Giấc ngủ chất lượng sẽ giúp não được nghỉ ngơi và duy trì được khả năng tập trung vào ngày hôm sau. Sức khỏe và tâm trạng cũng được cải thiện nhờ giấc ngủ ngon, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Với người trưởng thành, dù còn trẻ hay đã già thì thời lượng ngủ tối ưu là từ 7-9 giờ/đêm. Tuy nhiên, một số người sẽ cần ngủ nhiều hơn một chút, trong khi số khác thì cần ngủ ít hơn. Với người trên 50 tuổi, ngủ đủ thời lượng từ 7-9 giờ/đêm không phải là điều dễ dàng.
Viện Lão khoa Quốc gia Mỹ cho biết người trên 50 tuổi có nhiều khả năng bị mất ngủ hơn. Thậm chí, ngay cả khi không bị mất ngủ thì họ vẫn có thể cảm thấy khó ngủ và dễ thức giấc giữa đêm. Các nghiên cứu cho thấy người trên 50 tuổi có xu hướng ngủ nông hơn. Giấc ngủ cũng có ít thời gian đi vào giai đoạn ngủ sâu, trong khi đây là giai đoạn giúp cơ thể phục hồi nhiều hơn.
Không những vậy, nhịp sinh học của họ cũng thay đổi và bắt đầu sớm hơn trong ngày. Đây là lý do vì sao người già hay thức dậy sớm hơn dù đôi khi họ không muốn.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Sleep Medicine Clinics đã giải thích điều này. Nghiên cứu phát hiện ở người lớn tuổi, cơ thể họ sẽ tiết ra ít hoóc môn hơn, trong đó có các hoóc môn liên quan đến giấc ngủ như melatonin. Chính điều này đã khiến người già trở nên khó ngủ và ngủ không được sâu.
Để người trên 50 tuổi có được giấc ngủ ngon thì vệ sinh giấc ngủ đặc biệt quan trọng. Để làm được điều này, họ cần duy trì khung thời gian thức và ngủ cố định qua các ngày, hạn chế ngủ trưa quá lâu và tránh uống caffeine, rượu bia gần giờ đi ngủ.
Duy trì các thói quen lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, tránh ăn quá nhiều gần giờ đi ngủ, tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử có thể sẽ giúp cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, dùng chất bổ sung melatonin cũng là giải pháp giúp dễ ngủ hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia cho biết một số loại thuốc có thể giúp người trên 50 tuổi dễ ngủ. Tuy nhiên, các loại thuốc này không thể chữa khỏi các loại rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hay ngưng thở khi ngủ. Để kiểm soát các rối loạn này, người mắc cần đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị, theo Healthline.
Bình luận (0)