Năm 1979, tôi được quân đội cho trở lại học tiếp ở khoa Lịch sử, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Nguyện vọng của tôi là được học chuyên ban Lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Tôi được học các thầy Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Trần Bá Chí, cô Phạm Thị Tâm... là những thầy, cô tôi đã ngưỡng mộ từ lâu.
Đặc biệt ở chuyên ban này tôi được gặp, được học thầy Nguyễn Quang Ngọc còn rất trẻ nhưng nhiệt huyết và gợi mở cho tôi nhiều vấn đề trong nghiên cứu khoa học.
Cũng như tôi, thầy Ngọc cũng lên đường nhập ngũ khi đang là sinh viên khoa Lịch sử và lại cùng là người Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Chính vì vậy, tôi nhanh chóng gắn bó với thầy.
5 năm trong quân ngũ, nay được trở lại trường, tôi lại say mê, nhưng kiến thức cũng chỉ là thu nhận ở các bài giảng của các thầy, cô ở giáo trình và một số sách tham khảo. Do đó, khi chọn đề tài làm luận án tốt nghiệp tôi chưa biết phải chọn đề tài nào.
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc là Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, từng làm Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội |
ĐH Quốc gia Hà Nội |
Biết được sự lúng túng của tôi, thầy Ngọc gợi ý nên chọn đề tài chiến trường Lãng Bạc trong cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng.
Thầy nói: "Đây là đề tài khó, nhưng hay vì cho đến nay có nhiều ý kiến nhưng vẫn chưa xác định được vị trí của chiến trường Lãng Bạc". Rồi thầy gợi ý vùng sông Lục Đầu kéo đến quanh núi Thiên Thai (lúc đó thuộc Gia Lương, Hà Bắc) có thể là Lãng Bạc.
Biết là khó nhưng được sự động viên của thầy và tin vào những nghiên cứu trước đó của thầy, tôi quyết định chọn đề tài này.
Bắt đầu lên đường thực hiện đề tài, tôi đến thư viện của tỉnh Hà Bắc, lúc đó ở Bắc Giang, đọc tài liệu. Tôi đọc nhiều, nhưng tìm kỹ tài liệu địa mạo để xác định vùng quanh núi Thiên Thai là vùng trũng, sông nước, tiếp đó là huyện Gia Lương. Được phòng văn hóa huyện tạo điều kiện, tôi đi khảo sát cả vùng quanh núi Thiên Thai đến vùng Lục Đầu Giang.
Được hơn nửa tháng, thầy Ngọc đạp xe từ Hà Nội xuống để kiểm tra và cùng đi thực địa. Tôi báo cáo với thầy về hơn 20 đền thờ Hai Bà Trưng và tướng lĩnh của Hai Bà ở vùng quanh núi Thiên Thai. Đặc biệt ở đây có một số làng mang tên Lãng như Lãng Ngâm...
Thầy Ngọc trực tiếp đọc từng thần phả, thần tích, dịch cho tôi, vì tôi không biết chữ Hán. Thầy còn dặn: "Muốn nghiên cứu cổ sử Việt Nam thì phải học chữ Hán".
Biết thầy Ngọc giỏi chữ Hán, nhiều người đến nhờ thầy dịch gia phả. Có một ông đại tá quân đội vừa được cho nghỉ hưu, ông cứ thắc mắc là ông là họ Hán nhưng ông tin ông là người Việt. Thầy Ngọc đọc và dịch, hóa ra dòng họ ông vốn họ Mạc, nhưng sau đó để tránh bị truy sát nên đã chạy đến Bắc Ninh và đổi thành họ Hán. Cả dòng họ cứ cám ơn thầy vì đã giải cho họ một “nỗi oan”.
Sau này, thầy rất vui báo cho tôi biết là các thầy Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng đã nhiều lần thảo luận cùng tập thể bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại về vùng chiến trường Lãng Bạc và coi luận án của tôi là một ý kiến khoa học có sức thuyết phục.
GS Phan Huy Lê và GS Trần Quốc Vượng đã thống nhất đưa các luận giải và minh chứng của tôi vào mục VII, chương bốn, sách Lịch sử Việt Nam tập I, Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội, 1983; 1985... Tôi rất vui, nhưng đó thực sự là từ sự gợi ý, chỉ bảo của thầy Ngọc.
Khi tôi làm ở tạp chíLịch sử Quân sự, nhờ sự thân tình mà thầy đã rất nhiệt tình viết nhiều bài cho tạp chí.
Đầu năm 2022, thầy tặng tôi cuốn sách Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa: Tư liệu và sự thật lịch sử mà thầy vừa in xong khi biết tôi đang nghiên cứu về đề tài này.
Thầy Nguyễn Quang Ngọc là một người thầy, một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam có nhiều đóng góp cho nền sử học nước nhà, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Còn với tôi, thầy Ngọc vừa là người thầy, người anh thân thiết và kính trọng. Xin chúc mừng GS-TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc đầu năm nay được Chủ tịch nước ký trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và vừa qua là một buổi gặp gỡ đầy ấm áp cùng thầy khi thầy vừa bước sang tuổi 70 và nghỉ hưu theo chế độ.
Bình luận (0)