Người Thái thâu tóm doanh nghiệp Việt

Việc hệ thống bán lẻ Big C tại VN được chính thức sang tay cho Tập đoàn Central của Thái Lan khẳng định thêm sự hiện diện ngày càng lớn của các doanh nghiệp từ đất nước chùa tháp.

Làn sóng này được dự báo sẽ ngày càng lớn mạnh và thách thức cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp Việt.
Người Thái đã thắng cuộc đua sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất nhì VN khi Tập đoàn Central bỏ ra 1,05 tỉ USD để mua đứt Big C VN. Thông qua công ty con là Central Group VN, tính đến tháng 2.2016, chỉ riêng tập đoàn này có 100 trung tâm và cửa hàng trên cả nước, gồm trung tâm thương mại, cửa hàng thể thao, thời trang, khách sạn, cửa hàng điện máy, doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử, nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh và các siêu thị.
Thông tin mới đây từ trang TechCrunch cho rằng, Central Group sẽ chi khoảng 10 triệu USD cho trang thương mại điện tử Zalora ở mỗi thị trường (gồm VN và Thái Lan) và đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục cho thương vụ này.
Trả giá cao


Có DN Thái nói với tôi, người Việt không còn tin vào hàng hóa giá rẻ nhưng chất lượng độc hại, đây là cơ hội lớn của hàng hóa sản phẩm Thái Lan

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Hiện hàng ngàn chủ đầu tư Thái Lan sang VN tìm kiếm cơ hội đầu tư. Sự bành trướng của các DN nước chùa tháp không chỉ diễn ra trong ngành bán lẻ, ngân hàng, nhựa gia dụng mà còn mở rộng sang hóa dầu, nhựa đường, vật liệu xây dựng, công nghiệp thời trang... Ông chủ một DN ngành nhựa kể, DN Thái đã tìm đến đặt vấn đề mua lại công ty của ông và đưa ra một cái giá cao ngất ngưởng khiến ông phải nhiều đêm suy tính thiệt hơn. Cuối cùng, ông đã từ chối vì tin rằng DN sẽ cạnh tranh được trên thương trường.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho biết ở lĩnh vực nhựa, nhiều DN Thái chủ yếu nhắm vào DN lớn, chiếm thị phần đáng kể trong ngành. “DN Thái đưa ra giá mua rất hời, có khi giá bằng lợi nhuận trong 10 - 20 năm sau của DN nên đã kích thích chủ DN đồng ý bán công ty”, ông nói. Bên cạnh đó, nhiều DN không tự tin về sự cạnh tranh của mình và lo sợ cạnh tranh ngày càng khó khăn nên có người mua giá cao thì bán ngay. Thông thường, một DN ngành nhựa mất 20 năm để xây dựng và trưởng thành thì thông qua việc mua bán sáp nhập, DN Thái đã rút ngắn thời gian đó từ 6 tháng đến 1 năm và họ có ngay chỗ đứng vững mạnh tại thị trường VN.
Dù có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng với việc tung ra nhiều tiền để mua lại các DN VN, các tập đoàn Thái luôn là những người cuối cùng đạt được thành công. Từ thương vụ mua lại Metro hay Big C, hay như cuối năm 2012 thương vụ SCG mua Prime Group ở mức 280 triệu USD, cao hơn nhiều so với giá trị thực của công ty này, khiến các cổ đông Prime không ngần ngại bán cổ phần và kết quả là SCG mua lại được đến 85% cổ phần của Prime.
"Ngồi" ở VN bán hàng khắp thế giới


Các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan đều là người gốc Hoa
Gia tộc Chirathiva, chủ sở hữu Central Group là gia tộc giàu thứ 14 tại châu Á với tổng tài sản lên tới 11,7 tỉ USD, là người gốc Trung Quốc. Tương tự, tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, Tập đoàn Berli Jucker và nhiều công ty khác là người gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Không ngoại lệ, tỉ phú Dhanin Chearavanon, Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P group) cũng là gốc người Trung Quốc.

Ông Trần Việt Anh phân tích, với dân số 92 triệu người, trong khi lượng tiêu thụ bình quân đầu người mỗi năm của VN chỉ mới đạt 40 kg nhựa thì nhu cầu tăng trưởng còn rất cao. Trong khi Thái Lan với dân số khoảng 50 triệu, lượng tiêu thụ bình quân là 80 kg nhựa/người/năm, tính ra dung lượng thị trường VN sẽ gấp 4 lần. “Một thị trường có sức tiêu thụ lớn như VN quá hấp dẫn trong khi nhiều nhà máy ở Thái đang bị dư thừa công suất”, ông Anh nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đối với các nhà đầu tư Thái Lan, VN được xác định là điểm đến hấp dẫn nhất. Năm năm trở lại đây, tốc độ đầu tư của người Thái vào thị trường VN đang tăng vùn vụt. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ hội để Thái Lan thâm nhập sâu vào VN - một thị trường đang phát triển với lợi thế chi phí nhân công rẻ, lao động dồi dào và là một thị trường tiêu thụ đầy hứa hẹn với dân số 92 triệu người.
Tuy nhiên, chiến lược bành trướng thị trường của người Thái còn xa hơn. Ông Lê Đăng Doanh phân tích, trong bối cảnh VN có những bước đi hội nhập và mở cửa mạnh mẽ hơn Thái Lan, đặc biệt là những hiệp định có ý nghĩa lớn như Hiệp định thương mại tự do VN - EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... thì với việc tăng sự hiện diện tại VN, Thái Lan sẽ tận dụng xuất xứ và nhãn mác từ VN để được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu, đẩy mạnh kinh doanh sang các nước khác... Chẳng hạn, với TPP, VN xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ thuế suất bằng 0%, trong khi Thái Lan thuế suất là 7%. Để tấn công vào thị trường Việt, chính phủ Thái đã xây dựng chiến lược với những chương trình làm việc rõ ràng và giúp ích cụ thể cho DN. Thí dụ, DN nào sang VN ký được hợp đồng, về nước sẽ được hoàn lại tiền máy bay và một số chi phí khác. Các DN Thái còn được hỗ trợ tín dụng để cho nhân viên học tiếng Việt. “Có DN Thái nói với tôi, người Việt không còn tin vào hàng hóa giá rẻ nhưng chất lượng độc hại, đây là cơ hội lớn của hàng hóa sản phẩm Thái Lan”, ông Lê Đăng Doanh kể.
“Ngưỡng lo lắng”
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhìn nhận cuộc đổ bộ của hàng Thái vào thị trường VN đã đến ngưỡng phải lo lắng trong khi DN Việt lại chuyển mình chậm chạp. Điều đáng lo không chỉ ở hệ thống phân phối mà còn ở sản xuất, bởi phân phối sẽ chi phối sản xuất. Bài học CP nâng giá trứng 2 lần trong 1 tuần năm 2013 vẫn còn đó. Ngược lại, bước đi tính toán trước sau của DN bán lẻ ngoại, trong đó có Thái Lan, là họ không những đầu tư vào hệ thống phân phối mà còn đầu tư vào sản xuất.
Theo ông Vinh, bức tranh bán lẻ đã khá xám xịt khi DN Việt thua về chất lượng, thua về giá, văn hóa phục vụ, trách nhiệm khách hàng. Các DN Việt cần đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, mua chung bán chung để có mức giá tốt. Cần có người dẫn đầu, xốc lại tổ chức, chiến lược, liên kết, văn hóa kinh doanh thì mới cạnh tranh bền vững được trên sân nhà và tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường của các hiệp định thương mại giữa VN và các nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.