp ăn ngon lành.
Chè Bà Mười nay đổi thành chè Dì Mười. Khi bà Mười mất, con gái bà tiếp tục nối nghiệp mẹ. Quán chè hiện nay chỉ bán buổi sáng và rất đắt khách Ảnh: Vũ Phượng
“Hai rạp này thời đó thay phiên nhau chiếu phim Ấn Độ, phim cao bồi, lâu lâu có hát bội. Gần đó còn có tiệm chè con Ngựa, con Chuột, quán cà phê dĩa. Bên hông chợ có xe đẩy của người Hoa bán sâm bổ lượng và hủ tiếu. Đặc biệt trong chợ có chè Dì Mười và hủ tiếu Giang Lâm Ký (chú Cẩu) siêu ngon… mà đến nay vẫn còn. Chè Dì Mười nay là chè Bà Mười có món chè hạt me chỉ bán vào ngày chủ nhật mà đắt khách vô cùng”, ông Quân nói.
Ông Quân kể thêm, hai bên góc chợ ngày đó còn có hai tiệm tạp phẩm mini bán đủ thứ đồ hộp nhập từ nước ngoài vì hàng trong nước thời đó còn khan hiếm.
"Xa xa về hướng đường Trần Quang Khải còn có quán cà phê, rạp chiếu bóng Văn Hoa, sau này làm thành quán cà phê Cát Đằng nhưng nay không còn”, ông Quân cho biết.
Đi chợ Tân Định thời bao cấp
Là một trong những tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ Tân Định, bà Nguyễn Thị Đến (68 tuổi) tâm sự rằng có nhiều câu chuyện gắn với sự thay đổi từng bước ở chợ mà bà sẽ không thể nào quên được.
Bà Nguyễn Thị Đến ngày trước bán tạp phẩm, nay chuyển qua bán giày dép và mỹ phẩm Ảnh: Vũ Phượng
Bà Đến cho biết, ban đầu bà bán tại chợ trời trên đường Nguyễn Hữu Cầu - con đường bán thuốc tây nổi tiếng sát bên chợ Tân Định. Theo bà, ngày ấy nhu cầu người mua cao nên mới được phép ngồi ra đường bán, chợ trời này kéo dài từ chợ Tân Định đến giao lộ với Trần Quang Khải. Thời đầu chợ trời cũng có sạp, nhưng là sạp di dộng, sáng mang ra bán, chiều lại dọn vô. Sau nhà nước cho xây sạp che mái tôn để bán cố định, mỗi sạp chiều rộng chừng 1 mét, được một thời gian xe cộ đông đúc, những sạp này được đập đi để trả lại đường đi cho dân. Lúc ấy một số tiểu thương xin vô chợ Tân Định bán, còn một số khác chuyển nghề.
Bà Đến nhớ lại: “Cách đây lâu lắm rồi, trong chợ Tân Định còn bán hàng của hợp tác xã. Ví dụ ngày đó người ta nhận được thông báo hợp tác xã nào có thịt là ngay từ sáng sớm dân đã đến xếp hàng để nhận phiếu, có khi xếp hàng cả 2 tiếng mới đến lượt, nhưng có bảo vệ đứng giữ trật tự nên hàng lối ngay ngắn lắm. Đến khi qua lấy thịt, người ta cắt cho miếng nào là lấy miếng đó chứ không có được đòi hỏi thịt ba chỉ hay thịt đùi đâu”.
Chợ Tân Định ngày xưa còn được nhiều người gọi là Chợ Vải. Nay bên trong chợ cũng có rất nhiều sạp chuyên bán vải và quần áo Ảnh: Vũ Phượng
Tiện nhắc đến mua thịt, ông Mai Văn Quân tiếp lời: “Ngày ấy là có thịt nóng với thịt lạnh, thịt nóng là thịt bình thường như bây giờ, còn thịt lạnh là bổ đôi con heo, quấn khăn trắng kín bưng như xác chết. Mà đuôi heo ngày ấy dài lắm, lớp mỡ heo cũng dày, không như bây giờ, cầm miếng thịt heo thấy nạc không hà”.
Bà Đến cho biết thêm, nguồn hàng của bà thời đó không nhiều, thậm chí là khan hiếm. Bà bán tạp phẩm nên chủ yếu là đường, sữa, gia vị, kem đánh răng… mấy món lặt vặt này, ai được nhà nước phát nhưng không có nhu cầu sẽ ra bán lại cho bà rồi bà bán cho người cần. Mặt hàng bán đắt nhất lúc bấy giờ là bột ngọt vifon và mì gói bọc kiếng. Chỉ có một đợt ngắn, người ta gửi hàng ở nước ngoài về nhiều thì bà có nhiều hàng để bán, đó là quãng thời gian mua may bán đắt, bà có thể nói thách đôi chút để kiếm lời. Còn nay cùng một mặt hàng nhưng trên thị trường có nhiều nguồn cung cấp, giá cả không chênh lệch nhau mấy.
Theo thời gian, hiện nay chợ Tân Định vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa Ảnh: Vũ Phượng
Chợ Tân Định ngày xưa mỗi sạp chỉ rộng chừng 1,5 mét, riêng những người bán vải thì tệ lắm cũng mua 2 sạp gộp lại để bày được hết các mẫu vải của mình, đến nay phân chia lại khu, chiều rộng mỗi sạp chỉ còn 1,2 mét.
Thực phẩm ở chợ Tân Định ngày đó ánh lên màu tươi rói và bắt mắt. Bà Đến nói: “Cà tô-mát (tiếng Pháp gọi là Tomate tức cà chua) ăn giòn rất ngon, ăn một lần là nhớ hoài. Hàng trái cây ngay cổng chợ cũng thơm phức, còn đồ ăn thì đúng vị Sài Gòn”.
Ghé quán súp cua Nhà thờ Đức Bà 20 năm (hay còn có tên gọi khác là súp cua Hòa Bình), trong con hẻm nhỏ ngay trung tâm quận 1 đã thấy nườm nượp khách.
Ngày nay, chợ Tân Định vẫn thu hút nhiều khách nước ngoài đến tham quan và mua sắm, những hàng ăn nổi tiếng ngày xưa đến nay còn đông khách. Khách đi đến đâu, tiểu thương cũng vui vẻ hỏi xem họ cần tìm mua gì, không chèo kéo, không nói thách quá cao. Mỗi khu bán hàng đều có tổ trưởng mặt hàng để quản lý và lo chuyện bình ổn giá.
Bình luận (0)