Người trẻ 'đẻ' ra tiền từ ứng dụng AI:Thay thế sức người trên công trình thủy điện

19/04/2023 07:12 GMT+7

Để giảm bớt sức người trên công trình thủy điện, hai bạn trẻ thuộc Công ty thủy điện Sơn La đã xây dựng thành công giải pháp tự động gửi tin nhắn báo cáo sản xuất và tình hình thủy văn Nhà máy thủy điện Lai Châu (Công ty thủy điện Sơn La).

CẢI TIẾN QUY TRÌNH LÀM VIỆC

Trước thực trạng phải báo cáo sản xuất thủ công trên công trình thủy điện, hai bạn trẻ Trịnh Xuân Lượng (33 tuổi) và Phạm Văn Duy (32 tuổi) của Công ty thủy điện Sơn La (Tập đoàn điện lực VN) đã nghiên cứu, ứng dụng thành công phần mềm tự động tính toán, soạn thảo tin nhắn thông tin báo cáo sản xuất, tình hình thủy văn và tự động gửi tin nhắn đến các số điện thoại trong danh sách.

Anh Trịnh Xuân Lượng cho biết khi chưa có giải pháp này, công nhân phải tổ chức sản xuất theo phương pháp truyền thống mất rất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót. "Chúng tôi phải nhập thông số thủ công vào các file nhập liệu và tính toán thủ công các dữ liệu từ các file nhập liệu hằng ngày. Sau khi tổng hợp đủ các số liệu trên thì nhắn tin thủ công, gửi qua tin nhắn SMS bằng số điện thoại trực phòng điều khiển trung tâm tới khoảng 10 người nhận", anh Lượng cho biết.

Người trẻ 'đẻ' ra tiền từ ứng dụng AI:Thay thế sức người trên công trình thủy điện - Ảnh 1.

Anh Trịnh Xuân Lượng và công trình tự động gửi tin nhắn báo cáo sản xuất và tình hình thủy văn

V.T

Các công việc này diễn ra lúc 7 giờ mỗi ngày, vào thời điểm mưa lũ thì việc thông báo thay đổi độ mở cửa xả, lưu lượng xả lũ… phải diễn ra liên tục. Việc gửi các tin nhắn SMS qua điện thoại đều phải có sóng của nhà mạng; tuy nhiên công trình ở vùng sâu, vùng xa nên sóng rất chập chờn. Có lúc đang ở nơi không có sóng, anh phải di chuyển đến chỗ có sóng mới gửi được tin nhắn.

"Gửi tin nhắn thủ công dễ xảy ra việc nhìn nhầm ngày, nhầm tháng, trung bình khác cột sản lượng… nên báo cáo nhầm. Có những người từng bị trừ điểm, trừ lương vì như vậy. Đặc biệt, nếu gửi tin sai thì có thể dẫn đến sai sót trong chỉ đạo điều hành hoạt động của nhà máy", anh Lượng cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, anh Lượng và anh Duy đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa hoàn toàn việc tính toán dữ liệu và tạo tin nhắn báo cáo sản xuất, tình hình thủy văn của Nhà máy thủy điện Lai Châu. Khi công trình được đưa vào ứng dụng đã mang lại những hiệu quả tuyệt vời; nâng cao nâng suất lao động và giảm thiểu các thao tác văn phòng có tần suất lặp lại trong ca trực.

Người trẻ 'đẻ' ra tiền từ ứng dụng AI:Thay thế sức người trên công trình thủy điện - Ảnh 2.

Phần mềm tự động tính toán, soạn thảo tin nhắn đã giúp thông tin chính xác và tiết kiệm sức lao động cho những người vận hành Nhà máy thủy điện Lai Châu

NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT

Theo anh Lượng, công trình nghiên cứu đã đưa ra giải pháp công nghệ, giúp bỏ hoàn toàn công việc nhắn tin SMS qua đầu số điện thoại. Phần mềm được thiết kế sáng tạo là gửi tin nhắn bằng thương hiệu của đơn vị, vừa đảm bảo an toàn thông tin, vừa lan tỏa tên thương hiệu công ty; kiểm tra, thống kê tình trạng tin nhắn đã gửi qua trang web của đơn vị cung cấp Key API. Các thông tin khách hàng và nội dung tin nhắn được bảo mật bởi token của đơn vị cung cấp qua số điện thoại đăng ký. Việc này đã thay thế nhân viên vận hành trong quá trình thu thập số liệu và soạn thảo tin nhắn báo cáo trong các mốc thời gian, nhằm giảm thiểu công việc trong ca trực, nhưng vẫn kiểm soát đầy đủ, chính xác thông số báo cáo.

"Khi sử dụng API, mọi người có thể dễ dàng lấy nội dung từ bất kỳ website, ứng dụng nào. Chỉ cần được cho phép, việc này sẽ diễn ra một cách nhanh chóng, dễ dàng, từ đó làm tăng chất lượng cho trải nghiệm người dùng; đồng thời dễ dàng kiểm tra lại các nội dung: tin nhắn, người nhận tin nhắn, thời gian gửi tin nhắn. Các thông tin được tổng hợp trên website", anh Lượng chia sẻ.

Trong quá trình vận hành, hệ thống làm việc chính xác, không xảy ra trường hợp lỗi hoặc gây khó khăn cho nhân viên vận hành. Đặc biệt, công trình này có thể áp dụng dễ dàng cho các đơn vị và có thể mở rộng các hình thức gửi tin nhắn qua môi trường web.

Đánh giá về công trình, anh Nguyễn Văn Tiệp, Quản đốc phân xưởng vận hành Lai Châu (Nhà máy thủy điện Lai Châu), cho biết giải pháp này được Hội đồng Công ty thủy điện Sơn La và Tập đoàn điện lực VN đánh giá rất có giá trị: giúp tiết kiệm nhân công; đảm bảo số liệu chính xác, tránh sai sót.

"Phần mềm khi đưa vào vận hành không xảy ra lỗi gì, quá trình sản xuất nhanh hơn, chính xác hơn. Dù công trình không tính được giá trị kinh tế nhưng đã cải thiện được quy trình làm việc, tiết kiệm sức người để nâng cao hiệu quả sản xuất và lan tỏa tinh thần về chuyển đổi số", anh Tiệp nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.