Ngạc nhiên với quy trình xử lý rác
Ngày 26.6, thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam đã đưa 34 đại biểu thuộc 11 quốc gia Đông Nam Á đến tham quan VWS. Đây là những đại biểu trẻ đến Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế về công nghệ xanh. Đại học Fulbright chọn VWS để các đại biểu tham quan vì nơi đây có ứng dụng công nghệ xanh trong xử lý môi trường.
Đón tiếp đoàn, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS giới thiệu về quá trình thành lập và quy trình xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM) như: nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy tái chế, nhà máy sản xuất phân compost...
Hiện mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý hơn 6.000 tấn rác cho TP.HCM theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác VWS xử lý mỗi ngày chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải của TP.HCM. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…
Sau đó, đoàn tiếp tục tham quan thực tế các quy trình xử lý chất thải, nước rỉ rác, công nghệ biến rác thành điện…
Anh Trần Quyết Thắng (25 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, rất ngạc nhiên khi tham quan mô hình xử lý rác tại VWS vì hệ thống được đầu tư bài bản, kỹ thuật hiện đại.
"Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo VWS, tôi được biết hầu hết rác thải của TP.HCM đều được đưa về đây để xử lý. Nơi này không chỉ tiếp nhận rác, mà còn đưa vào hệ thống phân tách, xử lý cả nước thải lẫn khí thải, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường như khí metan, CO2… Từ đó giúp Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero (không còn phát thải vào năm 2050)", anh Thắng nói.
Trước khi đến VWS, anh Thắng nói rằng, chỉ biết sơ lược một vài phương thức xử lý rác thải truyền thống như xây các bãi chôn lấp tập trung với chi phí thấp. Tuy nhiên điều này có tác hại không tốt với môi trường, ảnh hưởng mạch nước ngầm.
Vì vậy khi được tham quan mô hình xử lý rác thải hiện đại này, anh Thắng và các đại biểu tham dự đều rất ngạc nhiên và ấn tượng. "Sau chuyến tham quan, khi trở lại Hà Nội và tiếp tục công việc của mình, tôi mong muốn có thể đề xuất những sáng kiến liên quan đến việc ứng dụng công nghệ trong việc xử lý rác thải, chất thải", anh Thắng cho biết.
Còn chị Lê Thúy Quỳnh chia sẻ, trước khi đến VWS, chị không có nhiều kỳ vọng lắm nhưng khi được tận mắt thấy các quy trình xử lý rác thải, chị hoàn toàn bị thuyết phục.
"Chúng tôi đang thực hiện một dự án liên quan đến kết hợp giữa blockchain (cơ sở dữ liệu) và nông nghiệp, trong đó có nông trại bền vững. Khi tham quan những mô hình xử lý chất thải đang vận hành tại VWS, chúng tôi có thêm kiến thức để có thể ứng dụng một phần công nghệ tại VWS để chuyển đổi phù hợp với quy mô nhỏ hơn như tại nông trại của chúng tôi", chị Quỳnh kỳ vọng.
Luôn luôn chào đón
VWS không chỉ là nơi tham quan mô hình xanh trong việc xử lý chất thải của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia, mà còn là nơi bổ sung kiến thức thực tiễn cho nhiều sinh viên tại TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước.
Ngày 25.6, gần 60 sinh viên Trường đại học Cần Thơ đến tham quan, trải nghiệm thực tế. Từ đầu năm 2024 đến nay, VWS đã đón hàng chục học sinh, sinh viên từ tiểu học đến đại học, các nghiên cứu sinh trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu mô hình về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…
Bà Huỳnh Lan Phương, Phó tổng giám đốc VWS cho biết, trong nhiều năm qua, VWS luôn tiên phong và tự tin là công ty về môi trường đầu tiên ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thu hút các bạn trẻ, học sinh sinh viên, các đơn vị đến tham quan và trải nghiệm thực tế.
"Công ty VWS luôn trân trọng, mở cửa chào đón các bạn trẻ từ học sinh đến các bạn sinh viên đại học của Việt Nam và quốc tế, các đoàn viên thanh niên, các đơn vị đến tham quan, học tập, tìm hiểu quy trình xử lý rác. Chúng tôi mong rằng mô hình của VWS sẽ được nhân rộng, người dân có cái nhìn thấu đáo hơn về bảo vệ môi trường, nhất là học sinh sinh viên... Được biết, đầu năm 2025, Việt Nam sẽ áp dụng bắt buộc việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tôi mong rằng việc triển khai thực hiện sẽ đạt hiệu quả để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống", bà Phương nói.
Năm 2007, VWS được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (H.Bình Chánh) tiếp nhận, xử lý rác cho TP.HCM. Hiện tại, dự án đang hoạt động, tiếp nhận xử lý hơn 6.000 tấn rác/ngày cho TP.HCM.
VWS cũng đang đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện đặt tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước. Công suất của nhà máy đốt rác phát điện dự kiến xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày, đây là số lượng rác còn lại sau khi đã phân loại để tái chế, làm phân hữu cơ. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án dự kiến là 420 - 750 triệu USD.
Bên cạnh đó, VWS cũng đang triển khai dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại khu chôn lấp đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi.
Bình luận (0)