Người trẻ bảo vệ môi trường từ những việc thiết thực

07/06/2019 19:38 GMT+7

Tự mang ly uống nước, trồng cây xanh, đi xe buýt… người trẻ ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm thiết thực.

Thử thách xanh

Mỗi người có thể đăng ký những “cam kết” rất dễ thương và thiết thực như mang túi tái sử dụng khi mua sắm, ngưng uống nước đóng chai... Thay vào đó mang chai đựng nước khi cần mua cà phê, nước ép… đựng cơm trưa trong hộp dùng nhiều lần để mang đi làm, mua bánh mì tươi đựng trong túi giấy thay cho túi ni lông để giảm thiểu dùng túi nhựa… Những “cam kết” xanh này được dán trang trọng trong khu vực chung của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàn ĐH Oxford (OUCRU, 764 võ văn kiệt, quận 5, TP.HCM) vào Tuần lễ xanh. Đây là một hoạt động nội bộ nằm trong dự án nâng cao nhận thức về sự ảnh hưởng của rác thải nhựa lên môi trường và sức khỏe do đơn vị này thực hiện. Có khoảng 200 nhân viên cùng tham gia.
Thử thác xanh đặt tại công ty dành cho nhân viên tự "cam kết" với phần thưởng sau 1 tuần hoàn thành là chiếc túi vải thân thiện với môi trường HT
Trần Thị Hiếu Thảo, nhân viên OUCRU, chia sẻ: “Trong tuần có 3 ngày dành cho 3 hành động Reduc-Reuse-Recycle (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế). Mỗi anh chị sẽ tự đăng ký 1 hành động giảm thiểu hoặc ngưng sử dụng nhựa, chủ yếu là nhựa dùng 1 lần như ống hút, ly nhựa, bao ni lông đựng thực phẩm, áo mưa dùng 1 lần... Mọi người viết 1 câu cam kết của mình lên 1 thẻ thử thách và móc vào túi xách để tự nhắc nhở mình mỗi ngày. Cuối tuần sau khi hoàn thành cam kết mọi người sẽ mang thẻ này lên cơ quan để đổi 1 chiếc túi đi chợ xếp gọn được và có thể dùng nhiều lần”.
Hiếu Thảo chia sẻ thêm: “Bên cạnh đó cơ quan cũng giới thiệu hệ thống thùng rác mới và cách phân loại rác cho các anh chị nhân viên. Đặc biệt là trong tất cả các hoạt động, cơ quan cố gắng hạn chế tối đa đồ nhựa và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như lá chuối, que ghim tre và ly, chén, dĩa dùng nhiều lần...”.
Tiểu cảnh trang trí từ vật liệu tái chế HT
Tương tự, 11 người làm chung ban của chị Nguyễn Mận (nhân viên văn phòng tại Q.1, TP.HCM) không ai bảo ai, mỗi người đều có ý thức nhỏ để giữ gìn và bảo vệ môi trường. “Cứ người này học từ người kia, được nhắc nhở từ đồng nghiệp, mỗi lần đi mua nước hay uống cà phê tụi em đều dùng chai mang từ nhà đến. Như vậy sẽ giảm thiểu số ly nhựa, chai nhựa, ống hút thải ra ngoài môi trường”.
Nguyễn Mận cho biết thêm: “Tôi thường đi làm bằng xe buýt để giảm khí thải. Ở nhà, mỗi khi đi chợ mình hạn chế dùng túi ni lông. Khi sơ chế thức ăn, mình giữ lại túi nhựa để hôm sau mang ra chợ để gửi cho người bán hàng tái sử dụng. Mình nghĩ đơn giản, mỗi người trước khi sử dụng tài nguyên nên nghĩ xem có nên dùng hay không. Nếu có thể tiết kiệm thì giữ lại, nếu không cần thiết thì không nên xài… tiết kiệm cho người dùng sau”.
Được xem như chiếc “túi” thần kỳ, đi đâu chị Dạ Quyên (83 Xuân Thuỷ, Q.2, TP.HCM) đều mang theo 1 cái khăn vải có diện tích 70x80 cm. Chiếc khăn rất đặc biệt, có thể gói thực phẩm khi đi chợ, thay cho túi ni lông. Chiếc khăn còn có chức năng như túi xách để đựng vật dụng cá nhân khi đi làm. Không chỉ “xanh” bảo vệ môi trường, chiếc khăn giúp chị Quyên tối giản nhiều đồ dùng khi đi ra đường. Một sản phẩm theo chị Quyên đánh giá tiện ích, phù hợp với giới trẻ hiện đại.

“Săn” người xả rác và trồng thêm cây xanh

Sau những tháng đầu tiên đi dọn rác vào cuối tuần, nhóm Act Now do Nguyễn Châu Bảo, cựu học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long - Đà Lạt sáng lập tiếp tục dự án với chiến dịch “săn” những người xả rác.
Nguyễn Châu Bảo chia sẻ: “Nhóm vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường vào thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Tuy nhiên, giai đoạn này nhóm không đi nhặt rác xung quanh nữa mà hướng đến ý thức cộng đồng. Làm sao nâng cao ý thức của mọi người để rác đúng nơi quy định, không xả rác, hạn chế sử dụng các vật liệu nhựa, rác nhựa…”.
Những thùng phân loại từng loại rác cụ thể HT
Mới tham gia lần đầu tiên, nhưng chị Nguyễn Thị Nga, Công ty Vherbs (Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vô cùng thích thú với ý tưởng đi caravan và làm sạch môi trường biển ở Cần Giờ vào chủ nhật vừa rồi cùng Hội bảo vệ môi trường. Chị và rất nhiều đồng nghiệp đã cùng tham gia dọn rác, trồng thêm nhiều cây xanh tại đây.
Chị Nga chia sẻ: “Trong đoàn vừa có người lớn tuổi, có các bạn trẻ, có cả các em học sinh. Mỗi người trong khả năng của mình, người thì trồng cây, người dọn vệ sinh, người thì tuyên truyền cách thức sống xanh, dùng các vật liệu thay thế hạn chế dùng chai nhựa, túi nhựa… mình thích cách thức làm trực tiếp như vậy, nhìn thấy việc làm thiết thực, thấy được hiệu quả của việc mình làm. Nhờ vậy mọi người cũng hào hứng tham gia hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.