Chợ Bình Điền, Q.8, TP.HCM được xem là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam khi mỗi ngày đêm có cả chục ngàn lượt phương tiện cùng nhiều hàng hóa từ các tỉnh thành đổ về.
Những người trẻ tình nguyện tiếp sức chống dịch Covid-19 đã gửi đơn tình nguyện về Thành đoàn TP.HCM và chia ca, túc trực tại chợ đầu mối khổng lồ này từ 6 - 20 giờ mỗi ngày.
Người đến từ điểm nóng Gò Vấp…
8 giờ sáng, dòng xe máy từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đổ về chợ Bình Điền nườm nượp. Nguyễn Tấn Giàu, sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, luôn tay kiểm tra và thu lại các tờ khai báo y tế, đóng dấu mộc “Đã khai báo” cho những người vào chợ.
Một số người trẻ rành công nghệ đã có thể khai báo bằng điện thoại thông minh, Giàu chỉ việc kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều người lần đầu đi chợ đầu mối hoặc nhiều lao động khó khăn không biết chữ, không có số điện thoại, không nhớ cả địa chỉ nhà trọ, Giàu đều kiên nhẫn hướng dẫn, làm sao để tất cả thông tin người ra vào chợ đều được lưu lại, tiện cho quá trình theo dõi, phòng chống dịch bệnh. Anh làm việc suốt từ 6 - 14 giờ hoặc 14 - 20 giờ, trừ những lúc ăn cơm.
Đây không phải lần đầu tình nguyện tham gia chống Covid-19 của Giàu, chàng trai 21 tuổi này những ngày trước đã trực tại các chốt ra vào Q.Gò Vấp, khi nơi này đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vì có nhiều ca nhiễm.
Giàu nói về lý do anh xông pha vào các điểm nóng chống dịch: “Mình muốn đóng góp sức trẻ cho cộng đồng. Lợi thế là người mê thể thao, rèn luyện thể chất thường xuyên nên sau 8 tiếng trực chốt liên tục, mình không thấy mệt lắm. Ba mẹ biết mình đi tình nguyện cũng lo, nhưng mình nói cho ba mẹ hiểu ý nghĩa việc mình làm và mình có bảo hộ kín từ đầu tới chân mà”.
|
Nữ nhi không yếu đuối
Anh Huỳnh Duy Hiếu, Bí thư Đoàn thanh niên chợ Bình Điền, kể trong số 20 tình nguyện viên đăng ký qua cổng thông tin Thành đoàn TP.HCM để tiếp sức chống dịch tại các chốt chợ, có tới 2/3 là nữ - trái với quan niệm mọi người nói “nữ nhi yếu đuối”.
Tại chốt Bến Đò, cửa ngõ quan trọng vào chợ Bình Điền, sáng 9.6, nắng chang chang, chúng tôi gặp Châu Ngọc Phương Thảo, 21 tuổi, sinh viên năm 4 Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện TP.HCM, đang đo thân nhiệt cho mọi người. Mặc đồ bảo hộ, trán ướt đẫm mồ hôi, Thảo hối hả phát tờ khai báo y tế cho bà con, hướng dẫn mọi người viết đầy đủ thông tin. Một chị cầm tờ giấy, bối rối nói: “Cô không biết chữ…”, Thảo ngồi lại viết giúp.
“Nhà mình ở xã Đa Phước, H.Bình Chánh. Vì yêu thích các hoạt động cộng đồng nên bây giờ dịch Covid-19 đang căng thẳng, mình đăng ký đi hỗ trợ chống dịch. Đây cũng là khu chợ mà mẹ mình và người thân hay ghé tới mua thực phẩm. Mình hỗ trợ phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho bà con thì cũng giống như đang bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình vậy”, Phương Thảo, cô gái đang là ủy viên ban chấp hành Hội sinh viên của học viện, bộc bạch.
|
Cảm ơn những tấm lòng
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Chí Thành, Phó ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường chợ Bình Điền, cho biết rất trân trọng tấm lòng của Thành đoàn TP.HCM với những đoàn viên, thanh niên hỗ trợ tại 3 chốt cửa ngõ vào chợ. Đội ngũ cán bộ công nhân viên của chợ trực từ 20 giờ đêm tới sáng, còn lại những tình nguyện viên đã căng sức từ sáng sớm tới khuya, giúp người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt, phân làn đường, góp phần đảm bảo an toàn cho hàng ngàn người mỗi ngày làm việc, buôn bán, mưu sinh tại chợ.
“Các thanh niên tình nguyện trực ở 3 chốt: cổng chính xe máy vào chợ; chốt Bến Đò; chốt từ quốc lộ 1. Nắng rát hay mưa lớn, các thanh niên tình nguyện cũng phải mặc kín đồ bảo hộ, găng tay, kính… khi làm nhiệm vụ, rất nóng, rất vất vả, chúng tôi càng trân trọng hơn sự đóng góp của thanh niên tình nguyện”, ông Thành nói.
Anh Huỳnh Duy Hiếu cũng thông tin thêm chợ hoạt động 24/24 giờ. Có tất cả 7 nhà lồng ở chợ, với tổng số hơn 1.500 người buôn bán. Mỗi người thường đi kèm 3 - 5 lao động phụ bán, cộng thêm số nhân công bốc xếp đồ..., như vậy mỗi ngày đêm có trên 10.000 lao động tại đây. Chưa kể cả chục ngàn phương tiện và nhiều hàng hóa từ nhiều tỉnh, thành di chuyển ra - vào chợ, cung cấp lương thực, thực phẩm cho khắp các quận, huyện trong TP. Do đó, những màu áo xanh đang tình nguyện chống dịch tại chợ vừa giúp bà con yên tâm mưu sinh, cũng là đang góp phần gìn giữ sự bình yên cho TP.
Bình luận (0)