Ông Lee Jae-yong, 49 tuổi, người thừa kế của Samsung Group, một trong những đế chế doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới, đã bị bắt giữ kể từ tháng 2.2017 vì cáo buộc hối lộ, tham nhũng và che giấu tài sản ở nước ngoài.
Mức án trên thấp hơn nhiều so với mức án 12 năm tù được các công tố viên đề nghị trước đó. Tuy nhiên, Song Wu-cheol, một trong những luật sư của ông Lee Jae-yong, cho biết sẽ kháng cáo. “Bản án này là không thể chấp nhận được”, ông Song nói, đồng thời tự tin rằng sẽ đảo ngược được tình thế này bởi một tòa án cấp cao hơn.
Theo luật Hàn Quốc, các bản án hơn 3 năm tù không thể bị hoãn thi hành. Mức án 5 năm tù lần này của ông Lee Jae-yong được xem là một trong những mức phạt tù dài nhất mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc từng phải nhận.
Các công tố viên của Tòa án quận trung tâm Seoul cho biết ông Lee Jae-yong đã đóng góp 41 tỉ won, tương đương khoảng 36 triệu USD, cho các tổ chức phi lợi nhuận của Choi Soon-sil, bạn thân cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hee, để củng cố quyền lực tại Samsung Electronics và để giành chiến thắng trong vụ sáp nhập hai đơn vị của tập đoàn Samsung hồi năm 2015. Song, cho tới nay ông Lee Jae-yong vẫn không thừa nhận hành vi của mình.
Từ khi được thành lập vào năm 1938, tập đoàn Samsung đã trở thành biểu tượng phát triển thần kỳ. Nhưng nhiều năm nay, nó cũng đã tạo ra sự kết hợp giữa các chính trị gia và các nhóm kinh doanh gia đình nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ, hay còn gọi là các chaebol, vốn liên quan đến hàng loạt các vụ bê bối tham nhũng tại nước này.
Người Hàn Quốc đã từng có một thời gian rất hoan nghênh các cheabol, nhưng bây giờ họ đang chỉ trích mạnh mẽ giới tài phiệt gia đình vì đã hạn chế sự phát triển của nền kinh tế và tăng sức ép với các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Bình luận (0)