Người trẻ theo nghề múa lân: ‘Năm nào ăn tết với gia đình là… buồn lắm’

30/01/2022 14:09 GMT+7

Với những người trẻ theo nghề múa lân sư rồng, việc được biểu diễn trong những ngày tết là niềm vui khôn tả.

Mỗi buổi tối, đoàn lân sư rồng Hùng Dũng Đường đều chăm chỉ luyện tập

Đúng 20 giờ, tại Trung tâm văn hóa thể dục thể thao Q.Bình Tân, TP.HCM, hơn 20 thành viên đoàn nghệ thuật lân sư rồng (LSR) Hùng Dũng Đường lại tất bật tập luyện những bài múa lân để có thể trình diễn tốt nhất trong dịp Tết Nguyên Đán 2022.

Chủ yếu kiếm tiền ngày tết

Trưởng đoàn Đặng Bá Kiên (36 tuổi) cho biết các thành viên tập luyện 2 giờ/ngày để nắm vững bài cũng như rèn luyện thể lực. “Chúng tôi chủ yếu kiếm tiền vào dịp tết, từ ngày 29 âm lịch cho hết mùng 4 tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị hoặc cửa hàng”, anh nói.

Anh Kiên (áo trắng) tất bật hướng dẫn luyện tập cùng thành viên trong đoàn múa lân

Dù mọi người tập luyện, chuẩn bị chu đáo nhưng anh Kiên vẫn lo ngại tình hình dịch diễn biến phức tạp, khiến đoàn không thể biểu diễn, xem như thất thu trong dịp tết.

“Năm nào mà ăn tết cùng gia đình là chúng tôi buồn lắm. Vào đợt xuân 2021, cả đoàn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khi đó, nhiều khách đã chốt lịch nhưng sau đó hàng loạt show bị hủy và chỉ còn vài buổi diễn vào mùng 4, 6, 8”, anh Kiên chia sẻ.

Anh Kiên (áo trắng) mong muốn đoàn được biểu diễn xuyên suốt các ngày tết

Hăng say hướng dẫn đàn em trong buổi tập múa lân, anh Trương Vĩnh Phúc, một thành viên 31 tuổi của đoàn LSR Hùng Dũng Đường, cho hay anh theo nghề từ hồi còn học lớp 5 và đến nay được 15 năm. Theo anh, niềm vui lớn nhất là được đi diễn vào các ngày tết và tham gia những cuộc thi.

Với công việc chính là người giao hàng, anh Phúc kể: “Hơn 4 tháng ở nhà vì giãn cách xã hội, tôi đã chán lắm rồi và giờ đoàn LSR chỉ có thể 'sống sót' được chủ yếu nhờ vào mấy ngày tết, nếu đợt này không được diễn thì buồn lắm”.

Anh Phúc hướng dẫn cho các bạn mới vào nghề

Anh chàng 31 tuổi nói tiếp: “Lúc đi diễn thấy gia đình người ta sum họp thì mình cũng buồn, nhưng suy nghĩ lại cuộc sống của mỗi người mỗi khác. Tôi đam mê múa lân, cứ biểu diễn, đem lại tiếng cười cho họ là vui rồi. Qua mùa tết thì chúng tôi mới bắt đầu đón tết với gia đình”.

Những người trẻ múa lân không có cái tết trọn vẹn cùng với gia đình

Công việc chính của trưởng đoàn LSR Đặng Bá Kiên là nhân viên văn phòng ở một công ty chuyên mua bán thiết bị vệ sinh. Anh đam mê múa lân từ nhỏ và đoàn LSR Hùng Dũng Đường là do ba anh thành lập vào năm 1982.

“Các bạn trẻ biết đến đội lân thông qua mạng xã hội, các buổi biểu diễn rồi xin vào học và theo nghề. Ở đây, mọi người truyền đạt kinh nghiệm biểu diễn cho nhau. Lúc đầu các thành viên tập thể lực, rèn luyện sức khỏe cho đến khi nào thuần thục động tác thì được biểu diễn mai hoa thung. Một số thành viên đi theo hỗ trợ, làm ông Địa, đánh trống cái, phèng la, chập chọe…”, anh Kiên chia sẻ.

Video luyện tập múa lân

Mỗi mùa tết có thể kiếm được 10 triệu đồng

Hiện đoàn LSR của anh Kiên có gần 30 thành viên, chủ yếu là các bạn trẻ, bao gồm cả học sinh trung học. Mỗi thành viên đều có công việc chính khác nhau, người đi làm hồ, làm công, xe ôm công nghệ, giao hàng… nhưng tất cả đều có đam mê chung là múa lân.

Ngoài giờ học ở nhà, Nguyễn Ngọc Phú Khang (áo xanh), 15 tuổi, học sinh Trường THCS Đoàn Kết, TP.HCM, chọn việc tập luyện múa lân để có sức khỏe cũng như theo đuổi đam mê

Sau khi kết thúc một ngày đi giao hàng, Hồ Trần Minh Dũng, 24 tuổi, ngụ Q.11- TP.HCM, đều dành khoảng hai giờ để tập múa lân và đến nay đã theo nghề đoàn LSR Hùng Dũng Đường hơn 12 năm. “Tiền kiếm được thì không có bao nhiêu nhưng đó là đam mê của tôi”, Dũng nói.

Từ khi bước vào đội lân, Dũng chăm chỉ tập thể lực để có thể thực hiện những động tác khó như trèo múa trên cây cao, múa mai hoa thung (trên các trụ sắt cao 2 - 3 mét). "Tùy vào khả năng nhạy bén của mỗi người mà họ học nhanh hay chậm. Với tôi, nghề này khá nguy hiểm, chuyện xui rủi khó đoán được vì nhảy cứng bao nhiêu cũng có thể gặp trục trặc và té ngã”, Dũng cho hay.

Theo anh Dũng, nếu dịch Covid-19 không bùng phát thì mỗi đợt tết trung bình mỗi thành viên trong đoàn biểu diễn mai hoa thung có thể kiếm được 10 triệu đồng, riêng anh có thêm nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

“Hơn 12 năm qua, tôi và anh em trong đoàn luôn đón tết cùng nhau. Mỗi người thường hỗ trợ chỗ ăn, nơi ngủ cho ai ở xa nhà. Chúng tôi không cùng chung huyết thống, nhưng có chung 'dòng máu' là yêu nghề múa lân”, anh Dũng tâm sự.

Ngoài nguồn thu nhập từ công việc chính, anh Dũng còn kiếm thêm hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ đi múa lân

Dũng kể thêm: “Mọi người gặp chấn thương trong lúc tập là như cơm bữa. Những ngày đầu tập mai hoa thung, tôi có cảm giác sợ và chưa đủ tin tưởng bạn múa cùng. Sau khi thuần thục thì hai người nhảy ổn hơn, nhưng cũng có lần tôi bị trật sơ mi chân, mất một tuần mới phục hồi được nhờ vào bài thuốc gia truyền của đoàn”.

Anh Dũng tập luyện gần 6 năm mới có thể múa mai hoa thung thuần thục

Nghề múa lân đòi hỏi sự gan dạ và hành động quyết đoán

Chàng trai 24 tuổi cho hay nghề múa lân đòi hỏi sự gan dạ, hành động quyết đoán và độ chính xác cao. Để có màn trình diễn ấn tượng, người múa lân không chỉ có kỹ thuật tốt mà còn phải thả hồn vào những chú lân. Nhiều lúc anh Dũng phải thực hiện động tác con lân té để khán giả hào hứng hơn.

Biểu diễn LSR cũng đòi hỏi người múa phải có thể lực tốt. Trong giải thi đấu, một bài biểu diễn chỉ kéo dài 10 phút nhưng người múa lân phải luyện tập xuyên suốt cả năm, theo anh Dũng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.