Người thân liệt sĩ để lại cuốn nhật ký 56 năm: Cảm ơn cựu binh Mỹ

08/02/2023 13:04 GMT+7

Ông Hà Huy Mỳ, cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất tỏ ra xúc động và bất ngờ vì chữ viết trong cuốn nhật ký mà cựu binh Mỹ giữ suốt 56 năm "quá đẹp".

Ngày 8.2, PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với người thân của liệt sĩ Cao Văn Tuất (ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau khi ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh chính thức xác định tác giả cuốn nhật ký mà cựu binh Mỹ giữ suốt 56 năm qua chính là của liệt sĩ Tuất.

'Ban đầu nghĩ không phải chữ của cậu vì đẹp quá'

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Huy Mỳ (62 tuổi, cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất) cho biết, liệt sĩ Tuất là con thứ 2 trong gia đình có 4 chị em, bố mẹ của cậu đã mất từ lâu và hiện chỉ còn hai chị gái đang còn sống. Ông Mỳ là con trai đầu của người chị cả liệt sĩ Cao Văn Tuất chịu trách nhiệm hương khói cho người cậu liệt sĩ nhiều năm qua.

Cuốn nhật ký cựu binh Mỹ giữ suốt 56 năm: 'Không ngờ chữ của cậu đẹp thế' - Ảnh 1.

Ông Hà Huy Mỳ trao đổi với PV Thanh Niên

PHẠM ĐỨC

Ông Mỳ nói: "Tôi được nghe bố mẹ kể lại cậu Tuất sinh năm 1942. Cậu đi bộ đội từ năm 1963, đến năm 1972 thì gia đình nhận được giấy báo tử từ đơn vị gửi về. Đến nay, dù nhiều nỗ lực nhưng gia đình vẫn chưa tìm được thông tin về phần mộ của cậu. Mới đây, gia đình bất ngờ khi được ngành chức năng của tỉnh tìm về xác minh nhân thân của cậu vì có thông tin khả năng cậu chính là tác giả của cuốn nhật ký mà cựu binh Mỹ đang giữ suốt hơn nửa thế kỷ qua".

Ông Mỳ nói rằng ban đầu, khi được ngành chức năng cho xem chữ viết trong cuốn nhật ký thì gia đình nghĩ không phải chữ của cậu vì chữ đẹp quá. Tuy nhiên, sau khi rà soát thì ngành chức năng xác định người tên Cao Xuan Tuat được ghi trong cuốn nhật ký và liệt sĩ Cao Văn Tuất là cùng một người thì gia đình rất vui.

Cuốn nhật ký cựu binh Mỹ giữ suốt 56 năm: 'Không ngờ chữ của cậu đẹp thế' - Ảnh 2.

Lâu nay, gia đình ông Mỳ chịu trách nhiệm lo hương khói cho liệt sĩ Cao Văn Tuất

PHẠM ĐỨC

"Cậu tôi mới học đến lớp 4 mà có chữ viết đẹp như thế khiến gia đình bất ngờ và rất tự hào. Suốt nhiều năm qua, gia đình tôi và hai chị gái của cậu cũng vô cùng mong mỏi và hy vọng sớm tìm được mộ phần của cậu để hương khói cho chu đáo. Chúng tôi cũng mong sớm nhận được cuốn nhật ký của cậu từ cựu binh Mỹ để nắm được các tâm tư, gửi gắm của cậu để lại thông qua các bài viết và có thể thông qua đó có manh mối về vị trí chôn cất", ông Mỳ xúc động nói.

Gia đình cám ơn cựu binh Mỹ

Theo ông Mỳ, những ngày qua, việc các cơ quan chức năng của Nhà nước nỗ lực xác minh thông tin về cuốn nhật ký của người cậu liệt sĩ để lại khiến gia đình ông rất cảm động và vô cùng biết ơn. Ông Mỳ mong sớm tìm được phần mộ để thỏa tâm nguyện bấy lâu của người mẹ và em gái của cậu hiện đang còn sống.

Cuốn nhật ký cựu binh Mỹ giữ suốt 56 năm: 'Không ngờ chữ của cậu đẹp thế' - Ảnh 3.

Ông Mỳ đang giữ giấy chứng nhận đeo huân chương của người cậu liệt sĩ

PHẠM ĐỨC

"Tôi cũng cám ơn ông cựu binh Mỹ, người đã cất giữ cuốn nhật ký của cậu rất cẩn thận suốt 56 năm qua. Tôi cũng cám ơn chính quyền các cấp đã hỗ trợ cựu binh Mỹ tìm được tác giả trong suốt mấy ngày qua. Đặc biệt, tôi mong rằng ông cựu binh Mỹ quên đi những nỗi đau buồn trong quá khứ để hướng về cuộc sống hòa bình hiện tại", ông Mỳ nghẹn ngào.

Cũng theo ông Mỳ, hiện tại gia đình ông được cơ quan chức năng thông báo sẽ hỗ trợ gia đình về việc tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ Tuất và thông tin thời gian mà cựu binh Mỹ mong muốn sang Việt Nam để trao trả lại cuốn nhật ký là vào đầu tháng 3 tới đây.

Cuốn nhật ký cựu binh Mỹ giữ suốt 56 năm: 'Không ngờ chữ của cậu đẹp thế' - Ảnh 4.

Hình ảnh người cựu binh Mỹ Peter Mathews trên Báo NorthJersey

CHỤP MÀN HÌNH

Ông Phan Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Cao Thắng cho hay, dù sinh sau liệt sĩ Cao Văn Tuất nhưng từ nhỏ ông có biết liệt sĩ Tuất và biết liệt sĩ Tuất viết chữ khá đẹp. Chính vì thế, khi xem qua chữ viết trong cuốn nhật ký mà cựu binh Mỹ đang lưu giữ thì ông Minh khẳng định tác giả và liệt sĩ Tuất là cùng một người.

"Ngày xưa khi còn đang đi học, liệt sĩ Tuất đã nổi tiếng viết chữ và vẽ rất đẹp. Hồi đó, liệt sĩ Tuất và 3 người bạn đồng niên trong thôn cùng lên đường nhập ngũ và hiện chỉ còn 1 người đang còn sống. Người bạn còn sống cũng nhận ra chữ viết trong cuốn nhật ký chính là của liệt sĩ Tuất dù tên đệm của tác giả và liệt sĩ khác nhau. Gia đình nghe kể hồi xưa đi học liệt sĩ Tuất cũng thường hay để tên đệm là Xuân như trong cuốn nhật ký", ông Minh tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.