Người thầy sẽ yên tâm cống hiến khi văn hóa học đường được chú trọng

23/08/2022 06:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng khi môi trường văn hóa học đường thật tốt thì người học được hưởng thụ, người thầy cũng yên tâm và cống hiến thay vì bỏ việc, chuyển việc.

Chiều 22.8, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”. Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ GD-ĐT.

Văn hóa dạy và học biến dạng bởi tình trạng “chạy”…

Tham luận tại hội nghị, PGS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, cho rằng: “Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên (HSSV) lệch chuẩn và lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của văn hóa học đường. Tình trạng bạo lực học đường, mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất; văn hóa dạy và học biến dạng, xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc” của HSSV và phụ huynh, tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên và trước hôn nhân của HSSV, tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên… Đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.

Ngày 1.6.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị 08 cũng nhận định rõ những tồn tại trong công tác này, đó là: Thực tế vẫn còn một bộ phận HSSV, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra rằng, thực tiễn cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ.

Nhà giáo bỏ việc có yếu tố thuộc về môi trường làm việc

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có một môi trường văn hóa học đường thật tốt thì không chỉ người học được hưởng thụ mà người thầy cũng gắn bó, yên tâm và cống hiến. Trong đó lấy tinh thần của khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để tạo nên văn hóa học đường. “Chúng ta biết rằng, một trong những vấn đề khiến một số không nhỏ các nhà giáo chuyển việc, bỏ việc thì ngoài những vấn đề về thu nhập còn có yếu tố thuộc về môi trường làm việc. Trong đó, dân chủ trong cơ sở giáo dục còn là vấn đề đang cần phải rất nhấn mạnh”, ông Sơn nói.

Để xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong cơ sở giáo dục, ông Sơn cho rằng không chỉ phụ thuộc vào nhà trường mà cần sự tham gia của xã hội, của phụ huynh. “Trong nhà trường, mỗi một thầy cô giáo đều phải là tấm gương sáng đẹp chứ không chỉ phó thác cho một vài thầy cô làm gương”, ông Sơn nói, đồng thời cũng chỉ ra rằng: “Nếu trong nhà trường các thầy cô làm gương tốt nhưng ra khỏi cổng trường gặp đầy các tấm gương xấu thì hiệu quả của việc giáo dục cũng trở nên mong manh”.

Nhà giáo thiếu gương mẫu thì cần phải được xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh đến vai trò của người thầy trong truyền thống của người VN, người thầy luôn được coi là tấm gương về đạo đức, trí tuệ, lối sống. “Những nhà giáo thiếu gương mẫu thì cần phải được xử lý nghiêm”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo ông Vinh, văn hóa học đường cần bắt đầu từ những việc nhỏ trong ứng xử hằng ngày, không chỉ nhà giáo, từ những nhân viên như lao công, bảo vệ cũng cần phải chuẩn mực trong ứng xử theo bộ quy tắc ứng xử của nhà trường. Tuy nhiên, ông Vinh cũng đề nghị không nên quá cầu toàn khi ban hành bộ quy chuẩn về văn hóa ứng xử trong nhà trường mà cần chú trọng đến tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực hiện; xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn với các hoạt động cụ thể trong nhà trường, khuyến khích xây dựng và chú ý các mô hình văn hóa do chính các thầy cô giáo và học sinh thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị cần chú ý xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số của toàn ngành…

Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường

Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường, ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm ngay từ đầu năm học mới, trong đó tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng. Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động…

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, cũng đề nghị thời gian tới Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn tổ chức các hoạt động nhằm xây dựng văn hóa học đường có tính thực tiễn cao, tạo môi trường, sân chơi cho HSSV; đặc biệt chú trọng đến ứng xử văn hóa trên không gian mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay.

PGS Đào Duy Quát cũng đề nghị thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng văn hóa học đường đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi chuẩn mực văn hóa học đường VN thể hiện trong văn hóa dạy và học, văn hóa ứng xử chung trong các quan hệ thầy - trò, trò - trò, nhà quản lý giáo dục - thầy, cô giáo, nhà trường với phụ huynh, xã hội.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định quyết tâm xây dựng văn hóa học đường để giữ cho môi trường này trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất, môi trường đậm chất văn hóa nhất; nhưng điều đó không có nghĩa là trong môi trường đó chỉ toàn “trong veo” mà cần làm cho các em trong môi trường văn hóa đó “gia tăng sức đề kháng” đủ khả năng để lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, để nhận thức và phản biện. “Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh văn hóa, sức đề kháng văn hóa chúng ta mới có được những nhân cách, năng lực, những phẩm chất bền vững. Do vậy, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có ý nghĩa lan tỏa và bền vững”, ông Sơn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.