Người Sài Gòn chung tình: 70 năm gắn với bưu điện, cụ ông U90 vẫn viết thư

02/07/2019 12:47 GMT+7

Năm 1990 sau khi vừa nghỉ hưu, cụ xin lãnh đạo bưu diện ra ngồi phía ngoài để viết thư tay hỗ trợ anh em bưu điện. Dần dà, những người cụ từng hỗ trợ lần lượt... qua đời. Chỉ duy nhất còn cụ... ở lại.

Đều đặn suốt gần 30 năm nay, mỗi sáng, một cụ già mặc bộ đồ kiểu cũ, dáng người khom đi trên chiếc xe đạp cà tàng từ Thị Nghè đến Bưu điện trung tâm Sài Gòn để làm công việc viết thư thuê cho khách nước ngoài. Đó là cụ Dương Văn Ngộ (89 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) được biết đến là người viết thư tay thuê cuối cùng ở TP.HCM.

Có máy đánh chữ, máy vi tính vẫn chọn viết tay

Tấm biển nhỏ treo trên bàn, vài chồng giấy tờ, hồ sơ và từ điển và chiếc kính lúp dường như đã tạo nên một không gian riêng của cụ Ngộ. Góc bàn bên phải nằm ở cuối dãy hành lang ở Bưu điện trung tâm Sài Gòn suốt 29 năm nay là nơi ra đời của hàng ngàn lá thư tay in dấu của cụ.
Cụ Ngộ gắn bó với nghề bưu chính từ năm 16 tuổi. Ban đầu cụ làm việc tại Bưu điện khu Thị Nghè. Đến năm 1948, cụ trở thành nhân viên chính thức của Bưu điện Sài Gòn. Công việc ban đầu của cụ là lựa thư trong hộp để chuyển đi. Sau đó cụ lần lượt trải qua các công việc chuyên môn của bưu điện. Có thời gian cụ Ngộ được điều chuyển sang làm ở Bộ giao thông và Bưu điện.

Cụ Ngộ gắn bó cả đời với Bưu điện trung tâm Sài Gòn 

Phạm Hữu

Suốt 29 năm qua, hàng ngàn lá thư tay do cụ viết đã được gởi đi khắp nơi. Những người nước ngoài khi đến đây đều nhận ra cụ Ngộ và ngỏ ý nhờ cụ viết để gởi về cho gia đình.
“Cái nghề của mình ai yêu cầu gì thì mình viết nấy. Hồi đó thơ (thư) viết tay nhiều, chứ bây giờ có máy tính có internet, có điện thoại thì số lượng người thuê viết ít hơn. Nhưng mà vẫn còn người viết trên bao thơ những địa chỉ ngoại quốc thì tôi vẫn còn viết”, cụ chia sẻ.
Chiếc túi này chắc cũng hai mấy năm rồi. Từ lúc tôi làm việc này tôi không có thay túi. Khi túi bị rách tự tôi cũng vá nó đó.

Cụ Ngộ

Trong dòng chảy của thời gian, từ khi xuất hiện máy đánh chữ đến máy tính xách tay cụ Ngộ vẫn một mực trung thành với cách viết thư bằng tay. Cụ cho rằng viết tay mang đến cho cụ một cuộc sống nhẹ nhàng. Những nét chữ như gởi gắm tâm tư của chủ nhân nó đến với người khác một cách trân trọng hơn.
“Tôi thấy viết tay khỏe hơn nhiều, tôi suy nghĩ đến đâu viết đến đó. Nó còn có thể bôi sửa. Đánh máy chữ nó sạch sẽ nhưng lỡ sai thì phải bỏ hết và viết lại. Vả lại, viết tay nó có hồn hơn nhiều. Giả dụ, lỡ mình đang viết thì mình muốn chữ lớn, chữ nhỏ gì thì theo đó mà viết. Mình có thể sáng tạo tùy hứng theo từng nét chữ của mình. Như vậy giờ có máy tính cũng không thể thay cách viết tay của tôi đâu”, cụ chia sẻ.
Ngoài ra, cụ vẫn luôn cố giữ những ngôn từ cũ, ít khi sử dụng ngôn ngữ hiện đại trong các bức thư của mình.

Đồ vật, từ điển, kính lúp đi theo cụ hàng chục năm qua

Phạm Hữu

“Những từ mới không nên dùng cho những ông cụ bà cụ, người lớn tuổi. Trừ trường hợp là những người trẻ tôi mới dùng từ mới bây giờ. Gởi cho cha mẹ phải có lời lẽ kính trọng khác, anh em gửi thì tôi viết khác nhau, bạn bè tôi dùng ngôn từ cũng khác nhau nữa…”, cụ Ngộ giải thích.

Lưu giữ đồ vật xưa cũ

Ở Bưu điện trung tâm Sài Gòn, hầu như mọi công việc đều được thiết lập trên hệ thống máy tính hiện đại. Như một vẻ đối lập thú vị, chiếc bàn làm việc của cụ Ngộ gần như không thay đổi gì theo năm tháng. Vẫn là vài quyển từ điển cũ, chiếc kính lúp và chiếc túi... những món đồ đã theo cụ hàng chục năm qua. Mỗi khi có khách yêu cầu viết thư, cụ lật đật cầm kính lúp tra từng trang từ điển... Vẫn những thao tác diễn ra gần 30 năm qua nhưng chưa bao giờ cũ... ít nhất là với cụ và với những người gởi gắm con chữ ở cụ.
Còn với những hình ảnh hay bài báo viết về mình, cụ in ra rồi gấp lại để dành cẩn thận. Bạn đồng hành "nổi bật" nhất của cụ có lẽ là chiếc túi cũ. “Chiếc túi này chắc cũng hai mấy năm rồi. Từ lúc tôi làm việc này tôi không có thay túi. Khi túi bị rách tự tôi cũng vá nó đó. Tôi đi mua kim, cước về tự làm hết. Chứ hỏng lẽ mỗi cái mỗi đem mướn. Tôi xài đồ quen rồi thay cái khác cũng mắc công”, cụ vừa nói vừa khoe chiếc túi của mình.

Bài báo đầu tiên viết về cụ Ngộ đăng trên một tờ báo của Đức

Phạm Hữu

Mỗi ngày cụ Ngộ đều đạp xe từ Thị Nghè đến Bưu điện trung tâm Sài Gòn 

Phạm Hữu

Cụ kể: “Cái này là bài báo của phóng viên người Đức viết về tôi trên báo Đức nè, cách đây 12 năm. Sau bài báo này, mấy báo đài ở Việt Nam mới biết đến tôi đó”.
Và cụ vẫn còn nhớ rất rõ từng ngóc ngách, bờ tường ở Bưu điện này. Cụ tâm sự, cuộc đời cụ giống như tòa nhà này. Tuy trải qua sự biến thiên của thời cuộc, sự thay đổi của xã hội nhưng vẫn giữ được phong thái xưa như những người muôn năm cũ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.