Người thầy tình báo: Tướng Lê Đức Anh và tướng Ba Quốc

18/02/2023 07:09 GMT+7

Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những vị tướng kiệt xuất của quân đội ta. Tầm nhìn xa trông rộng của ông chúng tôi đã đề cập ở phần trước.

Ông Lê Đức Anh tham gia cách mạng năm 1937 khi 17 tuổi. Trong chống Pháp ông giữ chức từ trung đội trưởng đến quyền tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam bộ. Sau năm 1954, ông lần lượt giữ chức Cục trưởng Cục Tác chiến, Cục Quân lực rồi Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, làm Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam tiến vào Sài Gòn 1975, Chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cuối cùng là Chủ tịch nước. Ông là một trong số ít các tướng lĩnh làm nhiệm vụ chỉ huy trên cả 4 chiến trường suốt 40 năm quân ngũ.

Các phương tiện truyền thông và sách vở viết rất nhiều về ông. Chúng tôi chỉ đề cập đến những khía cạnh liên quan đến công tác tình báo.

Tướng Phạm Xuân Ẩn kể chúng tôi nghe sau Hiệp định Paris, chỉ riêng Quân khu 9 của Tư lệnh Lê Đức Anh không mất một tấc đất nào, vì ông tin vào tin tức tình báo của ông Ẩn: Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sẽ không thi hành Hiệp định Paris.

Người thầy tình báo: Tướng Lê Đức Anh và tướng Ba Quốc - Ảnh 1.

Đại tướng Lê Đức Anh và ông Ba Quốc

Trên chiến trường biên giới Tây Nam, chiến trường Tây Nguyên và khi làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông đặc biệt quan tâm đến công tác tình báo. Minh chứng là những gì chúng tôi trình bày trong loạt bài này. Tướng Đặng Trần Đức cũng như các sĩ quan tình báo quốc phòng có một cấp trên anh minh là ông, nên đã phát huy cao nhất sở trường, tài năng, lập được những kỳ công phục vụ quân đội và đất nước.

Người ta nói nhiều về quyền năng lãnh đạo bao trùm, về uy tín trong chính trường của ông, kéo dài cho đến cả những ngày tháng cuối đời khi ông nằm trên giường bệnh. Chúng tôi không biết thật hư mọi chuyện, nhưng có thể chắc một điều: Tướng Lê Đức Anh không tham quyền cố vị. Nhiều nguồn tin nói rằng khi được đề cử làm Chủ tịch nước, ông đã từ chối với lý do ông chỉ là người cầm quân, không có tài ngoại giao ăn nói nên không làm người đứng đầu nhà nước được. Phải qua nhiều sự vận động thuyết phục, ông mới đồng ý, với một điều kiện: Bà Nguyễn Thị Bình phải làm Phó chủ tịch nước. Sau này trong hồi ký của mình, ông cũng nhắc đến sự từ chối đó.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh kể ông Ba Quốc là người được tướng Lê Đức Anh đặc biệt tin tưởng, cả về tài năng và phẩm cách. Vào tháng 9.1999, tướng Vịnh được bổ nhiệm làm Tổng cục phó Tổng cục 2. Tướng Lê Đức Anh muốn bổ nhiệm ông Ba Quốc làm Tổng cục trưởng, nhưng ông Quốc từ chối và đưa ra các lý do để đề nghị "bổ nhiệm cậu Vịnh làm Tổng cục trưởng".

Ông Sáu Nam nói sẽ trao đổi với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhưng ông đề nghị ông Ba Quốc phải ra Hà Nội "làm cố vấn, bao giờ thằng Vịnh vững thì vào lại trong Nam". Ông Ba Quốc đồng ý. Hai thầy trò dắt nhau ra Bắc. Một năm sau, tướng Vịnh được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng. Khi trao quyết định, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà còn giao nhiệm vụ cho ông Ba Quốc "tiếp tục kèm cặp, hỗ trợ để đồng chí Vịnh vững vàng trên cương vị mới".

Tướng Vịnh còn kể một chuyện gay cấn thú vị về tướng Lê Đức Anh khi ông lần đầu tiên thăm Campuchia với cương vị Chủ tịch nước theo lời mời của Quốc vương Norodom Sihanouk. Thời điểm đó là tháng 5.1995.

Còn nhớ, sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5.1993 do Liên Hiệp Quốc tổ chức, Campuchia trở thành một nước quân chủ lập hiến, thực hiện chế độ đa đảng. Các đảng phái đối lập, kể cả Khmer Đỏ, đều có vị thế chính trị, có lực lượng quân sự riêng. Tình hình vô cùng hỗn loạn, là thời cơ để các lực lượng phản động quốc tế lấy Campuchia làm bàn đạp chống phá Việt Nam. Chủ tịch nước Lê Đức Anh, vị Tư lệnh Quân tình nguyện VN năm xưa, sẽ là mục tiêu hàng đầu của Khmer Đỏ và quan thầy cùng các thế lực tiếp tay cho chúng.

Người thầy tình báo: Tướng Lê Đức Anh và tướng Ba Quốc - Ảnh 2.

Đại tướng Lê Đức Anh làm việc với tướng Vũ Chính và ông Ba Quốc

Trong tình hình phức tạp và nguy hiểm như vậy, nhiều ý kiến đề nghị Chủ tịch nước Lê Đức Anh không nên đi, nhưng ông kiên quyết, vì đây là chuyến đi quan trọng nhằm khẳng định vị thế, hình ảnh của VN trên trường quốc tế và với chính phủ Campuchia. Bên cạnh nội dung lễ tân ngoại giao, bộ máy an ninh của hai nước thực hiện yêu cầu bảo đảm an ninh cao nhất theo một lịch trình và kế hoạch bảo vệ vô cùng chặt chẽ. Dù vậy, trong bối cảnh Campuchia lúc đó, sự mất an toàn vẫn có tỷ lệ không nhỏ, không ai nói trước được điều gì có thể xảy ra.

Có điều rất ít người biết, là ngay sau khi đón Chủ tịch Lê Đức Anh từ chân cầu thang vào phòng lễ tân, Quốc vương Sihanouk bất ngờ nhận một yêu cầu đặc biệt từ Chủ tịch nước VN: Thay đổi lịch trình đã được chuẩn bị và thông báo công khai bằng một lịch trình hoàn toàn khác. Dù bị bất ngờ, nhưng Quốc vương Sihanouk đã nhận lời.

Trước khi ông Lê Đức Anh sang Campuchia, tướng Vịnh đang phụ trách đơn vị đặc biệt nắm tình hình và phối hợp bảo vệ Chủ tịch nước, nên phải ra Hà Nội báo cáo toàn bộ công tác chuẩn bị cho chuyến đi. Ông Lê Đức Anh nghe rồi chỉ "Ừ !" chứ không nói gì. Nhưng khi ông Vịnh chào ra về, Chủ tịch nước liền đặt vào tay ông Vịnh một tờ giấy note màu vàng và dặn: "Lên phương án bảo vệ theo kế hoạch này".

Ông Vịnh về báo cáo với ông Ba Quốc. Ông Ba Quốc không hề ngạc nhiên, chỉ cười thú vị: "Đúng rồi, phải như thế chứ. Thôi cậu chuẩn bị phương án đi". Ông Vịnh nhớ lại: "Việc thay đổi lịch trình có lẽ chỉ có tôi và ông Ba Quốc biết, vì ông Sáu Nam chỉ đưa tờ giấy note màu vàng cho tôi".

Dù lịch trình bị đảo ngược, tất cả các yêu cầu bảo vệ đều thay đổi, nhưng chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và tuyệt đối an toàn.

Nói về tình hình phức tạp tại Campuchia sau đó, tướng Vịnh viết: "Nhìn lại hoạt động của chúng tôi tại Campuchia, có thể nói rằng giai đoạn 1990 - 1999 gắn liền với nhiều biến động, rất nhiều nguy cơ có thể chuyển hóa thành công sang thất bại. Cũng trong suốt thời gian này, chúng tôi đã dành toàn bộ thời gian và sức lực vào địa bàn Campuchia. Đằng sau chúng tôi luôn có hai người thầy lớn, đó là ông Sáu Nam với tư cách Chủ tịch nước, sau đó là cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng phụ trách xử lý các vấn đề Campuchia. Người còn lại là ông Ba Quốc, người trực tiếp chỉ đạo các kế hoạch, nhiệm vụ".

Trong lịch sử ngành tình báo quốc phòng nước ta còn có 2 nhân vật có công lớn trong cả 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới đất nước là trung tướng Nguyễn Như Văn và trung tướng Vũ Chính. Cả hai vị tướng đều từng là Tổng cục trưởng Tổng cục 2, là cấp trên trực tiếp của ông Ba Quốc, họ đồng thời là những người bạn chí thiết tâm đầu ý hợp và tin cậy của ông Ba Quốc. Công lao của ông Ba Quốc không tách rời công lao của hai vị tướng hoàn toàn bí ẩn này. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.