Người Thái nói gì về xây dựng thương hiệu nông sản Việt?

06/04/2023 11:36 GMT+7

Có sản phẩm đồng dạng với Việt Nam nhưng Thái Lan xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng. Thậm chí khi đầu tư sang Việt Nam, nước mà nông nghiệp luôn là trụ cột của kinh tế, người Thái cũng thành công. Bí kíp của họ là gì?

Hãy nghe đại diện một tập đoàn hàng đầu Thái Lan, ông Boonlap Watcharawanitchakul - Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ về bí kíp của Tập đoàn này tại Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt", do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 6.4.

Người Thái nói về xây dựng thương hiệu nông sản Việt? - Ảnh 1.

Ông Boonlap Watcharawanitchakul: "Nước mắm Phú Quốc, tôm Bến Tre hoàn toàn có thể xây dựng thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng thế giới như bò Kobe của Nhật Bản"

ĐỘC LẬP

Ông Boonlap chia sẻ: Công ty Chăn nuôi C.P đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, đến nay đã gắn bó với đất nước 30 năm, còn bản thân ông cũng làm việc ở công ty 22 năm, vì vậy rất thấu hiểu những vấn đề của nông sản Việt, trong đó có câu chuyện về thương hiệu quốc gia. Đối với kinh nghiệm của C.P, để có được thương hiệu cần phải tâm niệm những tiêu chí sau: Thứ nhất là làm có lợi cho đất nước, lợi ích cho người dân sau đó mới đến lợi ích của doanh nghiệp. Từ đó, C.P luôn đặt tiêu chuẩn an toàn, sạch sẽ cho khách hàng lên hàng đầu và giữ vững điều đó trong suốt 30 năm nay. Đây chính là sự khác biệt vì sản phẩm chính của C.P là heo, gà - những sản phẩm phổ biến mà nhiều doanh nghiệp khác cũng làm được.

Đối với câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Boonlap Watcharawanitchakul nhận định: Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng đó không phải là sản phẩm đặc trưng mà nhiều quốc gia khác cũng có thể sản xuất được. Vì vậy phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng và phải luôn nâng tầm tiêu chuẩn chất lượng hơn nữa để thế giới chấp nhận. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia. Trong đó, xác định tập trung phân khúc nào, thị trường nào, có đáp ứng đủ nhu cầu hay không… Điển hình nhất là thịt bò Kobe của Nhật. "Tôi đã từng ăn thử và thấy rằng nó không khác biệt nhiều lắm so với thịt bò Việt Nam. Tuy nhiên, rõ ràng thịt bò Việt Nam chưa có thương hiệu nào đáng kể trong khi bò Kobe đã là đặc sản mà ai cũng biết đến và mong muốn được thưởng thức một lần. Đó là câu chuyện chiến lược truyền thông mang tầm quốc tế" - ông Boonlap Watcharawanitchakul nói. 

Đóng góp về chiến lược phát triển thương hiệu nông sản, thủy sản cho quốc gia, ông Boonlap Watcharawanitchakul cho biết: "Tôi từng chứng kiến nhiều du khách Nhật Bản đến Thái Lan để mua nước mắm về làm quà cho bạn bè, và người được tặng cảm thấy thích thú hơn nhiều so với các sản phẩm khác. Một ví dụ nữa liên quan đến con tôm kích cỡ lớn. Tại Việt Nam có nhiều vùng sản xuất được tôm kích cỡ lớn khoảng 15 con/kg, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới rất cao mà ngay cả Thái Lan cũng chưa làm được. C.P đã làm việc với nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bến Tre để phát triển sản phẩm này. Tại sao chúng ta không truyền thông mạnh mẽ để ai muốn thưởng thức tôm cỡ lớn phải tìm đến Bến Tre, cũng như hình ảnh của thịt bò Kobe? Thủy sản Việt Nam đang đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn tôm vào năm 2025, mang về giá trị hàng chục tỉ USD. Như vậy, chúng ta cần có định hướng xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn nữa để nông sản, thủy sản Việt Nam được quốc tế biết đến nhiều hơn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.