Người trẻ khởi nghiệp: Cửa hàng tự phục vụ

30/01/2017 09:02 GMT+7

Không có người bán, người mua tự chọn hàng, tự in hóa đơn, tự trả tiền... Đó là hoạt động của một cửa hàng tự phục vụ dựa vào sự trung thực của khách hàng vừa xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam.

Không quản lý, không người bán
Gần đây, bạn trẻ tại Hà Nội vô cùng thích thú với một cửa hàng chuyên bán nước uống, kem và sô cô la tươi trên đường Liễu Giai với một phong cách hoàn toàn khác biệt.
Quán không có người quản lý, không có nhân viên pha chế, không có nhân viên phục vụ. Khách hàng tự chọn đồ uống hoặc một loại sô cô la yêu thích, thậm chí tự pha chế theo công thức được in dán sẵn ở đó. Sau khi chọn xong hàng, khách đến bàn thanh toán, tự dùng máy bấm mã vạch và hóa đơn sẽ được in ra. Trong cửa hàng có đặt sẵn một thùng gỗ, khách lấy một túi nhỏ bằng ni lông được để sẵn, cho tiền và hóa đơn vào rồi thả vào thùng. Nhờ phần mềm nhận diện, khách nào trả dư sẽ được lưu lại, lần sau đến máy sẽ thông báo số tiền thừa để trừ thẳng vào đơn hàng tiếp theo.
Người trẻ khởi nghiệp: Cửa hàng tự phục vụ 1
Đào Khánh Hiệp tại cửa hàng tự phục vụ
Tất cả quy trình này đều từ sự tự giác của khách hàng.
Người đưa mô hình tự phục vụ này về Việt Nam là Đào Khánh Hiệp, sinh năm 1981, vốn là một lập trình viên. Trước đây, Hiệp những tưởng mình sẽ yên vị với công việc ở một công ty phần mềm, nhưng một trang mới hoàn toàn mở ra kể từ lúc Hiệp được mẹ cho ăn món sô cô la tươi do bà tự làm. Thấy ngon, Hiệp bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho ra đời thương hiệu sô cô la của riêng mình, mang tên Mama.

Tôi mong bản thân tôi và khách sẽ cùng xây dựng được nét văn hóa tốt đẹp. Đức tính trung thực sẽ từ từ lan tỏa ra ngoài. Nó sẽ giúp người Việt sẽ thay đổi cách nhìn về chính người Việt. Ở đây, tôi bán văn hóa chứ không chỉ là bán hàng nữa

Đào Khánh Hiệp

Sau khi chuỗi cửa hàng kinh doanh sô cô la tươi do chính mình sản xuất mang lại doanh thu như ý, Hiệp bắt đầu xây dựng mô hình tự phục vụ này. Mỗi ngày, Hiệp chỉ đến cửa hàng vào buổi sáng để cung cấp thêm lượng sô cô la, thức uống, kem rồi trở lại vào buổi tối để thu tiền và dọn dẹp.
Bán văn hóa chứ không chỉ hàng hóa
Mô hình cửa hàng tự động dựa vào sự trung thực của khách hàng. Lúc đầu, cả gia đình và bạn bè đều không ủng hộ vì không tin là Hiệp sẽ thành công. “Có đến 70% cho rằng mô hình này chắc chắn thất bại. Ba mẹ nói với tôi, cửa hàng có người bán còn bị thua lỗ, gian dối nữa là không có ai quản lý. Bạn bè thì cho rằng tôi có ý tưởng điên rồ bởi họ không có niềm tin. Nhưng tôi quyết tâm xây dựng điều đó. “Tự phục vụ” không chỉ là một dịch vụ, mà còn là một nét văn hóa, một phong cách sống đã có mặt ở nhiều quốc gia phát triển. Tôi mong bản thân tôi và khách sẽ cùng xây dựng được nét văn hóa tốt đẹp. Đức tính trung thực sẽ từ từ lan tỏa ra ngoài. Nó sẽ giúp người Việt thay đổi cách nhìn về chính người Việt. Ở đây, tôi bán văn hóa chứ không chỉ là bán hàng nữa”, Hiệp nhìn nhận.
Cuối cùng, Hiệp đã không thất vọng. Trong suốt 3 tháng hoạt động, chưa khi nào Hiệp kiểm tiền mà bị thiếu. Nghĩa là không có bất cứ một sự gian dối nào. Trên thực tế, khách hàng hoàn toàn có thể trả thiếu so với số tiền trong hóa đơn. Nhưng cuối ngày, hệ thống sẽ tự động đưa gương mặt vào danh sách cấm đến cửa hàng vào lần sau. Nghĩa là bấm chuông thì cửa sẽ không mở nữa. Tuy nhiên, đến nay, chưa có khách hàng nào bị liệt vào “danh sách đen” đó.
Nhờ mô hình này mà doanh thu của cửa hàng tăng đáng kể, do Hiệp chỉ mất tiền thuê mặt bằng, không phải thuê nhân viên bán hàng, nhân viên bảo vệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.