Hơn 2 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu sớm trong số 52 triệu cử tri hợp lệ từ 18 tuổi trở lên tại Thái Lan, theo Reuters dẫn số liệu của Ủy ban Bầu cử.
Ngày 7.5, nhiều người đã xếp hàng dài tại các điểm bầu cử trên cả nước để chờ bỏ phiếu. Cử tri có thể bỏ phiếu từ 8 giờ đến 17 giờ. Đây là ngày bỏ phiếu sớm duy nhất trước khi ngày bầu cử chính diễn ra vào ngày 14.5.
Cảnh sát đã thiết lập an ninh tại các điểm bỏ phiếu và điều tiết giao thông trong khu vực để việc bầu cử diễn ra suôn sẻ.
Tại Bangkok, nhiều người kiên nhẫn đứng chờ giữa thời tiết nắng nóng, dự kiến lên đến 39 độ C trong ngày, để chờ bỏ phiếu. "Tôi khá phấn khích. Tôi quyết định bỏ phiếu dựa theo chính sách của đảng và hy vọng cuộc bầu cử sẽ đưa đất nước đến tương lai tốt hơn", cử tri lần đầu bỏ phiếu Pasawee Sriarunothai (20 tuổi) nói với AFP.
"Tôi mong được thấy sự thay đổi và cải thiện trong quản lý", cử tri 51 tuổi Gosol Pungtaku tại Bangkok nói với Reuters. Có khoảng 800.000 người đăng ký bỏ phiếu sớm tại thủ đô Thái Lan.
Cô Siriporn Namphet, cử tri 34 tuổi cũng tại Bangkok nói bỏ phiếu vì muốn thấy sự thay đổi. "Tôi đã thấy những gì chính quyền trước đã làm và giờ hy vọng một chính quyền mới sẽ tiếp quản và quản lý hiệu quả hơn", cô Siriporn nói.
Đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang tìm kiếm một nhiệm kỳ mới sau hơn 8 năm lãnh đạo xứ chùa vàng từ cuộc đảo chính năm 2014. Đảng đối lập Pheu Thai có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc khảo sát thăm dò, tiếp theo đó là đảng cấp tiến Tiến lên.
500 ghế Hạ viện Thái Lan sẽ được bầu trong cuộc bỏ phiếu lần này. Đảng giành đa số ghế sẽ có quyền lập chính phủ mới.
Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam mới đây nói rằng có khả năng hình thành chính phủ thiểu số sau cuộc bầu cử do không đảng nào giành đa số phiếu và nguy cơ xảy ra bế tắc, dẫn đến khoảng trống quyền lực, theo tờ Bangkok Post.
Ý kiến của ông ngay lập tức bị giới chính trị gia và học giả trong nước phản đối mạnh mẽ vì một chính phủ thiểu số có thể dẫn đến các cuộc biểu tình và một cuộc đảo chính nữa. Những người phản đối nói rằng chính phủ thiểu số không mang tính ổn định và có thể bị sụp đổ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc không thông qua được các dự luật quan trọng.
Ngày 6.5, ông Wissanu đính chính lại rằng ông không ủng hộ một chính phủ thiểu số mà chỉ giải thích cho các phóng viên về khả năng có thể xảy ra sau bầu cử.
"Khi các phóng viên hỏi liệu một chính phủ thiểu số là có thể, tôi nói là có. Nếu tôi nói ngược lại thì coi như nói dối. Về nguyên tắc, bất kỳ đảng nào giành đa số ghế Hạ viện cũng nên có quyền lập chính phủ. Nhưng trong trường hợp bế tắc, chính phủ thiểu số cũng có khả năng. Nhưng theo tình huống bình thường, điều đó không nên xảy ra", Phó thủ tướng Thái Lan nói và hy vọng sẽ có đảng giành đa số ghế.
Bình luận (0)