Sáng 28.8, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra chương trình giao lưu tiếp lửa truyền thống với chủ đề "Tuổi trẻ nhớ lời di chúc theo chân Bác" do Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn phối hợp với Đoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn tổ chức.
Tham dự chương trình, có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Phó bí thư Đảng ủy T.Ư Đoàn; PGS-TS Nguyễn Quốc Bảo, nguyên quyền Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; bà Cù Thị Minh, Phó giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Động lực thôi thúc thế hệ trẻ
Tham gia chương trình, các đảng viên trẻ tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 của T.Ư Đoàn đã chia sẻ về việc học tập và làm theo Di chúc của Bác trong công việc hằng ngày. Chị Lê Thị Hồng Nhung, chuyên viên Ban Tổ chức T.Ư Đoàn, kể về những nỗ lực phấn đấu của mình khi được kết nạp Đảng năm 18 tuổi. Chị Nhung khẳng định: "Những lời căn dặn của Bác chính là động lực để thôi thúc, nhắc nhở thế hệ trẻ nói chung và bản thân mình phải luôn sống có ước mơ, hoài bão, ý chí vươn lên, đó chính là khát vọng được cống hiến, là lẽ sống thanh niên".
Anh Đặng Cao Cường, Trưởng ban Biên tập sách Comic, NXB Kim Đồng, cho biết từ việc thấm nhuần những lời của Bác trong di chúc, anh đã luôn nêu cao việc sống, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Bác để có thể góp sức, xây dựng cơ quan đơn vị bằng tinh thần nhiệt huyết, đam mê và không ngại khó khăn thử thách, đúng với tinh thần của tuổi trẻ. Anh Cường đưa ra 3 từ khóa gắn liền với chặng đường rèn luyện, phấn đấu của bản thân đó là: sáng tạo, đam mê và học hỏi.
"Tôi nhận ra việc sáng tạo ra cái mới chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân không sợ sai, sợ vấp ngã. Có sai, có vấp ngã mới đúng là tinh thần xông pha của tuổi trẻ. "Đừng sợ sai, nhưng phải biết sửa chữa khi mắc lỗi", những lời dạy của Bác Hồ đã động viên tôi rất nhiều trong quá trình đề xuất những ý tưởng sáng tạo phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân", anh Cường chia sẻ.
Nói về niềm đam mê của mình, anh Cường cho biết: "Bác Hồ cũng đã từng căn dặn "Mỗi người đều phải tự giác, tự chịu trách nhiệm trong công việc của mình". Nên với tôi, đam mê phải luôn đi đôi với trách nhiệm trong từng nhiệm vụ. Trách nhiệm giúp cho tôi không đam mê mù quáng, không đi sai đường".
Nhắc lại lời căn dặn của Bác về tinh thần học hỏi "Học tập là việc phải tiếp tục suốt đời. Người làm cách mạng càng phải học, càng phải tiến bộ", anh Cường nhắn gửi các bạn trẻ: "Với cán bộ Đoàn và thanh niên, việc duy trì tinh thần học tập và cầu thị không chỉ giúp nâng cao năng lực cá nhân mà còn giúp chúng ta trở thành những thủ lĩnh tài ba, có khả năng thích ứng với những thay đổi và thách thức trong công việc và cuộc sống".
Những bài học giá trị
Tại chương trình, PGS-TS Nguyễn Quốc Bảo đã ôn lại hoàn cảnh ra đời, nội dung cốt lõi, giá trị và ý nghĩa của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong di chúc Bác căn dặn: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". TS Nguyễn Quốc Bảo khẳng định: "Di chúc của Bác Hồ là di sản vô cùng quý báu của dân tộc, là văn kiện lịch sử vô giá, lời dặn của Bác là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta hành động ra sao để xây dựng đất nước".
Đặc biệt, tại chương trình, bà Cù Thị Minh, người đã có 30 năm công tác tại Khu di tích Phủ Chủ tịch, đã chia sẻ về việc bảo quản những di tích ở đây và cho biết mỗi di tích, mỗi kỷ vật, cảnh quan nơi đây đều thấm đẫm tinh thần, giá trị phi vật thể của Người và đặc biệt là gắn với lời dạy của Bác.
Kể về cây đa mang tên "Kiên trì" ngay lối vào khu nhà sàn Bác Hồ, bà Minh cho biết vào khoảng tháng 9.1965, anh em làm vườn thấy hai rễ đa nhỏ từ trên cành buông xuống lơ lửng cách mặt đường không xa. Vì lo hai rễ phụ này lớn dần thêm và dài xuống làm vướng lối đi lại của Bác, nên anh em phục vụ định cắt bỏ rễ đó đi. Bác không tán thành và gợi ý nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất, nhưng sao cho rễ đa không vướng lối đi mà còn có thể tạo cho cây có một thế vững chắc và đẹp. Bác đã bày cho mọi người cách làm là đưa rễ vào trồng trong ống bương và được chôn xuống đất. Sau 3 năm chăm sóc thì những rễ này bén đất và đã được bộ rễ cây như bây giờ.
"Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công", Bác đã căn dặn những người làm vườn và từ đó, cây đa này được đặt tên là "Cây đa Kiên trì", bà Minh kể.
Bà Minh cũng cho biết sau này cây đa có thêm 2 rễ nữa, hiện nay, trên con đường chính từ Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà sàn, hình ảnh các nhánh rễ đa nối liền cành xuống đất luôn gợi nhớ về bài học kiên trì mà sinh thời Bác dạy. "Đối với thanh niên Bác đã dạy: Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên", bà Minh nhấn mạnh tại buổi giao lưu với các bạn trẻ.
Bình luận (0)