Người trẻ không thể không yêu lịch sử từ những cách làm này

21/06/2022 17:04 GMT+7

Sử dụng sự sáng tạo và niềm đam mê của bản thân để làm sống lại các giá trị lịch sử là điều mà người trẻ hôm nay đang nỗ lực cống hiến.

Bên cạnh những bạn trẻ chọn cho mình con đường phát triển bản thân theo xu hướng thời đại, vẫn có những bạn chọn con đường phát triển dựa trên truyền thống, văn hóa nước nhà, dung hòa giữa hơi thở của lịch sử, quá khứ với hiện tại.

Võ Nam Du, nhà sáng lập "Sử Talk" (thứ 3 từ trái sang), trong buổi tọa đàm thứ 25 của "Sử Talk" thu hút sự quan tâm đông đảo của các bạn trẻ dù tổ chức cùng ngày với Sea Games

nvcc

Lịch sử nước nhà trong kỷ nguyên trẻ

"Sử Talk", một dự án cộng đồng phi lợi nhuận về chủ đề lịch sử, văn hóa là một trong những ví dụ thực tế cho mức độ nghiêm túc về sự quan tâm của các bạn trẻ đến lĩnh vực lịch sử. Võ Nam Du, 25 tuổi, người sáng lập "Sử Talk", chia sẻ: “Khoảng cuối những năm 2017, mình nhận thấy rất hiếm các cuộc nói chuyện về văn hóa, lịch sử. Nếu như có diễn ra thì là những buổi hội thảo khoa học, thường không dành cho những người ít biết về sử. Từ đó mình quyết định cho dự án 'Sử Talk' ra đời. Đây là không gian để nói về lịch sử, văn hóa không quá chuyên môn, đủ tạo cảm hứng nhưng cũng đủ nâng mức hiểu biết và tư duy của mọi người lên một chút”. Tính đến ngày 22.5, "Sử Talk" đã kết thúc buổi tọa đàm lần thứ 25 với chủ đề "Đại Việt - Nghệ thuật chiến hòa".

Trong khi đó cô gái Hồ Phương Thảo, 30 tuổi, đã dùng sức ảnh hưởng của sân chơi boardgame (thẻ game) để lồng ghép hình ảnh các vị tướng Việt Nam giúp bạn trẻ hiểu thêm về sử thông qua dự án Sử Hộ Vương. Nói về dự án này, Thảo kể: “Tôi có thể nhớ hết các vị tướng thời Tam Quốc Diễn Nghĩa thông qua trò chơi Tam Quốc Sát, vậy tại sao mình không làm một trò chơi tương tự về các vị tướng trong lịch sử nước mình? Nghĩ như vậy và đồng thời may mắn mình nhận được sự ủng hộ của vài người bạn xung quanh nên mình quyết định từ bỏ công việc kinh doanh để thực hiện dự án Sử Hộ Vương”.

Hồ Phương Thảo trong một buổi giao lưu, gặp gỡ về chủ đề văn hóa, lịch sử

khánh vân

Hồ Phương Thảo cũng là đồng tác giả của dự án sách nghệ thuật (artbook) Gánh hát lưu diễn muôn phương (NXB Dân Trí), một tập sách với hình ảnh nghệ thuật về 36 loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội Việt Nam.

Dự án artbook Gánh hát lưu diễn muôn phương mà Hồ Phương Thảo là đồng tác giả

nvcc

Người trẻ có đang thờ ơ với lịch sử?

Trong buổi giao lưu gặp gỡ với chủ đề “Học lịch sử bằng cách nào?”, hơn 90% người tham dự là các bạn Gen Z. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nhà khoa học - chuyên giáo dục, cũng đưa ra quan điểm cá nhân của bà về nhận định “Giới trẻ thờ ơ với lịch sử” hiện nay. “Người trẻ cũng có người như thế này người như thế kia. Sẽ có những bạn quan tâm đến lĩnh vực lịch sử văn hóa và cũng có những bạn quan tâm đến những lĩnh vực khác, thu hút và phù hợp với bạn hơn”.

Theo bà Phượng, những gì các bạn trẻ làm hôm nay không chỉ đơn thuần là tái hiện lại, làm mới lại những giá trị truyền thống xưa mà còn phải phù hợp với quy chuẩn về đạo đức văn hóa, vừa phải mang tính hiện đại để phù hợp với thời đại. Trước khi tái hiện, phục dựng lại bất kỳ dự án lịch sử nào, các bạn vẫn phải xuất phát từ sự quan tâm, tìm tòi và học hỏi không những để hiểu đúng mà còn phải đủ sâu để có thể phục dựng cho đúng với bản chất lịch sử.

Võ Nam Du cũng chia sẻ về hành trình trải nghiệm của mình khi thực hiện tập phim Bình Ngô Đại Cáo thuộc dự án Việt Sử Kiêu Hùng. “Mình cùng với mấy anh em phải bay ra ngoài Bắc, mình đi từ Thanh Hóa, Hà Nội ngược lên Lạng Sơn, rồi ngược về để biết được hành trình đi của nghĩa quân Lam Sơn như thế nào”. Theo Du, không chỉ đi để biết mà còn để có được cảm nhận thực tế và hiểu rõ ý nghĩa từng câu chữ mà sử sách ghi lại. “Mình tìm cách bò lên chỗ vua Lê Lợi ở để hiểu tại sao quân Minh không lên bắt ông được”, Nam Du kể.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng trong buổi giao lưu, gặp gỡ “Học lịch sử bằng cách nào?" diễn ra ngày 18.6

bảo hạo

Như vậy, người trẻ, theo cách riêng của mình vẫn muốn tìm về nguồn cội, vẫn muốn phát huy, lan tỏa và bảo tồn những giá trị lịch sử bằng những dự án, những việc làm thực tế, bằng thế mạnh của mình như đồ họa, làm phim, vẽ tranh, âm nhạc, viết truyện...

Chia sẻ về việc các bạn trẻ đang sáng tạo lại lịch sử nước nhà theo cách riêng của mình, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc cho rằng các bạn trẻ có nhiệm vụ làm mới lại các kiệt tác văn hóa, giá trị lịch sử bằng cách nhìn của ngày hôm nay. Những tiện nghi công nghệ bây giờ cho phép người trẻ làm chuyện đó. "Dù là bằng hình thức, cách thể hiện nào thì cũng không ngoài mục đích lan tỏa và lưu giữ; để những tác phẩm đó sống lại qua cách thể hiện mới, hợp với thời đại mới. Vì vậy những việc các bạn làm rất đáng hoan nghênh", nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.