Người ‘thổi gió’ cho diều sáo

22/06/2022 09:00 GMT+7

Từ khi nhận ra thú chơi diều sáo là một nét đẹp văn hóa, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền ở thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã dành nhiều tâm huyết để thú chơi diều sáo “hồi sinh” trong lớp trẻ.

Từ trò chơi nuôi dưỡng tuổi thơ

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền năm nay đã bước sang tuổi 83 và có hơn 70 năm làm – chơi diều sáo. Ông kể rằng, hồi nhỏ, ông được các cụ trong làng dạy làm diều, rồi mày mò làm từ diều cánh phản, diều cánh lá đến diều thuyền, diều sáo.... Trong đó, ông nhớ nhất cụ Lý Ngũ (nay đã mất), râu tóc bạc phơ, lúc nào cũng yêu trẻ và dạy cho ông làm rất nhiều trò chơi dân gian khác nhau.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn các bạn trẻ làm bộ song sáo

tgcc

Làng Đàn Viên ven đê sông Đáy. Tuổi thơ của ông Quyền là những chiều cưỡi lưng trâu, thong dong thả diều trên triền đê, nghe tiếng sáo du dương cùng đám bạn nối khố. Cứ thế, tình yêu với cánh diều trong ông lớn lên từng ngày, kể cả khi đã trưởng thành và lập gia đình, ông vẫn nâng niu cánh diều như người bạn tri âm, tri kỷ.

Ông Quyền cho biết, cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền làm nhiều người không còn thời gian chơi diều cho dù họ cũng rất yêu. “Gia đình tôi trước nghèo, phải làm nhiều nghề để mưu sinh như làm pháo, làm ruộng... nhưng tôi yêu cánh diều tha thiết nên dẫu có bận rộn đến đâu vẫn dành thời gian chơi diều”.

Để tạo ra diều sáo có thể “cất cánh” và “hát vang” trên bầu trời, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật cao. Ông Quyền bảo rằng, đi chọn tre đã mất một ngày, vót cật, vót nan, làm xương diều cũng phải mất vài ngày. Trước, cánh diều bằng giấy dó, gắn ống sáo bằng nhựa sung, sơn ta, vót dây lạt để thả... rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, chứ không như bây giờ bỏ tiền ra mua là xong.

Tiếng sáo hay hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người khoét sáo – thẩm âm. Ống sáo được chia thành 2 phần bởi vách ngăn ở giữa. Nếu hai phần đều nhau thì tiếng sáo vang và êm, đường kính ống sáo hợp âm phải khớp với nhau. Có những sáo “khổng lồ” lên đến 17 ống sáo, rồi còn song sáo lương nghi, sáo ba tam tài, sáo năm ngũ thường...

Kỳ công là vậy. Nhưng diều sáo chẳng mấy khi được “quy ra thóc” để mua bán mà chủ yếu là tặng nhau, hoặc ai muốn chơi đều “đích thân” chế tạo ra đứa con tinh thần của mình – đó chính là cái “hồn cốt” mà trò chơi hiện đại không có được.

Đến ý nghĩa giáo dục văn hóa

Gần 70 mùa xuân chơi diều sáo, ông Quyền từng chứng kiến sự mai một không chỉ của diều mà còn của hầu hết các trò chơi dân gian. Ông kể rằng, thời gian khoảng hơn hai chục năm trước, các trò chơi hiện đại – công nghệ xuất hiện, trò chơi dân gian không bắt mắt, rồi bị lãng quên dần. Trò chơi hiện đại còn có lợi thế có sẵn – không phải chế tác mà chỉ cần bỏ tiền ra mua.

Trên triền đê, cánh đồng làng Đàn Viên lúc bấy giờ rất khó bắt gặp được trẻ em chơi diều. Ông Quyền trầm ngâm, chỉ biết sống với những hoài niệm tuổi thơ cùng một số người bạn già.

Bất ngờ, vào năm 2007, Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi, cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tìm đến nhà ông và đề nghị ông tham gia chương trình bảo tồn các trò chơi dân gian. Vui quá, ông nhận lời ngay.

Đến bảo tàng, ông được tiếp xúc với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông dần hiểu được rằng, đằng sau thú chơi diều là các câu chuyện văn hóa và mang tính giáo dục rất cao. Bản thân ông khi chế tác diều tại bảo tàng cũng thấy được sự tìm tòi, yêu thích của trẻ nhỏ với diều. Từ nhân duyên đó, ông quyết tâm lan tỏa tình yêu với các trò chơi dân gian tới lớp trẻ.

Ông đã về vận động những người yêu thích diều sáo trong xã và cùng họ thành lập Câu lạc bộ Diều sáo Cao Viên vào năm 2012. Tiếng thơm lan tỏa. Nhiều người yêu thích diều sáo trên địa bàn huyện Thanh Oai tìm tới và muốn gia nhập CLB. Ông Quyền liền đề xuất với ngành văn hóa huyện “nâng cấp” CLB thành CLB Diều sáo huyện Thanh Oai. Câu lạc bộ Diều sáo huyện Thanh Oai chính thức được thành lập năm 2013 với hơn 20 thành viên, ông Quyền được bầu làm chủ nhiệm.

Phong trào chơi diều sáo ở Thanh Oai được “hồi sinh” mạnh mẽ. Câu lạc bộ Diều sáo Thanh Oai đã cùng với ngành văn hóa huyện 4 lần tổ chức giao lưu diều sáo đồng bằng Bắc Bộ tại Sân vận động huyện. Mỗi lần thu hút từ 20 – 26 đội tham gia từ các tỉnh, hàng ngàn khán giả đến xem. CLB đã 3 lần đoạt giải diều sáo vượt câu liêm. Trong đó, cá nhân ông Quyền đoạt giải vượt câu liêm năm 2015 tại Công viên Yên Sở.

Cùng với việc tổ chức – tham gia các hội thi, ông Quyền còn là người bạn thân thiết của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Triển lãm Vân Hồ... tại các chương trình bảo tồn trò chơi dân gian.

Đau đáu trao truyền “thú chơi”

Làm diều sáo không phải là nghề, không tạo ra mấy thu nhập nên việc truyền lửa tình yêu đến lớp trẻ không phải việc dễ dàng. Sở dĩ, ông Quyền giữ được thú chơi diều hơn 70 năm là bởi, mỗi lần thấy cánh diều bay lên, nghe tiếng sáo “ro ro” "đu đu” lại làm con tim ông thổn thức tình yêu với quê hương – đất nước.

Ông bảo, khi người ta thả cánh diều lên bầu trời, tức là bắt đầu có sự giao hòa giữa trời – đất - con người. Cánh diều mang theo ước mơ mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tiếng sáo du dương làm tâm ta tĩnh lại, tìm kiếm những khoảng thanh bình trong tâm hồn. Cho dù cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn nhưng về quê, nghe tiếng sáo diều, ta như cảm nhận được sự an yên, được quê hương bao bọc, yêu thương.

Hiện, ngoài CLB Diều sáo Cao Viên với những thành viên “lão làng”, trong làng Đàn Viên còn có một “nhóm trẻ yêu diều” do ông Quyền khởi xướng. Nhóm gồm những thanh thiếu niên trong làng đam mê diều sáo.

Mỗi buổi chiều hè, ông Quyền lại cùng nhóm trẻ chế tác, thả diều sáo trên cánh đồng Soi của làng, cùng nhau lắng nghe tiếng sáo như lạc về chốn tiên cảnh. Tính đến nay, ông đã dạy kỹ thuật chế tác diều sáo cho trên 100 thanh thiếu niên trong và ngoài làng.

Anh Nguyễn Văn Thắng, 27 tuổi, học trò xuất sắc của ông Quyền chia sẻ: Ông luôn tận tình hướng dẫn chúng tôi làm tất cả các loại diều sáo. Rồi, chiều đến ông còn ra hướng dẫn kỹ thuật thả diều sao cho chuẩn, điều chỉnh âm thanh.... Vừa thả, lại được nghe ông kể các câu chuyện dân gian liên quan đến diều, chúng tôi càng thêm yêu thú chơi diều sáo tao nhã, đậm đà bản sắc dân gian.

Ngoài làm diều, ông Quyền còn nổi tiếng làm đèn kéo quân. Ông có thể làm đèn kéo quân 6 cạnh cân đối, cao 2 mét, thắp nến giữa đèn vẫn chạy đều. Ông còn khôi phục được nguyên mẫu chiếc đèn kéo quân được mô tả trong sách Kỹ nghệ người An Nam và hiện trưng bày 10 chiếc tại Bảo tàng Hà Nội.

Hằng năm, ông Quyền còn làm đèn kéo quân và đèn ông sao cỡ lớn để tặng các cháu thiếu nhi trong làng Đàn Viên. Mỗi khi gần rằm trung thu, nhà ông đông vui như hội. Trẻ con khắp nơi kéo về xem ông, học ông làm đèn kéo quân. Niềm vui của người nghệ nhân già chỉ có thể, bởi “ai cũng từng là trẻ con - yêu trẻ thì trẻ đến nhà”.

Chủ nhiệm CLB Diều sáo huyện Thanh Oai Nguyễn Đình Long thì cho biết: Phong trào chơi diều sáo ở Thanh Oai sôi nổi như hiện nay là nhờ công lớn của ông Quyền. Bao nhiêu kỹ thuật – nghệ thuật trong chơi diều sáo ông nhiệt tình truyền tới các thành viên và lớp trẻ trong huyện. Ông luôn như chú ong cần mẫn để truyền được tình yêu với cánh diều, tiếng sáo tới thanh thiếu niên.

Với những cống hiến phục hồi các trò chơi dân gian, ông Quyền được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.