Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Giọt nước mắt ở bệnh viện dã chiến

19/04/2020 07:14 GMT+7

Nhiều cung bậc tình cảm của các bác sĩ trẻ ở tuyến đầu chống dịch , đó là giọt nước mắt mừng vui khi có ca điều trị khỏi bệnh và nỗi lòng của vợ chồng điều dưỡng trẻ cách xa nhau...

Điều đặc biệt nhất khiến các bác sĩ trẻ  ở tuyến đầu chống dịch không thể nào quên được chính là ánh mắt hạnh phúc, nét mặt rạng rỡ và những câu nói chia tay đầy xúc động của những bệnh nhân được xuất viện.

Khóc vì vui mừng khi có nhiều ca khỏi bệnh

Bác sĩ Phạm Thanh Trường Sơn (28 tuổi, TP.HCM) làm việc tại Khoa Nội tim mạch, Lão học Bệnh viện Q.Thủ Đức, cho biết đã công tác, điều trị trực tiếp cho bệnh nhân dương tính với vi rút Corona chủng mới gây bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Cần Giờ (TP.HCM).
Lúc nhận quyết định, Sơn không khỏi xốn xang và có chút lo lắng vì những ngày tới sẽ đối diện trực tiếp với một loại bệnh mới dù anh đã trang bị kiến thức, kỹ năng rất kỹ cho bản thân.
Sơn được phân công làm việc ở khu dương tính, công việc của anh là tiếp nhận, theo dõi và điều trị cho những người đã có kết quả dương tính với Covid-19. Mỗi ngày anh dậy thật sớm để xem lại hồ sơ bệnh án, rồi đi khám bệnh, theo dõi tình hình sức khỏe của từng người. Anh cũng trả lời hàng trăm thắc mắc từ bệnh nhân cũng như những người cách ly.
Cực nhất là có những đêm phải cùng lúc tiếp nhận 30 - 40 người, cả những người dương tính và những ca F1, F2. Lúc đó Sơn và đồng nghiệp phải làm việc xuyên đêm để lấy mẫu bệnh phẩm, phân loại bệnh, làm hồ sơ rồi xếp phòng điều trị cho từng người. Nhiều khi rất mệt, nhưng biết rằng những người bệnh sẽ rất hoang mang khi được đưa tới bệnh viện dã chiến ở một nơi xa thành phố như thế này nên Sơn luôn cố gắng giữ nụ cười, giải thích nhẹ nhàng với từng người.
Để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, khi đã tiếp xúc với những người dương tính, Sơn thay đồ bảo hộ bên ngoài trước khi thăm khám cho người khác. Do vậy có khi bệnh đông, Sơn không chỉ quay cuồng với việc thăm khám mà còn phải liên tục thay đồ bảo hộ.

Bác sĩ Phạm Thanh Trường Sơn tranh thủ chợp mắt trong giờ nghỉ trưa

Dù khối lượng công việc nhiều áp lực nhưng mỗi lần được những người trong khu cách ly tặng một lon nước ngọt, một chiếc bánh nhỏ, hay được người dân tặng những tấm chắn giọt bắn với vài dòng nhắn nhủ dễ thương như “các bác sĩ cố lên”, “chiến thắng dịch Covid-19”, “cảm ơn bác sĩ”, “gửi các tình yêu nơi tuyến đầu”… cũng khiến Sơn “tan chảy”.

201 bệnh nhân nhiễm virus corona xuất viện, Việt Nam đã chữa khỏi 75% ca Covid-19

Nhưng điều đặc biệt nhất khiến bác sĩ trẻ  ở tuyến đầu chống dịch này không thể nào quên được chính là ánh mắt hạnh phúc, nét mặt rạng rỡ và những câu nói chia tay đầy xúc động của những bệnh nhân được xuất viện.
Họ là những người không may bị mắc Covid-19 và đã phải điều trị cách ly trong bệnh viện. Họ đã có khoảng thời gian sống trong lo lắng, và không tránh khỏi hoang mang nên khi thấy những bệnh nhân của mình được trở về với cuộc sống bình thường, Sơn và nhiều y bác sĩ ở đây đã lặng lẽ lau nước mắt vì vui mừng. Mừng cho những bệnh nhân này được về với cộng đồng và mừng vì số ca khỏi bệnh ngày một tăng, và vì trong số họ không ai phải rơi vào tình trạng nguy kịch.
Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Giọt nước mắt ở bệnh viện dã chiến

Một nhân viên y tế viết lên áo bảo hộ “Mọi người cố lên, bệnh viện Cần Giờ cố lên” để động viên bệnh nhân và những người trong khu cách ly

Cưới nhau mấy ngày phải tạm chia xa

Ngày 9.3 cưới thì tới cuối tháng, Phạm Thị Hoàng Yến (28 tuổi) nhận thông báo đi Bệnh viện dã chiến Cần Giờ (TP.HCM) để làm việc. Cô là điều dưỡng, hiện đang công tác tại Bệnh viện Q.Thủ Đức.
Được phân làm trưởng nhóm điều dưỡng, Yến vừa phụ trách phân công công việc cho đồng nghiệp vừa cùng bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, đồng thời lo các công việc hành chính khác.
Dù nhận nhiệm vụ mới ở đây nhưng Yến vẫn phải hoàn tất các công việc của mình ở Bệnh viện Q.Thủ Đức nên từ sáng đến tối khuya, cô quay cuồng với các ca bệnh, sổ sách, giấy tờ.
Ban ngày, cô xử lý công việc ở Bệnh viện dã chiến Cần Giờ, tối đến cô lại tranh thủ hoàn thành khối lượng công việc của mình ở Bệnh viện Q.Thủ Đức nên từ ngày xuống Cần Giờ, Yến gần như chẳng còn thời gian để gọi điện, nói chuyện với chồng hay người nhà. Cô giải thích: “Vì các đồng nghiệp trong phòng đang nhận nhiệm vụ ở nhiều nơi khác như Cần Giờ, Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, trung tâm y tế quận... Không còn nhân sự, nên bọn mình phải ôm việc ở cả hai nơi”.
Chia sẻ về quyết định nhiệm vụ mới của mình, Yến cho biết khi có thông báo tuyển điều dưỡng xuống Cần Giờ để chăm sóc bệnh nhân Covid-19, cô đã tự nguyện đăng ký dù vừa mới cưới được 2 tuần. “Thấy đồng nghiệp người thì có con nhỏ, người thì nghỉ thai sản, cũng có người mới cưới như mình. Nếu mình không đi thì người khác phải đi. Nghĩ vậy nên mình đã tự nguyện tham gia”, cô gái trẻ nói.
Nhận thông báo từ 18 giờ hôm trước thì 6 giờ sáng hôm sau, Yến đã phải lên đường nên không kịp làm “tư tưởng” với chồng. Khi Yến đi, chồng cô đã rất giận, chẳng nói lời nào. Nhưng nhớ người vợ trẻ, chồng Yến nhắn với cô rằng: “Ở bệnh viện của em có công việc gì ngoài chuyên ngành y không, cho anh được vào làm cùng. Sau này khi em xong nhiệm vụ, anh cũng sẽ đi cách ly với em cho đỡ buồn”.
Ở tuyến đâu chống dịch, nhớ chồng, nhưng công việc nhiều, có khi đến khuya mới xong nên mỗi tối khi vẫn phải làm việc, cô lặng lẽ mở điện thoại gọi video cho chồng rồi tiếp tục làm. Bận bịu, chẳng ai nói được với nhau nhiều, nhưng thỉnh thoảng, ngước lên thấy nửa kia đang theo dõi mình cũng giúp cô vơi đi nỗi nhớ.

Cập nhật sáng 19.4: 72 giờ không có thêm ca bệnh Covid-19 mới

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.