Người trên 60 tuổi được ưu tiên hưởng án treo ?

12/12/2018 07:00 GMT+7

Ngày 10.12 vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình (sinh năm 1954).

Ông Bình được chuyển mức án từ 3 năm tù giam thành 3 năm tù, cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác để xảy ra thiệt hại hơn 15.000 tỉ đồng tại VNCB.
Ngoài ra, trong 4 bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, sau là VNCB, CB Bank), HĐXX cũng chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Phạm Thế Tuân (sinh năm 1956, nguyên Tổ phó Tổ giám sát), chuyển từ 1 năm tù giam sang 1 năm tù, cho hưởng án treo; chấp nhận yêu cầu giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên Tổ giám sát) từ 1 năm 6 tháng tù giam xuống còn 1 năm tù.
Hai bị cáo còn lại, HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm là Lê Văn Thanh (nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát) 2 năm 6 tháng tù, Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát) 2 năm tù.
Vận dụng thêm luật Người cao tuổi ?
Để tuyên mức án trên, HĐXX phúc thẩm nhận định: cấp sơ thẩm đã áp dụng tất cả tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo và trong vụ án này hậu quả từ hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng, nên để đảm bảo tính nghiêm trị nhằm phòng ngừa tội phạm mới thì không thể xem xét áp dụng chế định án treo đối với tất cả các bị cáo trong vụ án. Xét chung đối với các bị cáo trên 60 tuổi, khi có các điều kiện nhân thân tốt, bị tuyên án mức hình phạt từ 3 năm tù trở xuống thì nên vận dụng thêm các quy định trong luật Người cao tuổi để áp dụng chế định án treo đối với các bị cáo.
Xét thấy trong vụ án, cả 5 bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo, nhưng chỉ có 2 bị cáo trên 60 tuổi là Đặng Thanh Bình và Phạm Thế Tuân, nên HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin được hưởng án treo đối với 2 bị cáo này.
Không quy định nào “nhắn nhủ” 60 tuổi được án treo
Luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định: “Đưa tình tiết bị cáo 60 tuổi để cho bị cáo hưởng án treo, chỉ có thẩm phán lập luận như vậy chứ không có quy định nào như vậy, kể cả luật Người cao tuổi, hay các văn bản quy phạm pháp luật khác”.
Theo LS Lê Văn Hoan, chế định án treo đã được quy định tại điều 65 bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết 01/2018 hướng dẫn áp dụng điều 65 quy định rất rõ điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo.
“Và không có quy định nào thể hiện tình tiết trên 60 tuổi thì được hưởng án treo. Nếu HĐXX lập luận vì 2 bị cáo Bình và Tuân trên 60 tuổi nên vận dụng thêm một số quy định của luật Người cao tuổi để áp dụng chế định án treo thì chế độ người cao tuổi được hưởng các chính sách khoan hồng, được hưởng án treo… khi phạm tội phải thể hiện trong luật Người cao tuổi. Nhưng rất tiếc, luật Người cao tuổi chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội Người cao tuổi VN”, LS Hoan nhấn mạnh.
Tương tự, LS Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá điều 51 bộ luật Hình sự 2015 quy định “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” mới được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; còn luật Người cao tuổi, thì không có quy định nào thể hiện tuổi cao sức yếu thì được xét giảm hình phạt cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.