Người tài trong nhà nước: Phải yêu nước hay chỉ cần đánh máy giỏi?

25/10/2019 04:52 GMT+7

Nội dung thảo luận về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công chức , viên chức tại nghị trường Quốc hội trở thành cuộc tranh luận về khái niệm nhân tài và thu hút người tài vào cơ quan nhà nước.

Nội dung thảo luận về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công chức, viên chức tại nghị trường Quốc hội sáng 24.10 đã trở thành cuộc tranh luận về khái niệm nhân tài và thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước.

Công chức tài năng chỉ cần đánh máy giỏi !

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức tại kỳ họp 8 của Quốc hội ngày 24.10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong luật này là khó khả thi, do đó, trong phạm vi của luật Cán bộ, công chức, cơ quan soạn thảo bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ”. Theo đó, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được.
Thảo luận sau đó, nhiều ĐB cho rằng quy định của dự thảo còn chung chung, định tính. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), cho rằng không nên hiểu theo nghĩa nhân tài ở đây là xuất chúng, thiên tài vì hiểu như vậy là vượt ra khỏi phạm vi của luật Cán bộ, công chức. “Một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất được cả, vì họ thực hiện theo luật pháp, quy trình đã định. Công chức có năng lực thì chỉ cần đánh máy giỏi, không có lỗi chỉ để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi”, ông Quốc nêu quan điểm và cho rằng, thời kỳ trước có những giá trị lớn hơn tiền bạc, đó là yêu nước. Tuy nhiên, hiện nay phải có hệ thống giá trị khác để thu hút những người tài năng vào bộ máy nhà nước. “Bây giờ chúng ta nói chỉ có công chức yêu nước? Còn những người tài năng làm ở những nơi khác không yêu nước à?”, ông Quốc nói.

“Làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì yêu nước”

Tranh luận với ĐB Quốc, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói: “Cho dù thời cuộc có thay đổi, cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi, những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm”.
Tiếp tục tranh luận lại, ông Dương Trung Quốc cho rằng học tập người xưa là phải biết vận dụng chứ không thể giáo điều và quan trọng nhất là đừng chụp mũ. “Tôi xin hỏi ĐB Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở chứ đừng nói là một Phó chủ tịch nước hay là Chủ tịch QH là người ngoài Đảng không? Chắc chắn là không, vì cơ chế thay đổi rồi”, ông Quốc nói, và cho rằng điều ông muốn nhấn mạnh chính là tinh thần của Bác Hồ, đó là “dụng nhân như dụng mộc”, biết dùng người đúng lúc, đúng chỗ và phải có hệ thống giá trị để thu hút những người này.

Lại đề xuất bỏ “viên chức suốt đời”

Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết về việc bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, tại kỳ họp 7, Chính phủ trình 2 phương án. Tuy nhiên, qua tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết T.Ư, kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin cho lựa chọn phương án bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức kể từ khi luật này có hiệu lực vào năm 2020.
Thảo luận sau đó, nhiều ĐB vẫn bày tỏ băn khoăn với lựa chọn này. ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi (TP.Cần Thơ) cho rằng quy định này sẽ trái với quy định tại bộ luật Lao động, kể cả bộ luật Lao động sửa đổi đang trình Quốc hội. Bên cạnh đó, theo ĐB Nghi, bà chưa thấy so sánh nào mang tính thuyết phục cho rằng việc chuyển đổi từ hình thức ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn sang loại hợp đồng có thời hạn đối với viên chức sẽ tạo thêm động lực để nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ này trong thời gian tới. “Đó là chưa nói đến sự tác động bởi quy định này đến hiệu quả quản lý, điều hành cũng như hiệu quả hoạt động và tính ổn định lâu dài tại đơn vị sự nghiệp công lập”, bà Nghi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.