Đến thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp trong một ngày đẹp trời, chúng tôi chỉ cần hỏi người dân ở đó một câu ngắn gọn: “Dạ, có biết ông lão thích màu tím không ạ”, dường như ai cũng chỉ về hướng ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông vì đó là nơi ông Trần Văn Tiếp sinh sống.
Tím toàn tập
Chỉ còn vài trăm mét nữa đến, nhưng căn nhà màu tím nổi bật của ông đã khiến chúng tôi háo hức thêm phần nào. Vừa tới nơi, chúng tôi ấn tượng với chiếc cổng cùng với tấm bảng hiệu kinh doanh hoa của ông màu tím rịm. Bước thẳng vào bên trong, chúng tôi được chào đón bằng nụ cười ấp áp của lão nông 70 tuổi này cùng câu nói “Cứ vô trong nhà tham quan đại đi, khỏi bỏ dép cũng được”.
|
Từ chiếc bàn, chiếc xe, cái tủ, cái quạt máy, cái áo, cái đồng hồ nhỏ nhắn nằm trên tay ông lão cho đến khu vườn đa số toàn những loại hoa điều là “tím toàn tập”.
Chị Nguyễn Thu Nhớ, 31 tuổi ngụ Q.Thủ Đức (TP.HCM) lật đật chạy tới leo lên chiếc xe máy màu tím góc sân vườn để người bạn chụp hình lưu niệm. Vừa bước khỏi chiếc xe, chị Nhớ hài hước nói “hình mà xấu là giận tím người”.
“Bản thân mình cũng là người yêu màu tím nên khi thấy một không gian toàn màu tím thì khá bất ngờ và vô cùng thích. Mình “check in” rất nhiều nơi trong nhà và đặc biệt là chiếc xe màu tím của chú. Mình cũng thấy xe rất nhiều màu nhưng màu tím cả xe, nón tím thì giờ mình mới thấy” ,chị Thu Nhớ chia sẻ.
|
Trong khí đó, Huỳnh Thanh Nhàn, 20 tuổi, học tại trường Nhật ngữ Esuhai Q.Tân Bình TP.HCM cho biết: "Lần trước có dịp đi du lịch ở Đồng Tháp, mình có được ghé thăm nhà của ông. Phải nói mình rất là bất ngờ vì ở miền Tây lại có ông lão xây căn nhà với vườn cây cùng tất cả đồ đạc trong nhà điều màu tím. Còn ông thì rất là nhiệt tình, khi thấy tụi mình tới thì ông rất là cởi mở dẫn tụi mình tham quan khắp khu vườn cũng như giới thiệu những điểm độc lạ trong ngôi nhà của ông
“Trong một môi trường thành thị đầy khói bụi và cuộc sống đầy bận rộn mà mình được về miền quê,, được gặp một lão nông đón tiếp như vậy, mình thấy rất vui, thấy ý nghĩa khi được nghe câu chuyện của ông về ngôi nhà, đây là ước mơ của ông từ khi còn trẻ”, Nhàn tâm sự.
Sẵn sàng giúp người trẻ lập nghiệp với hoa kiểng
Không chỉ kinh doanh hoa, ông Tiếp còn sẵn sàng giúp đỡ những thanh niên có nguyện vọng đi theo nghề trồng hoa kiểng này.
Anh Nguyễn Vũ Anh Khoa, 25 tuổi ngụ phường Tân Lợi, TP. Cần Thơ tốt nghiệp trường ĐH Cần Thơ, Chuyên ngành Hoa viên cây cảnh (khóa 2012 - 2016), cho biết: " Hồi đó mình cũng có học rất nhiều về nội dung sinh trưởng, sinh lý của cây nhưng mình áp dụng trồng thực tế thì thất bại, may mắn mình được thực tập tại nhà bác Tiếp và học hỏi thêm các bác nông dân xung quanh về kinh nghiệm trồng hoa, mua bán hoa kiểng như thế nào".
“Nghề này quan trọng nhất là việc học hỏi từ những người đi trước.Thường những người nông dân ở dây họ lớn tuổi hết rồi, chỉ cần mình hỏi họ là họ trả lời, chỉ dẫn một cách vui vẻ lắm chứ họ không có dấu nghề đâu”, anh Khoa cho biết.
Ông Trần Văn Tiếp chia sẻ: “Bắt đầu thập niên 80, tôi đã về khu vực Tân Khánh Đông. Hồi đó khu này vắng lặng như tờ, xung quanh toàn là ruộng, nó buồn chí tử. Lúc đó còn đèn dầu chưa có đèn điện. 4 giờ chiều là đóng cửa lại hết, sợ ma nữa , tôi bắt đầu “dụ” mấy thanh niên lại chơi, uống trà đàm đạo rồi tôi chỉ cách trồng hoa, cho giống về tập làm”.
Ông Tiếp cho biết, hằng năm có rất nhiều các bạn sinh viên đam mê hoa đến từ các trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm về tìm ông để hướng dẫn “khởi nghiệp”.
|
|
|
|
“Bây giờ tôi già rồi những gì tôi biết được trên đời tôi muốn truyền lại cho người trẻ để họ có những ý thức sống và làm đẹp cho xã hội. Tôi hướng dẫn từ “A đến Z”, từ chỗ để làm giàn bông, sinh lý bông nó như thế nào, bán bao nhiêu tiền luôn”, ông Tiếp chia sẻ.
Ông Tiếp tâm sự: " Tôi sẵn sàng chia sẻ những bí quyết mà tôi tích lũy được . Tôi không sợ người ta giỏi hơn mình, hay lấy bí quyết kinh doanh gì. Tôi chỉ được tôi mừng lắm, tôi muốn làng hoa Sa Đéc này càng ngày càng tươi đẹp, càng ngày nhiều khách đến làng hoa phải hít hà vì hoa có nhiều màu sắc rực rỡ, cùng nhau làm giàu thì làng hoa mới tươi đẹp được.
Ông Tiếp nhấn mạnh, bây giờ công nghệ phát triển nên nghề trồng hoa cũng bớt cực hơn hồi cha ông ta, chỉ cần có đam mê và tận tụy là thành công với nghề.
|
|
|
|
Bắt đầu từ mối tình màu tím
Ông Trần Văn Tiếp chia sẻ trước kia ông là thầy giáo dạy THCS ở TP. HCM. Một lần tình cờ về quê Sa Đéc, thấy một cô gái mặc áo dài màu tím đi trong vườn hoa hồng rất đẹp, ông yêu cô gái này và cưới làm vợ. Cũng chính từ đó, ông Tiếp trở nên yêu màu tím cho đến ngày hôm nay.
Ông Tiếp chia sẻ , tôi rất yêu thích màu tím, cuộc đời tôi gắn liền với màu tím, gắn liền với những cành hoa màu tím ..Tôi luôn miệt mài sưu tầm thêm giống hoa và những vật dụng liên quan đến màu tím.
Hiện tại ông Tiếp kinh doanh hoa đa số là những loại hoa màu tím như hoa lan, hoa thạch thảo, hoa triệu chuông, hoa violet..
“Tôi sản xuất và kinh doanh về hoa kiểng cũng gần 50 năm rồi. Vào những thập niên 70,80 hay 90 tôi trồng những loại hoa cũ nhưng thất bại, bán thì ế ẩm do đó nhiều năm nay tôi chuyển sang các loại hoa mới độc lạ. Tôi lấy cây màu tím làm biểu tượng cho bản thân, và bắt đầu “săn lùng” những dòng hoa màu tím về rồi lai tạo cho ra đời các dòng hoa màu tím độc lạ, trong năm nay tôi bán được gần 30.000 chậu hoa về màu tím”, ông Tiếp cho biết.
|
Bình luận (0)