Người thổi hồn vào mô hình 'én sắt'

04/05/2020 09:09 GMT+7

Bắt gặp mô hình máy bay chiến đấu do ông chế tác, những cựu phi công rưng rưng, bởi họ như gặp lại người bạn một thời trai trẻ oanh liệt cùng 'tung cánh' với sứ mệnh bảo vệ vùng trời thân yêu của Tổ quốc.

Bản vẽ tiếng Nga quý hơn vàng

Câu chuyện giữa tôi và ông Bùi Xuân Thành (65 tuổi) thi thoảng lại bị gián đoạn bởi tiếng chiến đấu cơ cất hạ cánh từ sân bay quân sự Đà Nẵng. Nhà ông Thành ở kiệt 1A (P.An Khê, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) - nơi tập trung sinh sống của những cựu binh, sĩ quan quân đội… Ông vốn là cựu công nhân quốc phòng của Nhà máy A32 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân), chuyên sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, vũ khí... phục vụ quân chủng. Ông tự nhận mình may mắn khi được tiếp xúc, để rồi hiểu tường tận từng chi tiết khung sườn, kết cấu… các loại chiến đấu cơ. “Chính những kiến thức đó đã phục vụ tôi chế tạo mô hình máy bay chiến đấu thu nhỏ, đúng với từng thông số...”, ông Thành mở đầu câu chuyện.
Ông Thành quê ở Phú Thọ. Năm 1975, sau khóa đào tạo về cơ khí máy bay, ông vào làm việc tại Nhà máy A32 ở Phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm. Thấy chàng thanh niên Bùi Xuân Thành vừa có “hoa tay” lại có tính cẩn thận, thủ trưởng giao thêm nhiệm vụ làm mô hình chiến đấu cơ làm quà lưu niệm cho đơn vị. “Hằng ngày làm việc với “én sắt”, tôi biết rõ từng bộ phận trên máy bay. Nhưng để thu nhỏ theo tỷ lệ thì phải có con số cụ thể. Và việc đầu tiên là tôi lên gặp thủ trưởng để xin sao chụp những bản vẽ của các loại máy bay chiến đấu. Lần đầu tiên trong đời, tôi được tiếp xúc với những loại giấy tờ được liệt vào bí mật của hàng không quân sự. Những con số thể hiện độ ngắn, dài sải cánh, thân vỏ cho đến thông số đường cong cứ thế hiện ra trước mắt tôi…”, ông Thành phấn khích kể lại.

Gặp cựu binh hơn 40 năm làm mô hình máy bay chiến đấu bằng nhôm độc đáo

Mở 2 lớp khóa ở chiếc tủ gỗ, ông lấy ra một tập giấy cùng xấp ảnh màu chụp các loại chiến đấu cơ. Lần giở từng trang giấy đã vàng ố, ông say sưa với từng bản vẽ “én sắt”. “Đây là MiG-15, đây là MiG-21 huyền thoại, còn đây là Su-27, Su-30MK2...”, tôi nhìn theo cái chỉ tay của ông và thấy các bản vẽ này ghi bằng tiếng Nga, một số ít bằng tiếng Trung Quốc. “Có được những thông số này tôi mới có thể làm mô hình máy bay chiến đấu suốt 40 năm qua. Với tôi, đây là gia sản còn quý hơn vàng...”, ông Thành tiếp lời.
Mô hình chiến đấu cơ đầu tiên được ông làm bằng chất liệu nhựa mica trong suốt. Từ khối nhựa, ông Thành cắt, giũa thành những mô hình máy bay chiến đấu MiG-15, MiG-17, MiG-19, L29, L39… giống như thật. Sự tỉ mẫn, làm việc đúng chất “dân kỹ thuật” của ông khiến thủ trưởng rất hài lòng, tin tưởng.

Bậc thầy mô hình nhôm đúc

Và “cánh én mica” trở thành món quà trang trọng của A32 dành cho nhiều vị khách quan trọng khi đến thăm và làm việc tại nhà máy. Chiến tranh biên giới 1979 nổ ra. Nhà máy A32 từ phía bắc được chuyển vào Đà Nẵng. Trong điều kiện đất nước kinh tế khó khăn, nhựa mica dần khó kiếm, trong đầu ông lóe lên suy nghĩ làm mô hình máy bay chiến đấu bằng nhôm đúc, vừa nhẹ lại dễ kiếm.
Người thổi hồn vào mô hình 'én sắt'1

Từ khối nhôm vô tri vô giác, qua bàn tay ông Thành bỗng hóa thành tặng vật giá trị

ẢNH: HOÀNG SƠN

“Nếu với mica, việc cắt, giũa khá dễ dàng để hoàn thành một máy bay thì với nhôm lại rất khác. Để có một mô hình chiến đấu cơ đúng tỷ lệ, việc quan trọng nhất là phải làm khuôn đúc sao cho chuẩn xác. Nhưng đó chỉ mới được phần thân vỏ, còn cánh, đuôi thì phải làm thế nào?”, ông Thành tự trả lời câu hỏi: “Tôi nghĩ ra cách đúc rời từng bộ phận như sản xuất máy bay thật. Có đầy đủ rồi đem gia công lắp ghép...”.
Hôm tôi đến, ông Thành đang dùng máy kẹp chặt phôi “chiếc MiG-21”. Ông dùng chiếc giũa cỡ lớn, mài bay lớp bột nhôm dính trên phôi. Ông cho biết, do đúc bằng khuôn cát nên công đoạn làm nguội tốn nhiều sức lực. Với mô hình này, đúc hoàn thành chỉ được phần thân, còn các chi tiết cánh, đuôi…, ông lại phải thêm khuôn khác. Sau khi có đầy đủ các bộ phận, ông dùng loại khoan cỡ nhỏ, keo dính... “lắp ráp” hoàn thiện phần thô. Dĩ nhiên là phần thân phải được làm nhẵn mịn để công đoạn sơn dễ dàng hơn.
Cùng với các bước gia công, do phải tốn công sơn cho giống như thật nên để một mô hình “xuất xưởng” phải kéo dài đến 10 ngày. “Đó là những loại chỉ ít mẫu khuôn, chứ với những loại đặc biệt như Su-22 cánh cụp cánh xòe thì mất đến nửa tháng mới cho ra lò cùng lúc 5 chiếc”, ông Thành nói, đây là loại chiến đấu cơ khó mô hình hóa nhất bởi có nhiều chi tiết rời.
Hơn 40 năm làm mô hình máy bay chiến đấu, ông không nhớ rõ mình đã làm ra bao nhiêu chiếc. Ông chỉ nhớ một vài mốc như: năm 2011, kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà máy A32 đã làm khoảng 300 mô hình; năm 2019 khoảng 100 mô hình… Với ông, số lượng không quan trọng bằng việc từng “én sắt” dù là để làm quà hay vật kỷ niệm phải mang lại cảm xúc cho chủ nhân. Thế nên ông Thành còn nghiên cứu các loại mô hình tên lửa đi kèm cho mỗi máy bay, rồi thiết kế giống hệt từ kiểu dáng đến màu sơn. “Dù cánh tên lửa nhỏ xíu, tôi cũng phải lấy tỷ lệ sao cho chuẩn để khi máy bay “mang vào bụng” là trông như thật. Chẳng hạn Su-30MK2, bụng mang đầy tên lửa dũng mãnh là vậy nhưng nếu mình lười chế tạo thì mô hình trông chả ra làm sao”, ông trải lòng.

Món quà thắm tình lính không quân

Có lần dự lễ kỷ niệm, ông Thành vô tình nhận ra, những “én sắt” do ông chế tạo trở thành món quà tặng cao cấp dành cho những người quan trọng. Ông lật giở cuốn Kỷ yếu 45 năm thành lập Nhà máy A32 rồi chỉ cho tôi xem tấm hình cố Tổng bí thư Đỗ Mười chụp chung với cán bộ đơn vị trong một lần về thăm nhà máy vào năm 1997. “Đây chính là dịp mà đơn vị đã dùng mô hình máy bay chiến đấu do tôi chế tác để làm quà lưu niệm tặng cố tổng bí thư. Tôi biết, lãnh đạo đơn vị thường tặng những mô hình này cho các vị khách cấp nhà nước. Thế nhưng mô hình được mang tặng cho cụ Đỗ Mười thì đó là một cảm xúc rất khó diễn tả...”, ông Thành bồi hồi.
Sau lần đó, những mô hình máy bay chiến đấu các loại tiếp tục đến tay những vị lãnh đạo cao cấp khác thông qua các chuyến thăm, các dịp quan trọng của Quân chủng Phòng không - Không quân. Khắc sâu trong trí nhớ của ông có lẽ là lần chế tác mô hình máy bay Su-30MK2 vào năm 2005. “Chiến đấu cơ” này có trọng lượng hàng chục ký, dài hơn 0,8 m. Ròng rã 1 tháng trời, ông nghiên cứu làm khuôn, gia công... Sau khi hoàn thiện, ông được lãnh đạo Nhà máy A32 cử đi tặng cho một đơn vị cấp T.Ư. “Khi thấy mô hình được đặt ngay tại vị trí trang trọng nhất của phòng họp, mắt tôi rưng rưng... Nghĩ “đứa con” mình làm ra đã không khiến mọi người thất vọng”, ông nhớ lại.
Đời làm mô hình của ông Thành cũng có nhiều kỷ niệm thú vị. Ông kể, có lẽ do làm mô hình đẹp nên có lần ông bị trộm khoắng mất 2 chiếc khi đang phơi cho khô sơn. Hay có những lần đồng đội, những vị khách là cựu phi công đến thăm nhà cứ năn nỉ mua bằng được những mô hình ông đang trưng bày...
Nhiều phi công từng lái những dòng máy bay chiến đấu cũ như MiG-19, MiG-21... khi nhận lại mô hình sau nửa tháng đặt hàng mà mắt ngấn lệ. Vì họ thấy cờ sao được ông dán lên, thấy số hiệu máy bay mà chính họ từng cầm lái..., họ nhớ về thời trai trẻ “tung cánh” sắt bảo vệ bầu trời quê hương.
Ấp ủ mô hình “khủng” huyền thoại MiG-21
Ông Thành bảo, trong số những máy bay chiến đấu từ “sơ khai” là MiG-15 cho đến hiện đại như Su-30MK2, ông vẫn thích đúc nhất là mô hình máy bay MiG-21. “MiG-21 chính là chiến đấu cơ lập nên nhiều kỳ tích của không quân Việt Nam. Dòng máy bay này đã lập biết bao chiến công khi bắn hạ nhiều loại chiến đấu cơ tối tân của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Mỗi lần làm xong một mô hình MiG-21, tôi lại có cảm giác thích thú khó tả. Trong đời làm mô hình của mình, tôi ấp ủ sẽ làm nên một MiG-21 với kích thước lớn đặc biệt để kỷ niệm...”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.