Từ ngày có dịch chưa được về nhà
Tôi gặp Đặng Thị Thanh Ngân, Bí thư Đoàn Trung tâm y tế huyện Bình Chánh, khi Ngân cùng các bạn trẻ ở trung tâm tự may khẩu trang y tế để cung cấp cho mọi người an toàn tham gia chống dịch. Nhưng không ai biết được rằng nhiều đêm qua họ đã trực xuyên suốt ở các khu cách ly tập trung, có người 12 giờ đêm nghe cuộc gọi báo từ sân bay: “Hành khách về” là tức tốc mặc đồ bảo hộ trùm kín người, lên đường đi đón.
Không còn chất giọng đầy rắn chắc, sau hơn 2 tháng tham gia chống dịch, giọng Ngân đã ngấm lộ những mệt mỏi. Ngân báo cô đã giảm hơn 6 kg vì áp lực công việc mỗi ngày. Và từ ngày có dịch đến giờ, cô vẫn chưa được về nhà.
“Một phần vì công việc của mình là làm việc bất chấp thời gian, giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng và có cuộc gọi là lên đường. Một phần cũng vì mình đi làm thế này, tiếp xúc với rất nhiều nguồn lây nhiễm, mình không dám về nhà vì sợ chẳng may lây cho gia đình. Hơn nữa, biết mình làm trong ngành y, từ ngày có dịch, hàng xóm xung quanh đã kỳ thị nhà mình rồi, nên mình rất hạn chế việc về nhà”, Ngân bộc bạch.
Còn Huỳnh Trần Tấn Hải (29 tuổi, Khoa Dược, Trung tâm y tế huyện Bình Chánh) thì mỗi lần được tranh thủ về nhà là hạn chế tiếp xúc gần với người thân, và dù ở trong nhà nhưng Hải đeo khẩu trang 24/24 để đảm bảo an toàn cho gia đình.
|
“Tụi mình làm những công việc mà nguy cơ lây nhiễm rất cao, dù bảo hộ và tự bảo vệ bản thân nhưng cũng không ai chắc chắn được điều gì. Mình có thể gạt đi nỗi sợ của bản thân để tham gia chống dịch, nhưng sẽ rất đau lòng nếu mang mầm bệnh về lây nhiễm cho gia đình”, Hải không giấu được cảm xúc, chia sẻ.
Những chuyến xe đêm
Làm ở khoa dược, ngày thường chỉ lo nhiệm vụ phát thuốc, thế nhưng dịch bệnh bùng phát, Hải là một trong những người đầu tiên tự nguyện xung phong đăng ký tham gia chống dịch. “Mình còn trẻ, độc thân, lại là con trai nữa nên xung phong đi trước. Tuổi trẻ mà, có gì ngoài sức khỏe và nhiệt huyết đâu”, Hải cười và nói rất nhẹ tênh.
Thế nhưng, công việc mỗi ngày Hải và các bạn trẻ ở đây không hề nhẹ tênh. Vì là con trai nên Hải sẽ nhận nhiệm vụ trực khu cách ly từ 4 giờ chiều đến sáng hôm sau. Ở khu cách ly, họ làm tất cả mọi khâu từ chăm sóc y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe đến việc lo ăn uống và tất cả các nhu cầu thiết yếu của người cách ly.
Có những hôm làm xong hết mọi khâu, tưởng được chợp mắt một lúc thì nhận được cuộc gọi và lại tức tốc lên đường ra sân bay đón khách nhập cảnh về cách ly.
“Công việc này không có thời gian cụ thể, sân bay gọi về giờ nào thì tụi mình đi giờ đó. Vì sau khi khách nhập cảnh thì tổ tiếp nhận tại sân bay mới sàng lọc những khách nào sẽ về cách ly ở khu nào, lúc đó họ mới gọi và mình sẽ lên đón. Mà các chuyến bay về từ các nước thì thường rơi vào nửa đêm hoặc nếu không cũng là sáng sớm. Do đó, lúc nào tụi mình cũng trong tư thế sẵn sàng, cứ có cuộc gọi đến là đi thôi”, Ngân chia sẻ.
Sau khi đón và phải trang bị đồ bảo hộ, lập hồ sơ cho từng khách, mồ hôi còn chưa kịp khô sau lớp đồ bảo hộ cồng kềnh thì các bạn lại tiếp tục làm các thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn và vận chuyển hành lý của khách… trước khi đưa họ về khu cách ly.
Có những hôm người ngoài nước về cách ly nhiều, hay những ngày phải chuyển bệnh từ khu cách ly này sang khu khác, đôi chân họ lại phải vội vã liên tục mà không một phút được nghỉ ngơi.
|
“Có những ngày phải nhận đến hơn 800 khách về cách ly, tụi mình phải làm việc từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau, làm xong chỉ còn biết nằm vất vưởng dưới nền đất trong những bộ đồ bảo hộ cồng kềnh”, Ngân kể.
Bị chửi và dọa đánh là chuyện bình thường
Công việc vất vả như vậy nhưng các bạn chỉ sợ nhất những ngày gần cuối lệnh cách ly, nếu chưa kịp có mẫu xét nghiệm gửi về là y như rằng sẽ bị người cách ly chửi xối xả và còn hăm dọa đòi đánh.
“Thật sự chuyện này như cơm bữa luôn. Mình cũng hiểu tâm trạng của người cách ly, cũng muốn được về với gia đình nhưng mà họ lại không hiểu cho công việc của tụi mình. Nhiều lúc nhắc mọi người đeo khẩu trang, có người cách ly còn chỉ tay vào mặt tụi mình và nói: “Tôi có bệnh gì đâu mà bắt phải đeo khẩu trang”. Nói thật, nhiều lúc mệt mỏi công việc, nên những phản ứng đó của người cách ly cũng khiến tụi mình chạnh lòng”, Ngân xúc động kể.
Ngoài các khu cách ly tập trung, các cán bộ y tế dự phòng của Trung tâm y tế huyện Bình Chánh còn đảm nhận giám sát những diện cách ly tại nhà. Với công việc này, sau khi tiếp nhận danh sách nhập cảnh về mà thuộc diện cách ly tại nhà thì họ sẽ đến từng nhà để làm công tác vận động và hướng dẫn cách ly. Nếu khách nào chưa được lấy mẫu xét nghiệm thì tiến hành lấy mẫu, rồi mỗi ngày họ phải đến nhà người dân 2 lần để đo thân nhiệt, kiểm tra làm báo cáo sức khỏe…
Rồi bất kể khi nào có danh sách người cần điều tra, giám sát F2, F3… hay có cuộc gọi phản ảnh từ người dân là ngay lập tức những cán bộ y tế trẻ lại phải chạy đi xác minh ngay. “Có những hôm nửa đêm, người dân gọi điện báo bên nhà hàng xóm có người mới nhập cảnh về. Thế là tụi mình lên đường đi xác minh ngay chứ không thể để qua ngày mai, vì những phản ánh này của người dân nếu không làm liền thì sẽ không trấn an được. Dịch bệnh mà, đâu thể nào chần chừ”. Lê Quốc Bình, Trạm y tế xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, nói.
Thế đó, việc gì các bạn cũng làm, và những ngày này, khi lượng người cách ly đã thưa dần nhưng các bạn lại tiếp tục nhận thêm những nhiệm vụ mới. Vì là huyện giáp ranh với miền Tây nên các bạn phải tham gia cùng lực lượng trực ở các chốt kiểm dịch. Và thế là, những đôi chân ấy lại đi bất kể ngày đêm, và những đêm trắng giấc nữa lại gọi tên các bạn, những cán bộ y tế dự phòng còn rất trẻ.
Bình luận (0)