Người trẻ nói gì về việc TP.HCM sẽ cấm công chức mặc quần jeans, áo thun?

21/10/2017 13:46 GMT+7

Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức TP.HCM vừa được Sở Nội vụ TP.HCM trình UBND TP.HCM đã thu hút sự chú ý của mọi người, trong đó có nhiều người trẻ.

Nhiều ý kiến đồng tình với các quy định được Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất như: Cán bộ công chức phải có tác phong làm việc nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp. Sử dụng ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt, đồng thời không tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu không đúng thẩm quyền. Hay các công chức không sử dụng bia rượu, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực cũng như không hút thuốc lá trong khuôn viên của trụ sở cơ quan, phòng làm việc, phòng họp và hội trường…
Tuy nhiên, với đề xuất quy định trang phục làm việc của nam là quần tây áo sơ mi, nữ quần tây, váy dài, chiều dài tối thiểu ngang gối, áo sơ mi có tay, comple, áo dài truyền thống. Và các công chức trong giờ làm việc không được mặc quần jeans áo thun, trừ trường hợp tham gia các hoạt động, sự kiện của cơ quan đơn vị... đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Có nhiều người ủng hộ và cho rằng là công chức thì không nên mặc áo thun, quần jeans đi làm. Bởi mặc đồ như vậy thể hiện sự không nghiêm túc khi làm việc. "Người công chức thường xuyên tiếp xúc và làm việc với người dân. Nên tôi nghĩ quy định này là hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự lịch sự, đàng hoàng, trang trọng", Thành Tuấn (29 tuổi, làm việc ở UBND Q.8, TP.HCM) cho biết.
Thế nhưng vẫn có những ý kiến không đồng tình. Một công chức trẻ làm việc ở P.15 (Q.10, TP.HCM) cho rằng: "Trang phục của cán bộ và chất lượng phục vụ của họ không hề liên quan đến nhau. Chính vì thế quy định này là không cần thiết. Tôi cho rằng điều này hơi cứng nhắc".
Anh Nguyễn Tiến Danh, Trưởng phòng thể dục thể thao và kỹ năng thực hành xã hội (Nhà văn hóa thanh niên TP.HCM) cho rằng: “Theo tôi thì còn phải tùy vào nội dung công việc chứ không nên quy định một cách cứng nhắc như thế. Đặc thù công việc của chúng tôi khi làm việc là cũng tiếp xúc với giới trẻ để hướng dẫn các bạn tập luyện về kỹ năng, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao… nếu mặc mặc những bộ đồ đồng phục thì rất khó làm việc. Tôi nghĩ, chỉ khi nào hội họp, chào cờ thì ta mới không nên mặc quần jeans, áo thun”.

tin liên quan

Cuộc sống chật vật với đồng lương công chức
Sau bài viết về thực trạng Lương công chức có đủ sống?, chúng tôi tiếp tục ghi nhận được những ý kiến của nhiều người xung quanh vấn đề này. Hầu hết ý kiến cho rằng, với đồng lương công chức như hiện nay thì cuộc sống của gia đình họ rất chật vật….
Anh Dương Trọng Phúc, Phó giám đốc Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, nói: “Tôi nghĩ quy định này nên áp dụng vào những cơ quan hành chính, công sở thì được. Tuy nhiên, những công việc, ngành nghề đặc thù thì không nên. Chẳng hạn như, công việc hiện tại của chúng tôi mỗi ngày là tiếp xúc, giao lưu với giới trẻ thì buộc mình phải hòa đồng với các bạn. Chứ mình ăn mặc có khoảng cách quá thì làm sao hòa đồng với giới trẻ được chứ”.
Còn anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng đời sống học sinh, sinh viên (Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM) cho biết: “Theo tôi đây là quy định quá cứng nhắc và cần phải có những linh hoạt hơn cho từng công việc, ngành nghề chứ không thể quy định bao trùm hết như thế được”.

tin liên quan

TP.HCM đề xuất cấm cán bộ, công chức mặc quần jeans, áo thun khi làm việc
Ngày 20.10, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung cho biết Sở đã trình UBND TP bộ quy tắc ứng xử, áp dụng cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội.
Ngoài ra, có những quy định như: Khi giao tiếp qua điện thoại, công chức phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan mình công tác, không được tỏ thái độ thiếu lịch sự, gắt gỏng, nói trống không, không ngắt điện thoại đột ngột; Không tổ chức tiệc thăng chức xa hoa; Trong quan hệ ứng xử gia đình, không được tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức và các hoạt động khác của bản thân và gia đình xa hoa, lãng phí, vì mục đích vụ lợi... cũng vấp phải những quan điểm nghi ngại: "Rồi ai, đơn vị nào sẽ giám sát những vấn đề này?", "Quy định thì quy định vậy thôi, nhưng chắc chắn là khó lập biên bản xử lý được"...
Được biết quy định này sẽ áp dụng cho cán bộ công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.