(TNO) Ở giữa Sài Gòn hàng triệu người xa lạ, đã có hàng chục ngàn chỗ ngủ, mái nhà, tấm lòng người thơm thảo giang tay đón những thí sinh về nhà mình, chuẩn bị đến ngày vào phòng thi. Nhưng đôi lúc, những tấm lòng cũng cảm thấy hơi “gợn” một chút, buồn một chút...
|
Đáp lại sự chân tình
Anh Châu Thành Toàn, vừa là Phó ban Tiếp sức mùa thi của báo Giác Ngộ, vừa tự nguyện “trưng dụng” ngôi nhà của mình để đón 12 thí sinh mỗi năm đến ở trọ. Có kinh nghiệm cho nhiều người ở nhà mình, anh Toàn cho biết: “Mình gửi chìa khóa cho các em luôn, khi đi thi thì tự khóa cửa. Nhà mình cũng như nhà các em”.
|
Tuy nhiên, những chuyện va chạm nhỏ hằng ngày vẫn không tránh khỏi. Anh Toàn nói: “Các em ở xa đến, ai cũng xài dầu gội đầu gói. Nhà mình thì chỉ có một nhà tắm, mà các em xài xong vứt luôn trong nhà tắm, ứ lên toàn gói dầu gội, xong nghẹt luôn máng nước, chảy lênh láng”.
Nhiều hôm Toàn phải đi làm, để các em thoải mái sử dụng nhà mình, có em nghịch những món quà anh được bạn bè tình nguyện tặng, làm bể vỡ, rồi giấu đi. “Quần áo mình để sẵn trong nhà. Có em giặt hết đồ, vơ đại quần áo của mình mặc đi luôn, cũng không hỏi trước. Cũng hơi bực một chút”.
Tại nhiều chùa, các sư thầy, các tình nguyện viên cũng rất cố gắng để những ngày trọ học của các em học sinh tốt hơn. Thế nhưng nhiều thí sinh không ý thức được điều đó, khiến mọi người phật lòng.
|
Thầy Hoàng Lộc, chùa Pháp Vân (quận Bình Thạnh) nhiều lúc cũng hơi buồn: “Khó khăn bao nhiêu các sư thầy mọi người đều cố gắng tốt nhất hỗ trợ các thí sinh. Nhưng những năm gần đây, mọi người rất phiền lòng về thái độ học tập, thi cử của các em. Sau khi ăn uống xong, thay vì ngồi vào ôn bài, các em thường hay nhắn tin, điện thoại, đùa giỡn, không có ý thức học tập. Nên các sư thầy và các tình nguyện viên cảm thấy công sức mình bỏ ra không có ích. Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều học sinh có ý chí vươn lên, nên mọi người cũng cố gắng bỏ qua, chung tay vì các em”.
Cô Hoa Thiện, phật tử chùa Vạn Thiện (quận 5) kể: “Trước đây chùa có liên hệ với 3 trường trong khu vực để tạo điều kiện cho các em có chỗ ở thoải mái, tiếp nhận nhiều thí sinh. Thế nhưng qua các năm, do ý thức các em kém, thậm chí xảy ra mất trộm tại trường nên 2 trong số 3 trường đã không tiếp nhận thí sinh đến ở nữa. Hiện chỉ còn trường tiểu học Lê Văn Tám, có mối quan hệ tốt với chùa nên vẫn cố gắng giúp đỡ các em”.
Khi các em tắm gội, nhất là các em gái tóc vương vãi khắp nơi, mà số lượng đông, không ai có ý thức nên tóc nghẽn lại làm nghẹt ống cống ở cả trường và chùa. Sau đó, phải làm lại rất tốn kém. Các em phơi quần áo tại trường nhưng không biết lựa chỗ kín đáo phơi, cứ giăng bừa bãi, gây mất mĩ quan trường học. Một số phụ huynh và thí sinh được nhắc nhở đeo bản tên để chùa và nhà trường quản lý nhưng thường hay quên. Một số em thí sinh khác sau khi thi xong, buồn nên bứt sạch hết lá cây cảnh trong khuôn viên trường.
Giữ gìn những tấm lòng thơm thảo
Tại Giáo xứ Thánh An-Tôn, để “thỏa thuận” sẵn với các thí sinh đến ở mùa thi đại học, nhà thờ làm hẳn một nội quy dành cho các em.
Vì đã có kinh nghiệm đón sinh viên nhiều năm đến nhà thờ, ông Phạm Ngọc Long phụ trách chương trình tiếp sức mùa thi giáo xứ An-Tôn cho biết: “Toàn bộ nhà tắm nhà vệ sinh đều được sửa sang lau dọn lại. Từ xô, chậu, móc quần áo, ca đánh răng nhỏ cho mỗi em đều đã được chuẩn bị đầy đủ”. Việc tuân theo quy định và lịch sự khi sống cùng nhau sẽ giúp các em có mùa thi dễ chịu hơn.
|
Trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay, các tình nguyện viên cũng được tập huấn về việc dặn dò các thí sinh trong việc ăn ở, đối xử với các chủ nhà thiện nguyện.
Anh Toàn nhắc nhở: “Khi đi thi, các em nên mang đồ đạc gọn nhẹ, vì thi ít ngày, và cũng để chỗ cho người khác cùng để được. Các em nên chú ý lịch sự với người lớn tuổi, tôn trọng mọi người. Có nhiều em, tuy ở nhà nhưng không bao giờ chào hỏi, trò chuyện với người đã giúp đỡ mình, lại hay bật nhạc lớn, không để cho bạn nằm kế bên học bài”.
|
Có những chuyện nhỏ như... cái nhà vệ sinh. Nhiều em dùng dép trèo lên, chỉ vài ngày vỡ mất tấm nhựa trong bồn. Các em nam sử dụng nhà vệ sinh cũng không chú ý, làm bẩn và không giữ sạch để người sau sử dụng. Một chủ nhà trọ kể: “Có cái gương trong phòng tắm, mấy em xài có 2 ngày, không biết làm sao mà nó rơi vỡ luôn, cả nắp bồn cầu cũng vỡ”.
Chỉ là những chuyện “nhỏ như con kiến” mà bất cứ chủ nhà rộng lượng, quảng đại và những nơi thiện nguyện sẵn sàng bỏ qua, nhưng nếu bạn trẻ sắp đi thi, hãy nghĩ đến việc làm cho những ngày trọ học trở thành kỷ niệm tròn vẹn, dễ chịu nhất cho cả những gia chủ giúp mình và cả việc đi thi của mình.
Các bạn trẻ đi thi hãy là những sĩ tử đàng hoàng, để năm sau đàn em đi thi còn được thêm hàng nghìn những mái nhà mới đón các em.
Khải Đơn - Lê Cầm - Minh Tâm
>> Người Sài Gòn 'đón khách' thi đại học - Kỳ 4: Sướng như thí sinh ở nhà thờ
>> Người Sài Gòn 'đón khách' thi đại học - Kỳ 3: Ăn chùa, ở chùa, ngủ chùa và học chùa
>> Người Sài Gòn 'đón khách' thi đại học - Kỳ 2: Ông Năm 'nuôi sinh viên
>> Người Sài Gòn 'đón khách' thi đại học - Kỳ 1: Ngôi nhà cho cả trăm thí sinh ở miễn phí
Bình luận (0)