Người trẻ được truyền thống nâng đỡ

01/03/2024 04:14 GMT+7

Bức tranh Hai Bà Trưng của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam đã được một hãng đồng hồ Thụy Sĩ sử dụng để vẽ lên mẫu đồng hồ thiết kế hồi tháng 5.2023. Bức tranh là một sáng tạo mới của Xuân Lam lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống.

Trước đó, anh cũng có nhiều mẫu thiết kế túi, áo phông, áo khoác, áo dài… lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống, từ mỹ thuật truyền thống. Những trải nghiệm sáng tạo này là một phần hành trình của Xuân Lam trước khi anh nhận học bổng Fulbright để theo học ngành mỹ thuật tại Mỹ.

Những người trẻ đắm đuối với truyền thống, tìm chất liệu sáng tạo trong truyền thống, tôn vinh truyền thống, rồi lại được truyền thống "nâng đỡ" như Xuân Lam không hề ít. Có thể tìm thấy những cá tính sáng tạo như thế trong cả âm nhạc, hội họa, thiết kế, sân khấu, điện ảnh, xuất bản… Đó là họa sĩ Hà Nguyên Long luôn tìm thấy những chất liệu sân khấu đẹp đẽ từ tuồng, chèo. Là Nguyễn Quốc Hoàng Anh gắn bó với những tác phẩm âm hưởng nhạc dân tộc. Là Kevin Vương tìm cách để phục dựng lại những đầu lân, đầu rồng xưa, rồi đưa vào thiết kế sân khấu những chương trình âm nhạc lớn. Đó còn là Trần Quang Đức với nghiên cứu ngàn năm áo mũ - cuốn sách nghiên cứu trang phục Việt có giá trị nhất từ trước tới nay.

Những Xuân Lam, Hoàng Anh, Nguyên Long, Kevin Vương… không phải là chưa có thành công. Nhưng điều lớn nhất họ mang lại không dừng ở những thành công ấy. Quan trọng nhất, họ cho thấy những người trẻ chưa bao giờ quên tìm về quá khứ, dù khó khăn, nhưng họ luôn tìm về một cách bền bỉ để rồi sau đó kết nối xưa - nay.

Ở những sân khấu rạng rỡ như Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội, sân khấu với cảm hứng tuồng đã đem lại cho khán giả sự ngưỡng mộ pha lẫn thân thuộc. Còn trên sân khấu của Hoàng Thùy Linh, những đầu lân do Kevin Vương tìm tòi đã làm con đường dân gian đương đại của ca sĩ này hấp dẫn lên rất nhiều. Những mô tả cụ thể về trang phục cổ của Trần Quang Đức cũng thúc đẩy phong trào mặc lại cổ phục hiện tại.

Giờ đây, có thể tin tưởng đã có nhiều người trẻ cùng tìm về văn hóa truyền thống. Đó thậm chí còn là những nét văn hóa truyền thống do thời gian mà mai một, hoặc do những biến cố lịch sử mà bị đứt gãy. Nhưng điều đó không ngăn cản họ tìm hiểu về văn hóa xưa qua những nghiên cứu cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Nó cũng phá vỡ định kiến chỉ có những người "muôn năm cũ" mới gắn bó với văn hóa truyền thống. Người trẻ, không chỉ gắn với văn hóa truyền thống, mà còn khiến văn hóa ấy có thêm những định dạng mới của thời đại hôm nay.

Một sự trùng hợp, những cá nhân trẻ tìm kiếm văn hóa truyền thống được nhắc tới trong bài viết đều là những người đang hoặc từng du học. Những năm tháng học tập ở nước ngoài đã không hề khiến tình yêu truyền thống, cảm nhận tốt đẹp về truyền thống trong họ mờ đi. Trái lại, họ dường như cả quyết hơn trên con đường nghiên cứu, thực hành văn hóa truyền thống của mình. Sau đó, bằng sự hiện đại của tư duy, họ không chỉ tìm về mà còn tìm cách lan tỏa văn hóa đó.

Còn truyền thống, về phần mình, cũng nâng đỡ họ trên những bước đường thực hành văn hóa tiếp theo. Một cái kết có hậu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.