Người Sài Gòn vẫn phải ‘đối mặt’ với mưa kèm dông sét đến cuối tháng 11

20/11/2017 13:32 GMT+7

Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết mùa mưa ở TP.HCM vẫn chưa dứt hẳn. Sắp tới, người Sài Gòn còn phải ‘đối mặt’ với những ngày mưa kèm dông, sét.

Trận mưa rất to kèm gió giật mạnh vào tối 18.11 ở TP.HCM làm 149 căn nhà tốc mái, nhiều cây xanh bị bật gốc, đặc biệt là ở khu vực quận 9, quận Thủ Đức. Khu B, Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cũng bị ngã đổ hàng loạt cây xanh, sập la phông và gió giật bể nhiều cửa kiếng.
VIDEO: Cơn mưa vào tối 18.11 ở TP.HCM
Chưa hết, trong ngày 19.11, TP.HCM tiếp tục xuất hiện mưa dai dẳng từ sáng tới tận khuya. Điều này có bất thường hay không khi mọi năm, cuối tháng 11 đã là thời điểm hết mùa mưa ở TP.HCM? Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi nhanh với thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ về vấn đề này.
* Chào ông, xin ông cho biết vì sao tối 18.11 TP.HCM xuất hiện mưa to, thậm chí có lốc làm tốc mái 149 căn nhà và trong ngày 19.11 mưa cũng liên tục trong cả ngày tới đêm?
Thạc sĩ Lê Đình Quyết: Tối 18.11, TP.HCM xuất hiện mưa to. Cụ thể, lượng mưa đo được tại Q.1 là 47,8 mm, Tân Bình là 37,3cmm, Bình Chánh là 60,7cmm. Thời gian tập trung từ 17 giờ 50 – 19 giờ. Nguyên nhân là do phía bắc không khí lạnh đang tăng cường xuống phía nam, đồng thời ngoài biển Đông bão số 14 đang di chuyển theo hướng tây trong phạm vi từ Khánh Hòa đến các tỉnh bắc miền đông nam bộ, phía dưới rãnh áp thấp có trục 5 - 9 độ N.
Buổi chiều cùng ngày, tại TP.HCM nắng mạnh làm cho nền nhiệt khá cao, các yếu tố trên tạo nên khí quyển bất ổn định rất mạnh, tạo dòng thăng, do đó gây nên mưa rất to, kèm tố lốc, gió giật mạnh. Hiện tượng này thường xảy xa ở những vùng giáp với nơi dự báo bão sẽ đổ bộ vào, và xảy ra trước khi bão đổ bộ khoảng 12 giờ đến 1 ngày.
Sau trận mưa tối 18.11, trên đường số 8 (phường Linh Xuân), cây cối và trụ điện gãy đổ, nhiều mái tôn nằm vắt vẻo rất nguy hiểm cho người đi đường. Một vài người dân phải đứng ra điều tiết giao thông nơi đây Ảnh: Hoài Nhân
Từ trưa ngày 19.11 áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 14) đã đi vào đất liền các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, và suy yếu hành vùng áp thấp sau đó tiếp tục di chuyển theo hướng tây. Mặc dù gió không còn mạnh, nhưng thời điểm từ trưa đến chiều từ Ninh Thuận đến các tỉnh miền Đông Nam bộ mây tồn tại nhiều, trong khi đó không khí lạnh càng xuống sâu phía nam, đẩy mây xuống làm cho thời tiết TP.HCM nhiều mây có mưa. Tuy nhiên tổng lượng mưa đến 19 giờ tối hôm qua (19.11) phổ biến 35 mm, chỉ có Củ Chi là 68 mm, Hóc Môn là 50 mm
* Dự báo thời tiết TP.HCM trong tuần này như thế nào, thưa ông?
Thạc sĩ Lê Đình Quyết: Dự báo trong tuần này ở TP.HCM mưa sẽ giảm, đêm nay mưa vài nơi, từ ngày mai mưa tiếp tục giảm; tuy nhiên vẫn có thể xảy ra những trận mưa vừa, mưa to, kèm dông sét, gió giật mạnh vào thời điểm chiều tối.
* Xin ông cho biết tới khi nào TP.HCM sẽ hết hẳn mưa, đặc biệt là mưa vào chiều tối?
Thạc sĩ Lê Đình Quyết: Hiện tại đang cuối tháng 11, có dấu hiệu sắp kết thúc mùa mưa năm 2017, xong vẫn chưa hết hẳn. Sắp tới đây sẽ vẫn còn những ngày mưa, thời điểm này thường xuất hiện dông, sét vào chiều tối.
* Mưa vào chiều tối và sương mù vào buổi sáng sớm có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không, thưa ông?
Thạc sĩ Lê Đình Quyết: Mưa vào chiều tối thường kèm dông sét nên khá nguy hiểm, mưa vào thời điểm triều cường, đỉnh triều cũng thường lên cao vào chiều tối nên gây ngập lụt nhiều tuyến đường, gây khó khăn cho sinh hoạt, giao thông, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm.
Tình trạng sương mù, mù vào sáng sớm chỉ là hiện tượng ngưng kết mây bình thường, làm giảm tầm nhìn, gây khó khăn cho giao thông, không đáng lo ngại về sức khỏe.
* Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.