Nguy hại cho sức khỏe...
Người trẻ bị quyến rủ bởi những làn khói thơm từ thuốc lá điện tử, khá phổ biến hiện nay. Thuốc lá điện tử như là "vật bất ly thân" của người nghiện. Họ mang bên mình mọi lúc mọi nơi, dù là đi làm, đi chơi hay đi học…
Vào cuối năm 2022, tại hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13 - 15 tuổi ở Việt Nam năm 2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã đưa ra con số đáng báo động. Đó là tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24, chiếm 7,3%. Ngoài ra, ở nhóm tuổi học sinh từ 13 – 15 tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, có cả học sinh nam lẫn nữ…
Bác sĩ Đặng Bảo Toàn, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết người hút thuốc lá điện tử có thể gặp nhiều hệ lụy về sức khỏe, gặp những nguy cơ rối loạn tâm trạng, giảm kiểm soát xung động, tác động tiêu cực đến tim, phổi, thận, não… và các cơ quan khác trong cơ thể…
... và những tai nạn bất ngờ
Mới đây, tờ The Independent (Anh) đưa tin, vì thuốc lá điện tử hết pin nên nam thanh niên Dom (29 tuổi) đã cắm sạc cho thiết bị trong một ổ điện gần giường ngủ và sau đó ra khỏi phòng. Thật bất ngờ, thuốc lá điện tử đã phát nổ. Mùi khói nhanh chóng bốc ra từ phòng ngủ và tiếng còi báo cháy hú inh ỏi. Dom cho việc sự việc ấy kinh hoàng, khiến anh vô cùng hoảng hốt.
Thực tế, đó không phải là lần đầu tiên một vụ tai nạn bất ngờ vì thuốc lá điện tử xảy ra. Tạp chí Y học New England (Mỹ) từng thông tin vì mải mê hút thuốc lá điện tử, một chàng trai 17 tuổi ở Mỹ đã gặp thương tích đáng sợ khi bị gãy đôi xương hàm, bay mất răng và miệng không thể khép lại chỉ vì... thuốc lá điện tử phát nổ.
Tháng 2.2019, một chàng trai 24 tuổi cũng ở Mỹ đã tử vong sau khi thuốc lá điện tử phát nổ trên mặt và xé rách một động mạch lớn ở cổ...
Theo kỹ sư điện - điện tử Lê Anh Quốc, Công ty TNHH điện tử BYD (TP.HCM), thuốc lá điện tử là mối họa nguy hiểm đe dọa tính mạng người sử dụng vì pin và mạch điện của thiết bị này có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Anh Quốc cho biết cấu tạo thuốc lá điện tử gồm 3 phần chính: khoang hơi, nơi chứa hợp chất dung dịch tinh dầu, pin. Khi thuốc lá điện tử hết pin, sẽ được sạc điện giống như cách sạc pin cho điện thoại di dộng.
"Pin của thuốc lá điện tử thường là Lithium-ion, có thành phần chứa dung dịch điện ly dễ cháy, được nén với áp suất cao. Nếu khi bị đoản mạch thì hiện tượng phát nổ có thể xảy ra dù cho người dùng không có bất kỳ tác động", anh Quốc cho biết.
Ngoài ra, cũng theo anh Quốc, việc làm rớt thuốc lá điện tử hoặc do sự va chạm trong quá trình sử dụng cũng có thể gây hiện tượng đoản mạch làm cho pin bị biến dạng, dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Một trường hợp khác mà thuốc lá điện tử có thể cháy nổ là vì pin sử dụng kém chất lượng, dễ dàng gây nên hiện tượng đoản mạch. Hay cũng có thể vì sử dụng sai sạc và sai dòng điện áp cho thiết bị thuốc lá điện tử...
Để đề phòng những tai nạn đáng tiếc do thuốc lá điện tử gây ra, anh Quốc chia sẻ: "Không nên hút thuốc lá điện tử, vì ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở nhiều nước đã cấm thiết bị này. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này vì đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe".
Bình luận (0)