Người trẻ xoay chuyển tình thế trong dịch: Trong nguy luôn có cơ, nếu…

11/10/2021 07:45 GMT+7

Những câu chuyện 'Người trẻ xoay chuyển tình thế trong dịch' mà Báo Thanh Niên đăng tải trên những số báo vừa qua được các chuyên gia khởi nghiệp đánh giá rất cao.

Theo các chuyên gia, trong nguy sẽ luôn có cơ hội nếu các bạn không ngồi yên và chỉ biết chờ đợi.

Những điều tốt đẹp luôn nằm ngoài vùng an toàn

Các bạn trẻ khởi nghiệp đã linh động thay đổi và gặt hái được những thành công trong khó khăn của dịch bệnh. Họ đã thực hiện đúng tinh thần luôn đổi mới sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, chỉ cần thoát ra khỏi tư duy “đợi dịch qua rồi tính” sang “chúng ta luôn có thể làm gì đó ngay tại thời điểm này” thì sẽ tự tìm thấy câu trả lời cho dự án của mình.

Trong nguy luôn có cơ nếu các bạn không ngồi yên và chờ đợi. Nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng bùng nổ hơn ngay trong đại dịch chỉ vì họ “bị hoàn cảnh ép” phải chuyển đổi số để tăng cường truyền thông trực tuyến và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; có doanh nghiệp thì chấp nhận từ bỏ dòng sản phẩm đã quá quen thuộc của mình để chuyển đổi sang một loại sản phẩm mới có sẵn thị trường ngay trong dịch, như các sản phẩm thiết yếu…

Các bài báo đã đăng trên Thanh Niên

Dịch bệnh không biết bao giờ qua đi, các doanh nghiệp không thể trông chờ mãi ở một cái đích vô định như vậy, nhưng cái mà các bạn có thể chủ động chính là hành động ngay tại thời điểm này. Những điều tốt đẹp luôn nằm ngoài vùng an toàn của chúng ta và cơ hội sẽ đến với những ai dám dũng cảm đi ra ngoài vùng an toàn đó sớm hơn những người khác.

Trương Thanh Hùng (Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; CEO FiNNO Group)

Dừng ngay việc “không làm gì cả”

Những người trẻ nhìn đâu cũng thấy con đường để đi, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh này họ là người nắm được các cốt lõi của những khuynh hướng, xu hướng trên mạng xã hội… Họ sẽ là người nắm được những cơ hội, nhu cầu và phân khúc thị trường.

Trần Thanh Tùng (Đồng sáng lập Monkey in Black Coffee và Loli & The Wolf; Chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo)

Ở thời điểm này, các chủ doanh nghiệp cần bỏ đi cái tôi, bỏ đi cái gọi là ổn định, là vùng an toàn của mình và dừng ngay việc “không làm gì cả”. Trong giai đoạn này, thường các bạn lựa chọn “đóng băng doanh nghiệp” của mình, dừng kinh doanh, đảm bảo tiền đang có, cố gắng trang trải những định phí và giảm phí phát sinh một cách tối thiểu nhất có thể, sa thải bớt nhân viên… Nhưng đó là cách đối phó, chứ không đối diện trực tiếp với vấn đề. Mọi người phải thực sự nhận thức là thị trường, nhu cầu và cách mọi thứ vận hành đã và đang thay đổi trước tác động của dịch bệnh. Nếu không bỏ đi sự ổn định và hướng đến sự linh động thay đổi thì hậu quả đầu tiên là sự phá sản.

Bản thân những người trẻ trong giới khởi nghiệp, kinh doanh phải thay đổi. Nếu mình chưa bắt đầu việc thay đổi thì sẽ không bao giờ biết được làm sao mình có thể thành công trong thị trường mới. Vì thế, chỉ có thay đổi để mình bắt đầu quá trình thích nghi trong giai đoạn tới. Thay đổi từ những cái nhỏ nhất.

Linh hoạt nhưng phải có chủ đích

Tính linh hoạt là điều cần thiết trong hành trình phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và nhiều yếu tố bất định trong môi trường kinh doanh như hiện nay. Đương nhiên, đa phần các công ty khởi nghiệp đặt yếu tố “sống” lên hàng đầu. Và để duy trì sự sống, nhiều công ty có thể làm tất cả những ngành nghề, lĩnh vực không liên quan, thậm chí trái tay. Thật ra, “sống” trước mắt rất cần nhưng chưa phải là tất cả trên con đường khởi nghiệp; mà doanh nghiệp phải phát triển dài hạn và tạo được giá trị mới.

Trương Lý Hoàng Phi (Chủ tịch HĐQT và CEO Công ty CP xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp IBP, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo)

Các công ty khởi nghiệp cần phân biệt rõ giữa giải pháp tình thế ngắn hạn và sự thay đổi thích nghi tìm được hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp trong dài hạn. Về mặt bản chất, các công ty khởi nghiệp cần xác định rõ cốt lõi doanh nghiệp và con đường phát triển. Việc đi lệch ra khỏi “đường ray” cốt lõi của doanh nghiệp quá xa, trong một quãng thời gian quá dài là một dấu hiệu cảnh báo cho đội ngũ sáng lập doanh nghiệp tự thức tỉnh để thoát khỏi “cái bẫy” của sự linh hoạt. Linh hoạt mà thiếu chủ đích là sự nhầm lẫn tai hại, dễ khiến doanh nghiệp mắc kẹt trước những kết quả trước mắt.

Có rất nhiều công ty khởi nghiệp thích ứng với giai đoạn này, xem quãng thời gian này như quãng “nghỉ giữa hiệp” để có thể nạp năng lượng, điều chỉnh chiến lược, chiến thuật, điều đó giúp họ có thể bước vào các trận đấu sau tốt hơn. Việc tận dụng quãng thời gian “giữa hiệp” để thử nghiệm những ý tưởng mới, tập trung trí lực, sức lực khám phá những điểm yếu trong hệ thống, đào tạo nhân viên, tìm phương thức, mô hình kinh doanh mới… cũng là một sự linh hoạt. Điều đáng khen là công cụ mới, cải tiến mới không đi ra ngoài cái cốt lõi và thế mạnh của doanh nghiệp, tôi cho đó là sự linh hoạt có chủ đích và sẽ để lại nhiều tài sản quý giá cho đội ngũ quản trị doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.