Đúng phiên làm việc đêm, bất chợt đọc bài của nhà thơ Thanh Thảo trên trang văn nghệ Báo Thanh Niên, tôi mới biết anh Đỗ Nam Cao đã ra đi. Anh mất lúc hơn 10 giờ rưỡi sáng 8.11 sau mấy tháng trị bệnh gan.
Với anh Cao, tôi có một vài kỷ niệm khó quên.
Khi anh Cao tốt nghiệp năm 1970 thì tôi vẫn chưa vào trường (mãi năm 72 mới nhập học), tuy nhiên vẫn được anh coi là bạn đồng môn Ngữ văn - Tổng hợp. Anh vào Nam năm 71, sau giải phóng ở lại Sài Gòn công tác luôn chứ không chuyển về Bắc như nhiều bạn bè khác. Có ai đó bảo vì thế mà một người vào sinh ra tử như anh, bao năm lăn lóc trong rừng dưới đạn bom, từ R ra nhưng vẫn không thành ông nọ bà kia, quan này chức nọ. Riêng tôi thì nghĩ anh vốn chả ham chức tước, quan quyền bởi bản chất anh là con người văn nghệ. Trước sau bao năm, thỉnh thoảng gặp anh, thấy anh vẫn thế.
Năm 1977 tôi cầm tờ quyết định vào miền Nam nhận việc. Gần như cùng vào một ngày với tôi là bạn Lưu Văn Trường tốt nghiệp khoa Sử - Tổng hợp, hai thằng giờ về cùng một trường, Dự bị ĐH TP.HCM. Một bậc đàn anh vốn dân Tổng hợp trải qua đời lính, anh Nguyễn Cao Cấp đang dạy ở đây. Anh Cấp học cùng anh Cao vì thế tụi tôi được làm quen luôn với bậc trưởng thượng Đỗ Nam Cao. Anh Cao thương tụi tôi thầy giáo mà sống khổ sở, nhai toàn bo bo, đôi khi kêu anh Cấp và hai đứa về nhà, căn nhà nhỏ của vợ chồng anh lúc ấy trên đường Lê Thánh Tôn, gần sau chợ Bến Thành, để cải thiện, ăn tươi cho đỡ thèm.
Bà xã anh Cao là chị Trần Thu Hồng. Chị tham gia phong trào sinh viên - học sinh Sài Gòn, bị bắt đày ra Côn Đảo, án tù rất nặng, tra tấn dã man, giải phóng 75 mới được thả. Chị Hồng đẹp lắm, tù tội thế mà vẫn cứ đẹp, anh mê là phải. Chị có người em gái đẹp chẳng kém tên Tuyết, cực xinh, anh Cao định làm mối cho thầy Trường, anh Trường nhà mình cũng thích, chả hiểu sao không thành. Có lẽ lúc ấy mấy đứa giáo nghèo tụi tôi trông hốc hác hom hem quá, như ma đói, dễ gì lọt mắt cô Tuyết.
Những năm 80, chị Hồng nổi tiếng là người kinh doanh năng động, một trưởng phòng, rồi giám đốc hàng đầu của Công ty lương thực TP.HCM do bà Ba Thi quản lý. Rồi bà Ba Thi bị mất chức, chị Hồng vướng vào vụ án kinh tế, vô phúc đáo tụng đình, chịu lao lý. Nhà cửa bị niêm phong. Hồi đó tôi đã xin nghỉ dạy, làm thuê cho một công ty Hồng Kông liên doanh với X.28 quân đội, hằng ngày ra ăn cơm bụi ngay trước cửa căn nhà 3 tầng khóa im ỉm dán giấy niêm phong của vợ chồng anh trước cổng X.28 trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp. Có lúc gặp anh đứng thẫn thờ trước cửa, về sau cũng không hỏi anh có đòi lại được căn nhà đó hay chưa.
Những năm 77-78 đói dài đói rạc, anh Nguyễn Cao Cấp bày cách kiếm tiền lương thiện. Nhà anh Cấp lúc bấy giờ chuyển từ KTX trường về khu tập thể sát chợ Phạm Thế Hiển, Q.8, vốn là khu gia binh quân đội Sài Gòn. Anh tìm nhận ở đâu chả biết, lôi về các băng vải hoặc tấm tôn, mua sơn, cọ, rồi kéo tôi, thầy Trường, cả anh Lê Xuân Đố bên đài phát thanh nữa, về kẻ khẩu hiệu tuyên truyền. Mấy anh em bò lê bò toài kẻ kẻ vẽ vẽ, chổng mông chổng tĩ lên, mỗi cái khẩu hiệu được mấy đồng bạc. Anh Đố vừa quẹt sơn vừa đọc thơ nghe cảm khái lắm. Vậy mà cũng chả được bao lâu, hết việc lại đói triền miên. Có hôm anh Cao đến chơi, nhìn mấy anh em cởi trần, gầy gò giơ xương làm toát mồ hôi, anh lắc đầu ái ngại, thì thầm gì đó với anh Cấp anh Đố. Sau trả tiền công cho hai đứa tôi, anh Cấp đưa nhiều hơn hẳn phần của các anh.
Anh Đỗ Nam Cao dáng nghệ sĩ lắm, ăn mặc bụi bụi, thường áo jeans hoặc bỏ áo ngoài quần, dường như không thích gò bó se sua. Đôi mắt có đuôi, lúc nào cũng như cười, nói thì thật nhỏ nhẹ, chả giận ai bao giờ. Từ hồi tôi về Báo Thanh Niên càng thường được gặp anh bởi anh chơi với các sếp nhà mình. Suốt bao năm, số báo tết âm lịch nào (báo xuân) cũng có thơ anh. Anh em gặp nhau chốc lát nhưng anh tỉ mẩn hỏi thăm chuyện nhà chuyện cửa, chuyện gia đình vợ con thật tình cảm. Có một dạo vợ chồng anh mở cái nhà hàng ăn uống, anh đưa địa chỉ bảo em thỉnh thoảng rủ bạn bè đến đó ăn cho vui. Tôi chưa kịp thực hiện được điều này bởi tiền nong thật ra không dư dả gì, cứ lần lữa kéo dài thì thời gian sau anh báo tin đã đóng cửa vì làm ăn khó quá. Cứ nghĩ, một người văn nghệ như anh thì làm sao kinh doanh nhà hàng ăn uống xô bồ được. Cũng như anh Nguyễn Duy ấy, một thời cháo vịt ngon nổi tiếng (bởi anh Duy là tay đầu bếp có hạng, nhất là đánh tiết canh vịt, gỏi vịt) nhưng chủ yếu anh em văn nghệ đến ăn cho vui, lấy chỗ tụ bạ bàn chuyện văn chương chứ mấy ai khách ngoài, dẹp tiệm khó tránh khỏi.
Nhớ đến anh Cao, trong trí nhớ, tâm thức tôi luôn hiện lên một con người - nhà thơ nhân hậu, nghĩa tình. Thương anh biết mấy.
9.11.2011
Nguyễn Thông
Bình luận (0)