Người trẻ thay đổi ý thức khi tham gia giao thông

16/01/2025 07:42 GMT+7

Qua những ngày đầu thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đại bộ phận người trẻ đã có ý thức hơn khi tham gia giao thông. Xác định "an toàn giao thông là trên hết", người trẻ đang dần góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn.

Cẩn thận hơn

Trước kia, chuyện đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang đỏ nhưng nhiều người vẫn cố tình bám đuôi nhau để vượt hay leo vỉa hè, chạy ngược chiều vào những lúc tắc đường là cảnh phổ biến tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau một tuần Nghị định 168 chính thức có hiệu lực thì tình trạng nói trên đã có biến chuyển. Hình ảnh bây giờ là dòng người xếp hàng thẳng tắp trước vạch dừng mỗi khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang đỏ, thậm chí dù đèn tín hiệu xanh vẫn còn hiển thị 1 - 3 giây, nhưng nhiều người cũng giảm tốc độ và từ từ dừng xe.

Người trẻ thay đổi ý thức khi tham gia giao thông- Ảnh 1.

Ý thức tham gia giao thông của nhiều người đã tốt hơn từ khi có Nghị định 168

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Lý do mình chấp hành luật giao thông tuyệt đối không phải vì chuyện đóng phạt. Nếu mình không chấp hành nghiêm chỉnh thì tai nạn ập đến bất cứ lúc nào, lúc đó đóng phạt là chuyện nhỏ, tính mạng của mình là chuyện lớn hơn rất nhiều.

Nguyễn Hữu Hiệp (24 tuổi, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM)

Theo ghi nhận tại một số tuyến đường trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, tình trạng sinh viên vi phạm luật giao thông đã được cải thiện đáng kể. Những trường hợp sinh viên vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều hay không đội nón bảo hiểm đã không còn.

Phạm Xuân Phước, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chia sẻ từ sau Nghị định 168, bản thân đã nghiêm túc chấp hành luật giao thông. "Mỗi lần tham gia giao thông là mình vô cùng thận trọng, nghiêm túc chấp hành luật chứ không dám liều như trước nữa", Phước cho hay.

Nam sinh này cho biết trước kia thỉnh thoảng vì quá vội và muốn rút ngắn quãng đường di chuyển nên có đi ngược chiều khoảng vài mét. Tuy nhiên, từ đầu năm nay Phước không dám đi tắt như vậy nữa. "Không chỉ riêng mình mà nhiều sinh viên cũng đã thay đổi thói quen xấu khi tham gia giao thông. Theo mình quan sát thì những ngày gần đây, văn hóa khi tham gia giao thông của nhiều sinh viên ở khu vực làng ĐH thay đổi rất tích cực", Phước nói.

Hằng ngày phải đi quãng đường hơn 25 km từ Q.Bình Tân đến công ty ở Q.10, TP.HCM và ngược lại, Nguyễn Thanh An (26 tuổi) cho biết: "Nhìn vào mức tiền phạt mà mình tự răn đe bản thân. Lúc trước, đường mà vắng là cứ chạy cho nhanh, nhưng dạo này mình không dám nữa. Lúc nào đi đường mình cũng chú ý quan sát biển báo tốc độ tối đa cho phép; gần tới cột đèn tín hiệu giao thông thì mình hạ ga, đi chậm lại chứ không dám chạy nhanh. Vì mình sợ nếu đèn chuyển màu là xử lý không kịp, dính lỗi vượt đèn đỏ thì toang".

Người trẻ thay đổi ý thức khi tham gia giao thông- Ảnh 2.

Nhiều người đã từ bỏ thói quen leo lề khi kẹt xe

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Cũng từ sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, An đã hình thành cho mình thói quen mới. Khoảng một tuần trở lại đây, ngày nào anh cũng tra cứu lỗi trên hệ thống phạt nguội. "Dù đã rất cẩn thận nhưng mình cũng sợ vô tình dính phải lỗi vi phạm nào đó. Mình khá lo lắng vì nếu không may phạm luật thì không chỉ mất tiền mà còn bị trừ điểm giấy phép lái xe nữa", An chia sẻ.

Còn Nguyễn Hữu Hiệp (24 tuổi, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM), thì cho biết trước khi tăng mức phạt đã có ý thức tuân thủ luật khi tham gia giao thông, nhưng từ khi có quy định mới anh càng cẩn thận hơn. "Luật mới có những quy định mới nên mình phải cập nhật để tránh những vi phạm không đáng có. Đặc biệt các mức phạt cũng tăng lên khá cao nên khi tham gia giao thông mình cũng chú ý và cẩn trọng hơn rất nhiều", Hiệp nói.

Chàng trai này chia sẻ thêm: "Nếu trước kia mình mặc định luôn rẽ phải khi đèn đỏ thì giờ đây thói quen đó không còn nữa. Thay vào đó mình chỉ rẽ phải ở những giao lộ có biển báo cho phép rẽ. Lúc trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu vàng mình cũng ráng chạy nhanh qua để không phải dừng đèn đỏ. Hơn nữa, nếu lúc đó mà dừng lại thì kiểu gì cũng bị người đi sau chửi vì họ cũng muốn vượt. Tuy nhiên, bây giờ khi có đèn vàng mình hạ ga và dừng lại chứ không vượt nữa".

"Lý do mình chấp hành luật giao thông tuyệt đối không phải vì chuyện đóng phạt. Nếu mình không chấp hành nghiêm chỉnh thì tai nạn ập đến bất cứ lúc nào, lúc đó đóng phạt là chuyện nhỏ, tính mạng của mình là chuyện lớn hơn rất nhiều", Hiệp nói.

Đảm bảo an toàn cho bản thân và trách nhiệm với xã hội

Bùi Mạnh Tùng (24 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM), tài xế công nghệ của hãng Shopee, cho biết từ sau khi mức phạt các lỗi vi phạm được điều chỉnh tăng gấp nhiều lần, anh đã tham gia giao thông một cách cẩn thận và chấp hành luật nghiêm chỉnh hơn.

"Công việc của mình là shipper nên nhiều lúc vì vội, sợ giao đơn trễ cho khách mà hình thành thói quen xấu là leo lề để chạy hay nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại để xem đường. Thế nhưng, sau khi Nghị định 168 ra đời, mình dần bỏ hết các thói quen xấu khi chạy xe. Chẳng hạn đang kẹt xe, dù rất bực bội mà vỉa hè bên cạnh rộng thênh thang mình cũng không dám leo lề", Tùng chia sẻ.

Người trẻ thay đổi ý thức khi tham gia giao thông- Ảnh 3.

Tình trạng leo lề vào giờ cao điểm được cải thiện đáng kể

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Với Tùng, việc chấp hành luật giao thông còn là trách nhiệm để bảo vệ bản thân và người khác. "Mặc dù những ngày này tình trạng kẹt xe rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến công việc của mình, nhưng đã là luật thì phải chấp hành. Mình tin rằng nếu ai cũng chấp hành luật tốt, không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều hay leo lề thì sẽ góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc", Tùng nói.

Còn anh Nguyễn Văn Hẹ (33 tuổi, bảo vệ tại một tòa nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) cho biết trước khi áp dụng Nghị định 168, cứ mỗi giờ tan tầm là lại chứng kiến nhiều người điều khiển xe máy leo vỉa hè và phóng vèo vèo, khiến phần đường dành cho người đi bộ không khác gì mặt đường để phương tiện lưu thông. "Nhiều người vì nóng vội, muốn đi nhanh nên bất chấp leo lề để chạy", anh Hẹ nói.

Thế nhưng, gần đây anh cho biết tình trạng leo lề không còn. "Mức phạt nặng như vậy mà nếu không tuân thủ luật pháp thì dễ mất tháng lương. Tôi ủng hộ nghị định này, luật pháp phải nghiêm thì mới đủ sức răn đe. Nhiều người nói mức phạt như vậy là quá cao nhưng nếu mình đi đúng luật, không vi phạm thì ai phạt được mình. Việc chấp hành luật giao thông tốt không chỉ đảm bảo an toàn cho mình mà còn cho người thân và trách nhiệm với xã hội. Chạy ẩu, vượt đèn đỏ nếu xảy ra tai nạn thì không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn gây tai họa cho người khác", anh Hẹ bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.