Vào những dịp lễ hội lớn ở các tỉnh, thành miền Tây, chị Huỳnh Anh thường xuyên có mặt để biểu diễn nặn tò he phục vụ mọi người, đặc biệt là trẻ em. Tác phẩm của chị tạo ra đủ hình dáng, màu sắc, vừa ngộ nghĩnh, vừa tinh xảo.
Huỳnh Anh cho biết bản thân đam mê nặn tò he, nhưng ở miền Nam nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng, ít người theo nghề này. Vì vậy, năm 2018, chị quyết định ra Hà Nội tìm thầy học nghề. "Tôi ra tận làng nghề tò he ở xã Xuân La, H.Phú Xuyên, TP.Hà Nội để học. Với tôi, đây như là duyên nợ với nghề và tính đến nay đã học được 6 năm. Điểm đặc biệt của nghề này là không ngừng học hỏi, dù đã thành thục vẫn phải tiếp tục học mỗi ngày để nâng cao tay nghề chứ không dừng lại", chị Huỳnh Anh chia sẻ.
Đến nay, Huỳnh Anh không nhớ rõ đã làm được bao nhiêu tác phẩm. Tuy nhiên, có những tác phẩm đậm nét miền Tây rất khó và kỳ công, chị phải mất nhiều tháng để hoàn thành, như: đờn ca tài tử, chợ nổi Cái Răng, cuộc sống thương hồ tại chợ nổi Cái Răng… Trong đó, tác phẩm chợ nổi Cái Răng được Bộ VH-TT-DL đặt làm nên chị mất rất nhiều thời gian để thực hiện một cách công phu, tinh xảo.
Hầu hết tác phẩm không có mẫu, chị phải tự tìm tòi, nghiên cứu văn hóa vùng miền rồi lên ý tưởng, tạo nên cái hồn cho nhân vật, đồ dùng, cây cối, cảnh vật… Mỗi tác phẩm đều được chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết, từ biểu cảm gương mặt nhân vật đến trang phục, mái tóc…
Theo chị Huỳnh Anh, làm nghề nặn tò he chỉ cần một chiếc lược đầu nhọn, thùng xốp, bột nặn, que tre và trí tưởng tượng phong phú là có thể sáng tạo hàng trăm tác phẩm đủ dáng hình. Trước đây, bột làm tò he có thể ăn được, nhưng ngày nay, bột được cải tiến, có thêm phụ gia để giữ lâu hơn, không bị hư, mốc mà vẫn đảm bảo an toàn cho bé chơi. Hầu hết trẻ em thích lựa chọn những món đồ chơi có hình thù đơn giản như: con vật, thú cưng, hoa, trái cây… còn người lớn chọn món cầu kỳ hơn.
Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng những món đồ chơi dân gian như tò he đối với trẻ em vẫn luôn có sức hút đặc biệt. Nguyễn Thị Lan Anh (9 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho biết: "Con rất thích thú bởi hình dáng đẹp mắt và màu sắc bắt mắt không thua kém gì các đồ chơi hiện đại. Đến sạp tò he, con thấy đủ các nhân vật mà con yêu thích nên mua về trang trí".
Bên cạnh đồ chơi dân gian tò he, chị Huỳnh Anh còn làm tranh gốm cho các bé trải nghiệm tô màu, sau đó đem phơi rồi đóng khung hoặc trưng trên bàn học, qua đó giúp các bé hiểu thêm về tranh dân gian VN.
"Tôi mong muốn có thể tiếp nối và lưu truyền nghề nặn tò he ở miền Tây để mọi người có dịp hoài niệm về ký ức tuổi thơ. Đặc biệt, các bé nhỏ có cơ hội hiểu biết thêm về món đồ chơi mang nét văn hóa dân gian, thay vì phụ thuộc nhiều vào thiết bị điện tử, điện thoại, game", chị Huỳnh Anh bày tỏ.
Bình luận (0)