Vài ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh và thông tin chia sẻ về một người đàn ông lạ mặt ở một số tỉnh, thành với hình dạng mặt mũi đen nhẻm, mặc bộ đồ màu đen, đội mũ bảo hiểm đen, đi ủng đen, tay cầm chảo màu đen, đầu gà, xúc xích, xiên thịt nướng. Người đàn công kỳ quái này thường xuất hiện ở những nơi đông để xin tiền và luôn có những hành vi bất thường. Nhiều người nghi ngờ người đàn ông này có hành vi tiếp cận, dụ dỗ, có thể bắt cóc trẻ em.Trong khi công an đang điều tra vụ việc, không ít bạn trẻ lại hóa trang thành 'ma giáo mặt đen' làm người khác lo sợ.
Gây thêm hoang mang
Anh Phạm Thanh Tuấn, giáo viên trường THCS - THPT Diên Hồng Q.10 TP.HCM, cho biết hiện nhiều người muốn nổi tiếng để “câu like, câu view” bằng việc tạo ra những hình ảnh tương tự "ma giáo mặt đen" giống như vậy, rồi quay video, chụp hình cố tình thu hút sự chú ý. Nhưng điều này chỉ khiến dư luận hoang mang thêm .
“Hãy để cho công an xử lý. Mình không nên làm trầm trọng thêm vấn đề dễ gây ra suy nghĩ, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. "Ma giáo mặt đen" không phải là một hình ảnh đẹp để mình bắt chước làm theo, đó là một hình ảnh mang dấu hiệu tiêu cực. Mục đích cuối cùng của những người hóa trang đó chỉ vì muốn nổi tiếng được nhiều người biết đến nên họ mới làm hành động sai trái đó”, anh Thanh Tuấn cho biết.
Trong khi đó, Cao Ngọc Hồng Nhung, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Mình thấy hành động hóa trang thành “ma giáo mặt đen” không vui tí nào, nói nhẹ thì đó là hành động cho sự biến tướng của việc xấu, nói nặng là “cosplay” (hóa trang) thành tệ nạn xã hội. Công an thì đang điều tra làm việc, thanh niên mà hóa trang thì giống như cổ vũ cho việc xấu”.
Chị Bùi Thị Kim Ngân, 25 tuổi ngụ P.12 Q.10 TP.HCM, chia sẻ hành động theo trào lưu chế video, hoặc chế hình ảnh tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là người dùng mạng xã hội. “Nếu không xem hết video, hoặc không đọc hết nội dung bài viết hay chỉ nhìn tiêu đề chắc chắn sẽ gây hoang mang về vụ việc”, Kim Ngân cho biết
Nên hóa trang có ý thức
Anh Phạm Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Nghĩa TP. Nha Trang chuyên về du lịch, cho biết hóa trang "ma giáo mặt đen" là thể hiện sự thiếu ý thức, a dua. Nếu đó là một trào lưu vô thưởng vô phạt thì không nói gì, đằng này khi hóa trang như vậy rất dễ gây hiểu lầm và làm hoang mang dư luận. Việc hóa trang như vậy mang tính tiêu cực, không mang lại một giá trị nào hết.
“Hóa trang trong những dịp lễ hội thì đem lại giá trị bảo tồn, phát triển văn hóa, còn hóa trang các nhân vật có tầm ảnh hưởng tích cực thì sẽ lan tỏa được những thông điệp tích cực từ nhân vật đó, còn hóa trang vui chơi bình thường thì mang lại giá trị giải trí”, anh Nghĩa chia sẻ.
Trong khi đó, chị Mai Thị Thúy Loan, 23 tuổi cựu sinh viên trường ĐH Văn Hóa hiện đang làm tổ chức sự kiện tại P.Linh Trung Q.Thủ Đức TP.HCM, cho biết công ty thường hay tổ chức các chương trình hóa trang đơn giản như công chúa, hoàng tử, các nhân vật hoạt hình, các nhân vật nổi tiếng...Còn nhiều bạn trẻ hiện nay hóa trang nhân vật “ma giáo mặt đen” sẽ nhạy cảm ở chỗ, nếu thật sự họlà những thành phần gây hại đến mọi người, thì khi hóa trang nhân vật đó sẽ tạo cho người nhìn cảm giác lo sợ hơn là vui vẻ”.
Bình luận (0)