Người trẻ nên làm gì khi gặp chuyện bất bình trên phố?

15/05/2018 14:46 GMT+7

Câu chuyện hiệp sĩ tử nạn khi giáp mặt băng cướp xe SH đặt ra câu hỏi, người trẻ nên làm gì khi gặp chuyện bất bình trên phố. Chạy ngay để đảm bảo an toàn cho chính mình hay hô hoán, cứu giúp người gặp nạn?

Cẩn trọng khi cứu người bị tai nạn giao thông
Từng 2 lần suýt bị đánh oan khi đưa người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu, đạo diễn Phạm Công Chính, 35 tuổi, từng công tác tại công ty BHD, quê Nha Trang, Khánh Hòa, sống tại TP.HCM vẫn không bỏ được thói quen, đã có hàng chục lần, anh thấy người gặp nạn trên đường là chạy tới cứu một tay.
Vì bị hiểu lầm là người gây tai nạn, anh Chính từng 2 lần bị người nhà bệnh nhân túm cổ áo, suýt hành hung. Một lần khác, thấy một người phụ nữ bụng bầu lớn ì ạch dắt xe máy trên đường, anh dừng lại đề nghị được dắt giúp, thế nhưng bị ném lại một cái nhìn giận dữ, cảnh giác, anh Chính thấy tổn thương. Tuy nhiên, như đạo diễn sinh năm 1983 nói, “máu” nghĩa hiệp trong người anh đã có sẵn, anh không bỏ được việc cứu người.

Người từng cứu nhiều nạn nhân trong một vụ tai nạn do lùi xe hơi trong Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM hơn 15 năm trước cho biết, để cứu được người khác mà vừa an toàn cho nạn nhân, vừa an toàn cho chính mình, người ra tay cần có kiến thức về y học. “Có những trường hợp đang bị thương nhẹ, nếu sơ cứu không đúng cách còn khiến họ bị nặng hơn. Nếu không biết cách sơ cứu, hãy để nạn nhân nằm yên và gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt”, đạo diễn Phạm Công Chính nói.
Chị Đặng Thị Ngọc Nhâm, 25 tuổi, cựu sinh viên ngành công tác xã hội, Học viện hành chính quốc gia TP.HCM, từng làm chuyên viên P.A (hỗ trợ cá nhân cho người khuyết tật) cũng đồng ý với quan điểm “nên hết sức cẩn trọng với sơ cứu cho người tai nạn nếu bất ngờ gặp ngoài đường”.
Chị Nhâm từng chăm sóc cho một người khuyết tật là hậu quả của việc sơ cứu không đúng cách. Anh chỉ bị tai nạn xe máy ngoài phố, vết thương không quá nghiêm trọng, nhưng một người trong lúc đưa anh vào bệnh viện không đúng cách đã làm tổn thương nặng cột sống khiến anh phải ngồi xe lăn suốt đời.
Nên hô hoán “công an tới” khi gặp cướp
Huấn luyện viên đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia Trương Minh Sang, người nhiều lần cứu giúp nạn nhân bị tai nạn, gặp biến cố trên đường phố cho biết, những nạn nhân đều đang hết sức rối trí, đầu tiên hãy khiến họ bình tĩnh, sau đó tìm phương án cấp cứu nhanh chóng, an toàn nhất.
HLV Trương Minh Sang
“Vợ chồng tôi đang đi trên phố Kim Mã, Hà Nội thì gặp một phụ nữ bụng bầu bị va chạm giao thông, chị bị chảy máu rất nhiều và hoảng loạn vì lo mình bị sảy thai. Chúng tôi đã động viên để chị thật sự bình tĩnh, tìm người nhà để gọi, sau đó gọi xe cấp cứu để chị tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội gần đó”, anh Sang kể lại.
Theo anh Sang, đã và đang có những người khá vô cảm khi thấy tai nạn, biến cố trên đường thì vây quanh thật đông để xem, bình luận, chụp hình, quay clip cho lên facebook, vừa gây tắc đường, ảnh hưởng công tác cấp cứu vừa không giúp được người bị nạn.
Huấn luyện viên đang sống tại Hà Nội cũng cho biết, cách nên làm khi thấy cướp ngoài đường đó là cùng mọi người tri hô “công an tới” để đám cướp bỏ chạy: “Cướp rất manh động, có mang theo vũ khí, nếu chúng ta tiếp cận, đuổi theo đều rất nguy hiểm”.
Trong khi đó, đạo diễn Phạm Công Chính cũng cho rằng, công an, cảnh sát 113 nên phát huy hơn nữa trong việc tuần tra, săn bắt cướp, bảo đảm bình an cho người dân, đồng thời liên kết, trang bị áo giáp cho những hiệp sĩ để họ “danh chính ngôn thuận” hoạt động vì sự bình yên của xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.