“Tôi dành hơn 4 năm để lấy tấm bằng đại học. Đó là ước mơ của bố mẹ. Giờ thì tôi sẽ thực hiện ước mơ của mình - làm đầu bếp”.
“Hai năm học y dược đã quá đủ rồi, tôi phải chấp nhận sự thật là chỉ có theo đuổi hội họa mới làm tôi vui”. “Từ bỏ sự nghiệp để chăm sóc gia đình là điều mọi người thích ở tôi, nhưng tôi thì không”. Những lời tâm sự với 2 vế đối nghịch nhau như thế này, tôi đã nghe từ rất nhiều những người trẻ. Có người đã chọn một hướng đi mới, có người vẫn miệt mài chạy theo kỳ vọng của người khác. “Người khác” đó có thể là bố mẹ, họ hàng, hàng xóm, hay bất kỳ ai không phải là chính họ.
Sulli, Goo Hara - những thần tượng K-Pop có gần như tất cả những thứ người khác mong ước: nhan sắc, tài năng, sự nổi tiếng, giàu có,… Nhưng rồi họ đã chọn từ giã cuộc đời, phải chăng vì nó không tươi đẹp như họ thực sự muốn? Phải chăng vì họ đã quá áp lực, quá mệt mỏi trước tất cả những phán xét, áp lực và kỳ vọng?
|
Kỳ vọng của người khác là một điều gì đó mơ hồ, luôn thay đổi và không giới hạn. Đó là một đề bài không có đáp án và bạn thì cứ mải chạy theo nó, không hồi kết, không lối thoát. Và rồi bạn chẳng thể làm hài lòng ai, ngay cả chính bạn. Ngay cả khi chạm đến kỳ vọng đó, bạn cũng không hạnh phúc, vì nó chưa từng là điều bạn yêu thích.
Chúng tôi, sau nhiều cuộc đua đến kiệt sức với thứ gọi là “kỳ vọng” đã rút ra kết luận: Phải sống thuận bản thân! Sống thuận bản thân chẳng phải là lối sống ích kỷ, khư khư làm theo ý mình mà hãy nghĩ đơn giản, đó là yêu mình, thương mình, tôn trọng cảm xúc và trân quý nỗ lực của bản thân.
Sống thuận bản thân chính là chấp nhận phiên bản đầy đủ của chính mình, bao gồm ưu điểm và khiếm khuyết. Sống thuận bản thân là loại bỏ kỳ vọng của người khác ra khỏi cuộc đời của mình và học cách bày tỏ suy nghĩ. Đôi khi mọi người xung quanh có thể đi quá giới hạn. Dù họ vô tình hay cố ý, nếu không hài lòng, tôi sẽ phản ứng. Không xù lông, không cáu gắt, tôi chỉ đơn giản muốn họ hiểu, không ai có quyền can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của người khác.
Loại bỏ các kỳ vọng không có nghĩa là tôi hạ thấp bản thân mà là để loại bỏ áp lực không cần thiết. Chỉ khi chúng ta được thư giãn, chúng ta mới có thể làm hết sức mình.
Điều cuối cùng, hãy rèn luyện sự vị tha với chính mình. Bất kể ai trong chúng ta cũng có sai lầm, có vấp ngã, có áp lực, thậm chí có những quyết định ngu xuẩn, nhưng xin đừng quá gay gắt với chính mình. Hãy thả lỏng, hít thở sâu và học cách tha thứ, tha thứ cho những định kiến của người đời, tha thứ cho sự trẻ dại, nông nỗi của bản thân. Chúng ta đều cần phải học mỗi ngày để trở nên hạnh phúc hơn. Học thật chậm rãi và sống thuận bản thân để hành trình đó nhẹ nhàng và nhiều niềm vui hơn nhé, những người trẻ!
Bình luận (0)