Trong cuộc trò chuyện cùng Thanh Niên, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã chia sẻ nhiều điều thú vị về hình mẫu lý tưởng của người thầy thời hiện đại.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
|
Bục giảng là sân khấu
* Chào tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu! Phải chăng học trò ngày nay yêu thích, có ấn tượng sâu đậm với những thầy cô giáo có gu ăn mặc thật "chất", trẻ trung, năng động?
- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Xét dưới góc độ xuất hiện trước công chúng thì bước lên bục giảng cũng như bước lên sân khấu rồi còn gì! (cười). Thế nên thầy cô nào vừa là "hình mẫu" về trí tuệ vừa là "model" về gu thời trang thì già như tôi còn phải thấy thích kia mà! (cười)
* Bản thân tiến sĩ dường như cũng là một trong những người thầy được giới trẻ phát cuồng vì vẻ bề ngoài đó thì phải?
- Ái chà! Mình giờ cũng già rồi cho nên có lẽ cái sức hút đó chỉ mãi ở mức độ "dường như" thôi! (cười)
* Hiện có khá nhiều thầy cô giáo, ngoài công việc giảng dạy, họ còn là MC, ảo thuật gia, người mẫu, ca sĩ..., phải chăng hình ảnh người thầy đa năng như vậy sẽ được yêu mến hơn, sẽ khiến những tiết học có thêm nhiều điều thú vị?
- Các nhà sư phạm xưa nay đều thừa nhận "lao động của người giáo viên là loại lao động mang tính nghệ thuật". Người giáo viên là một nghệ sĩ trên chính bục giảng của mình, họ không diễn mà họ ra tay tổ chức và điều khiển quá trình phát triển của học sinh. Cho nên nếu người thầy có khả năng dẫn dắt cảm xúc người học như MC, biết dùng chiêu ảo thuật để triển khai các kỹ thuật dạy học sinh động, đẹp như người mẫu để tạo thêm hứng thú, sử dụng chất giọng ca sĩ để giảng bài hay ơi là hay... thì rõ ràng buổi dạy sẽ đầy màu sắc, đầy cảm xúc và đầy ấn tượng.
* Nhưng lại có ý kiến cho rằng khi đã là người thầy thì nên tách biệt vai trò giảng dạy và hoạt động bên ngoài, ôm đồm nhiều công việc như thế sẽ ảnh hưởng đến công việc giảng dạy. Quan điểm của tiến sĩ về điều này như thế nào?
- Ông thầy nào ra ngoài làm thêm một công việc chẳng liên quan và chẳng hỗ trợ gì đến chuyên ngành, khiến cho chất lượng giảng dạy sa sút thì câu trên là đúng. Nhưng nếu ông thầy đi làm để trải nghiệm thực tế nhằm giúp giờ dạy trên lớp có thêm hơi thở của cuộc sống, mang đến nhiều viên kim cương trong bài giảng cho học trò thì câu trên sai.
* Cũng có ý kiến cho rằng người thầy thì không nên ăn mặc như diễn viên, ca sĩ, không được nhuộm tóc..., liệu những ý kiến ấy có khắt khe quá không?
- Xét dưới góc độ quyền con người thì ai thành niên rồi cũng có quyền tự quyết định tóc mình màu gì, quần áo mình mặc thuộc phong cách nào, miễn là đừng vi phạm pháp luật hay trái với đạo đức. Màu tóc cũng không nói lên đạo đức con người, mặc như diễn viên cũng không bảo rằng ông thầy đó tồi tệ. Tôi cũng từng nhuộm tóc màu nâu hạt dẻ, đó là vì mục đích thẩm mỹ, tôi thấy đẹp, mọi người cũng thấy đẹp là được! Chỉ khi nào chỉ có mình mình thấy đẹp còn ai cũng thấy ghê thì lúc đó ta cần xem lại sự "cá biệt" của mình.
* Khoảng cách giữa một hình ảnh người thầy rất "chất", trẻ trung năng động, và một người thầy hơi… “lố", thể hiện đậm chất showbiz trên giảng đường dường như rất mong manh. Vậy theo tiến sĩ, mỗi giảng viên cần tiết chế bản thân như thế nào?
- Muốn biết "chất" hay "lố" thì hỏi ý kiến khán giả là biết nhanh nhất! Nếu khán giả bảo "lố" thì hãy thay đổi. Nếu khán giả bảo "chất" thì hãy tiếp tục.
Mạng xã hội khiến người thầy chịu nhiều áp lực
* Mạng xã hội phát triển là một công cụ tốt để người thầy giao tiếp với người học. Thế nhưng liệu có người thầy sẽ gặp phải những phiền toái từ mạng xã hội?
- Mạng xã hội bản thân nó là tốt, chỉ khi nào mình làm sai thì mới bị phiền toái thôi.
Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là những buổi nói chuyện trên sân trường mà trời đổ mưa lất phất, học trò vẫn ngồi giữa sân trường lắng nghe mà không chịu dời vào trong
|
* Vậy bản thân tiến sĩ có từng gặp tình huống dở khóc dở cười nào chỉ vì mạng xã hội hay không?
- Bản thân tôi từng bị "tổn thương sơ sơ" khi bắt đầu làm chương trình "Tháo gỡ chuyện khó đỡ". Khi đó, mạng xã hội mang đến rất nhiều lời động viên như những liều vitamin từ người học, đồng thời cũng nhận kèm hàng đống "đá" vì những điều chưa hoàn hảo ban đầu. Nhưng tất cả vitamin hay "gạch đá" ấy đều là những kỷ niệm rất có giá trị.
* Một bộ phận học sinh, sinh viên và cả phụ huynh hiện nay có thói quen “có gì chưa hài lòng về thầy cô, trường lớp là đăng tải lên Facebook”. Cách thể hiện bức xúc của họ như vậy là nên hay không?
- Quá ư là không nên! Đăng lên facebook là làm nhục người ta, giống như bắc 1.000 cái loa khủng rồi cầm mic để "chửi" ông thầy cho thiên hạ nghe vậy!
* Vậy phải chăng mạng xã hội phát triển đã khiến người thầy chịu nhiều áp lực?
- Chính xác! Giảng trên lớp thì cái phạm vi nó bé tẹo 30-40 người, nên có nhiều chuyện kể riêng cho lớp nghe được. Thế nhưng quay clip rồi tung lên mạng cho thiên hạ coi thì phạm vi nó khác rồi, cho nên sẽ có những cái không phù hợp để công chúng biết. Giống như chuyện phòng the trong phòng ngủ hai người biết thôi mà bây giờ nó mở hết cửa sổ, cửa cái ra cho thiên hạ qua lại trên đường đứng xem thì làm sao mà phù hợp!
* Để không phải áp lực trên mạng xã hội, thì khi tham gia nó, người thầy “nên và không nên làm” những điều gì?
- Khi lên mạng xã hội, ông thầy cũng như ông bác sĩ, ông kỹ sư, ông nông dân... đều có quyền y như nhau! Miễn là đừng có làm cái gì cho người ta phản cảm thôi. Kiểu như thể hiện cái tôi quá đà, đăng hình ảnh chưa đúng mực, đăng tải những status, bình luận không ý nhị, thiếu văn hóa…
Thầy phải học ngôn ngữ xì-tin để biết mà giao tiếp với học trò
* Theo tiến sĩ, làm thế nào để có thể tạo ra kênh tương tác với sinh viên một cách hiệu quả nhất trên mạng xã hội?
- Để trả lời câu này, mỗi người thầy cần phải học cả một lớp đào tạo facebook marketing đấy! Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất là hãy chia sẻ những status hay, file bổ ích, hình thú vị, video clip ấn tượng thì học sinh, sinh viên mới ghé vào.
* Khi mạng xã hội và thời đại số hóa phát triển như hiện nay, để có thể tạo ra những giờ giảng lôi cuốn học trò, người thầy cần phải làm gì, thay đổi như thế nào ạ?
Thầy cũng cần học ngôn ngữ xì-tin để giao tiếp với học trò
|
- Một là thầy phải học ngôn ngữ xì-tin để biết mà giao tiếp với học trò. Cũng như muốn nói chuyện với người Anh thì phải biết tiếng Anh. Khi đó hai bên mới "thông suốt, thấu hiểu". Hai là hãy tương tác với người học trong lúc giảng. Cho các em quyền được nói, có chính kiến, phản biện giáo viên, tham gia hoạt động khám phá nội dung bài học. Ba là đa dạng hóa phương pháp giảng dạy và chất liệu chuyển tải, ví dụ như dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ, mô hình tổng kết, video clip cảm xúc, trò chơi nhận thức, chuyện kể sâu sắc, câu đố vui nhộn... Khi đó, buổi tiệc trên lớp không chỉ có một món nhàm chán mà sẽ là buổi đại tiệc ngon miệng.
* Theo tiến sĩ, những chuẩn mực tiên quyết cần phải có, bắt buộc phải có trong mỗi người thầy là gì ạ?
- Theo tôi nghĩ, cho dù là thời trước hay thời nay, quá khứ hay hiện đại, có thể những hình mẫu người thầy có đôi phần khác đi, có những sự thay đổi rõ rệt trong môi trường giáo dục... thì những chuẩn mực tiên quyết đó là cái Tâm nghề nghiệp trong sáng, cái Tầm hiểu biết sâu rộng và sự Tinh thông về các kỹ năng dạy học. Mình xem đó là 3 chữ T bất biến trong nghề ở mọi giai đoạn thời đại.
* Nếu thử phác họa hình mẫu lý tưởng của người thầy thời hiện đại, tiến sĩ nghĩ cần có những yếu tố nào ạ?
- Tầm - Teen - Tinh. Tầm là tầm hiểu biết, chuyên môn sâu, kiến thức rộng. Teen là phong cách gần gũi, cùng tần số bắt nhịp với tâm lý học trò. Tinh là tinh thông các kỹ năng dạy học và những kỹ năng mềm hiện đại. Cả ba hòa quyện vào nhau tạo nên một người thầy vừa gần gũi, vừa đầy trí tuệ, vừa rất khéo léo.
* Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời giảng dạy của tiến sĩ?
- Kỷ niệm nhớ nhất của mình là những buổi nói chuyện trên sân trường mà trời đổ mưa lất phất, học trò vẫn ngồi giữa sân trường lắng nghe mà không chịu dời vào trong. Thế nên thầy cũng dầm mưa đứng trên sân khấu nói chuyện với học trò, hướng dẫn nhau cách tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống... Lúc đấy, trời mưa thì rất lạnh mà bên trong thì rất ấm áp!
* Với tiến sĩ, món quà nào là ý nghĩa nhất đối với người thầy giáo ạ?
- Món quà ý nghĩa nhất đối với mình đó chính là thái độ chăm chú tiếp thu từng lời trên lớp học, là cái cúi thưa chào kèm theo chữ "thưa thầy", là cái gật gù hòa lẫn ánh mắt ánh lên niềm vui khai sáng, là khi thấy sau bài giảng các bạn đã chịu thay đổi và dám bước ra khỏi cái vòng an toàn của bản thân để phát triển hết mình. Niềm vui của nghề dạy học là khi thấy học trò mình thay đổi, năng động hơn và giỏi hơn mình!
* Cảm ơn tiến sĩ! Chúc ông sức khỏe và thành công!
Bình luận (0)