Người Singapore ăn tết

01/02/2017 14:04 GMT+7

Người Singapore nghỉ tết chỉ 2 ngày, nhưng “chơi tết” thì phải đúng nửa tháng và rất khác người Việt.

Nói như cố Ngoại trưởng S.Rajaratnam hồi năm 1976 rằng “Singapore là một quốc gia Đông Nam Á, chẳng qua ngẫu nhiên mà có đa số dân gốc Hoa”, người dân đảo quốc sư tử rất khó chịu khi bị “đánh đồng” là “Hoa kiều”.
Nhưng với gần 3/4 dân số là người gốc Hoa, Tết Nguyên đán vẫn là dịp lễ mang màu sắc sắc tộc lớn nhất trong năm ở Singapore.

tin liên quan

'Kem ba ngàn' ở Singapore
Nhiều lần đi chơi ở quốc đảo sư tử, được ở nhiều khách sạn sang trọng nhưng tôi ấn tượng nhất với chuyến đi vừa qua khi được đến ở một nơi rất dân dã tại khu phố mới mang tên Kembangan.
Quýt và thơm
Tương tự người Việt thích chưng mâm ngũ quả ngày tết gồm những loại trái có tên gọi hao hao như điều mình mong ước (mãng cầu, đu đủ, sung...), người Singapore “cuồng” quýt (quất) và thơm (dứa).
Không chỉ nhờ màu cam lộng lẫy, quả quýt trong tiếng Quảng Đông còn có phát âm giống vàng, thứ kim loại biểu tượng cho phú quý, nên tết là dịp lên ngôi của quýt. Không có mai, đào hay các loại hoa khác, chỉ có cây quýt hiện diện ở mặt tiền từng nhà, công sở.
Quýt cũng là thứ người ta thường biếu nhau ngày tết và làm quà lì xì đầu năm. Nguyên tắc là biếu theo cặp, tức bội số của 2, nhưng tuyệt đối tránh số 4 (tứ) có phát âm giống “tử” (chết). Còn làm quà lì xì thì thường là một cặp, bỏ trong túi giấy đỏ cùng vài thứ khác như chocolate hình đồng tiền bọc giấy kẽm vàng.
Trong khi đó, thơm được chuộng không phải vì thơm tho hay có nhiều mắt, mà vì có phát âm trong tiếng Phúc Kiến giống từ “vượng lai”, tức phú quý lại tới. Người ta không chưng quả thơm mà dùng cơm của nó làm nhân bánh quy đãi khách ngày tết.
Tiệc đoàn viên
Tết là dịp sum họp gia đình, nên bữa ăn tối trước giờ giao thừa là sự kiện quan trọng, thiêng liêng nhất trong cả dịp lễ kéo dài hơn nửa tháng của người Singapore. Ai ở đâu, làm gì cũng phải cố gắng về nhà cha mẹ đẻ (hay cha mẹ chồng) hoặc nhà ông bà nội để dự bữa ăn này.
Thực đơn bữa ăn phụ thuộc vào gốc gác gia đình. Người gốc Triều Châu không thể thiếu hẹ xào thịt và món cá hấp tương. Với người Quảng Đông, Phúc Kiến thì món chính là bồn thái, tức thố súp sơn hào hải vị mà một thời chỉ vua chúa mới ăn nổi.
Bào ngư, sò điệp, hải sâm, tảo sợi... là những thành phần trong thố súp sền sệt, đầy dưỡng chất này. Thật ra, các món ăn này được “chọn mặt gửi vàng” chỉ vì có phát âm giống như “dư giả”, giàu sang.
“Giàu 3 ngày tết”, bữa ăn này phải linh đình, thừa mứa mới được! Tuy nhiên, ngày nay, việc chuẩn bị bữa ăn cuối năm trở nên quá sức đối với các bậc phụ huynh lớn tuổi. Nhà hàng vì thế dần trở thành lựa chọn của nhiều gia đình.
Sau bữa ăn, lũ trẻ sẽ được lì xì. Gọi là “trẻ” nhưng có thể có cả người 40, 50 tuổi, miễn là chưa lập gia đình. Những ai đã yên bề gia thất phải chuẩn bị “phong bì đỏ” mệt xỉu. Tỷ lệ độc thân ở Singapore rất cao. Theo thống kê của nhà nước, đến 73,4% số người ở độ tuổi 20 - 49 chưa lập gia đình (năm 2015). Lũ trẻ cũng được khuyến khích thức cho đến qua giờ giao thừa để mang lại tuổi thọ cho ông bà, cha mẹ.
Nửa tháng ăn chơi
Người Singapore vốn tham công tiếc việc nên nghỉ tết chính thức chỉ hai ngày - mùng 1 và 2 tháng giêng. Mùng 1 để thăm cha mẹ và người thân trong họ, mùng 2 dành cho phụ nữ lấy chồng về thăm cha mẹ đẻ.
Tuy nhiên, chia sẻ với Thanh Niên, nhà báo Rachel Goh cho biết vợ chồng chị thăm cha mẹ cả hai bên trong ngày mùng 1. Sáng sớm về nhà cha mẹ chồng dùng điểm tâm chay và bữa trưa, sau đó sang nhà cha mẹ chị và ăn tối ở đó. Mùng 2 thì thăm anh em, họ hàng.
Nghỉ ít, nhưng cái sự ăn chơi tết của người Singapore thì kéo dài đến nửa tháng. Sau hai ngày nghỉ, bạn bè, đồng nghiệp vẫn được “thư thả” thêm 13 ngày để tranh thủ thăm viếng nhau. Các cơ quan, công sở cũng tổ chức tiệc tưng bừng trong những ngày này, nếu cuối năm chưa làm tiệc tất niên linh đình.
Bữa tiệc này không thể thiếu món gỏi cá sống Yusheng (tức “ngư sanh”, phát âm trong tiếng Hoa y hệt “dư thăng”, phát đạt). Ngoài cá tươi cắt sợi, Yusheng còn gồm nhiều loại củ quả thái sợi nhuyễn như cà rốt, củ cải, ớt chuông đỏ, gừng..., thêm đậu phộng và mè rang, nước xốt và ngũ vị hương. Dùng để khai vị, Yusheng được bày trong một đĩa tròn lớn. Thực khách đứng xung quanh dùng đũa xới tung để trộn đều các thành phần và hô to “Huat ah” (Chúc phát tài).
Phố Tàu Singapore mùa tết Ảnh: Thục Minh
Đến ngày rằm tháng giêng, nhà nhà lại dùng bữa tiệc đoàn viên lần nữa, trong khi cả nước kết thúc mùa lễ tết bằng sự kiện tắt đèn, tháo dỡ công trình trang trí công phu, rực rỡ ở khu Phố Tàu (Chinatown).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.