Người trợ duyên cho kẻ tâm lành

20/07/2014 03:30 GMT+7

Giới điêu khắc cũng như các vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo VN đều biết đến Thụy Lam - Tổng công trình sư của những tôn tượng khổng lồ từ nam chí bắc. Vậy mà ông cũng có những nỗi niềm “biết tỏ cùng ai”…

Giới điêu khắc cũng như các vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo VN đều biết đến Thụy Lam - Tổng công trình sư của những tôn tượng khổng lồ từ nam chí bắc. Vậy mà ông cũng có những nỗi niềm “biết tỏ cùng ai”…

 Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm (An Giang) - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm (An Giang) - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi gặp lại Thụy Lam bên hồ bơi của Đệ Nhất khách sạn (TP.HCM) khi ông vừa từ miền Trung trở về. Hỏi ông: “Lại làm một tượng kỷ lục nào ngoài đó nữa hả?”. Ông cười: “Không phải một mà là ba tượng! Có điều bây giờ tôi già rồi, để những công trình bề thế cho thế hệ học trò thực hiện, chỉ nhận những cái tầm tầm, vừa vừa thôi”.

Làm ba công trình cho một ngôi chùa trong thời gian kỷ lục

Ông kể, mới đây có một nhóm phật tử ở TP.HCM, thông qua Báo Thanh Niên muốn cúng dường cho chùa Tân Bình (Hà Lam, Quảng Nam) một tượng Đức Phật Di Lặc cao 4,2 m và nhờ ông thực hiện. Thụy Lam rất phân vân vì muốn làm phải có ê kíp mà những ê kíp thợ lành nghề cũng như có thiện ý chỉ lấy thù lao tượng trưng thì đều đang “kẹt sô” (đang nhận thực hiện các công trình). Thời may, có một nhóm thợ do điêu khắc gia Hồ Văn Đen (học trò của Thụy Lam) chỉ đạo đang thực hiện tượng Quán Thế m Bồ Tát cao 49 m tại Đà Nẵng (cách chùa Tân Bình không xa lắm). Thụy Lam hỏi họ có thể “gồng” thêm pho tượng cho chùa Tân Bình được không, và họ đồng ý.

Trong thời gian thực hiện, có một nữ phật tử thường đến quan sát rồi… năn nỉ nhóm thợ thực hiện cho bà một tượng Phật A Di Đà cao 6 m để bà cúng dường cho chùa này luôn. Sau khi hoàn thành hai công trình trên, sư thầy trụ trì lại nhờ ông chỉnh sửa lại diện mạo của pho tượng Đức Quán Thế m Bồ Tát (tượng xưa, đã có trong chùa) cho phù hợp với nét thẩm mỹ hiện đại. Nhờ thời tiết thuận lợi, nhóm thợ có tay nghề cao và sự hỗ trợ tích cực của nhà chùa nên cả ba công trình đã hoàn thành chỉ sau hơn một tháng kể từ lúc khởi công.

Từ người buôn ve chai đến điêu khắc gia

Thụy Lam tên thật là Phạm Dân Chủ, sinh năm 1945 tại Tân Châu (An Giang), nhưng ngay từ nhỏ đã được cha mẹ đưa sang Campuchia sinh sống, học Trường dòng Lasan. Ở môi trường này năng khiếu mỹ thuật của cậu bé có điều kiện phát triển lại được các thầy dòng hướng dẫn tận tình về căn bản hội họa phương Tây. Năm 1970, gia đình chuyển về sống ở Sài Gòn, ông may mắn được các giáo sư Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định nhận làm đệ tử, được theo các thầy đi trang trí mỹ thuật ở nhiều khách sạn, phòng trà trong thành phố. Từ đó, ông tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, ngón nghề.

Đến thời điểm sau 1975, trong tình hình kinh tế khó khăn chung của cả nước, ông được gia đình chia vốn để trở thành dân buôn… ve chai. Từ môi trường “quang gánh” này, Thụy Lam gặp được nhiều nghệ sĩ đồng cảnh ngộ, trong đó có nhà thơ Trụ Vũ. Biết Thụy Lam có “hoa tay”, Trụ Vũ giới thiệu vào một ngôi chùa để chuyên trang trí mái đao, vẽ cảnh Phật… Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời của Thụy Lam, để rồi sau này ông chuyên về mỹ thuật tôn giáo, nhất là chuyển hẳn sang làm tượng sau khi thọ giáo ông Bảy Chánh, một nhà điêu khắc Phật giáo nổi tiếng ở khu vực Phú Lâm, Q.6.

Một điều khá thú vị, tác phẩm đầu tay của Thụy Lam lại là… tượng Chúa (tượng đổ đồng cao 7 m). Thụy Lam thực hiện các công trình bằng cách làm từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao để vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Và những nỗi niềm

Tuy đã “rửa tay gác kiếm”, chỉ nhận làm “cố vấn nghệ thuật” cho các công trình do học trò thực hiện nhưng trình độ tay nghề và uy tín của Thụy Lam vẫn khiến các vị chức sắc Phật giáo tin cậy ủy thác những công trình mang tầm vóc quốc gia. Học trò của ông cũng khá đông, nhưng chỉ có vài người đáng để ông tin cậy, giao phó tên tuổi và công trình cho họ. Buồn nhất là có đệ tử mượn danh thầy để nhận công trình, lại còn rêu rao “Danh sư xuất cao đồ”, mượn tiếng của thầy (danh sư) để tự đề cao mình (cao đồ), không chỉ lừa gạt trong nước mà còn qua tận Thái Lan, Campuchia… Công trình không được như ý, chủ đầu tư trách móc, phiền hà ông, ông tê tái ngao ngán.

Ông bảo, tuổi đời không song hành với tuổi nghề. Ông đã chọn trước cho mình điểm dừng nhưng vẫn bị đám học trò ở phía sau thúc tới. “Mà học trò thì đứa tâm ma, đứa tâm thánh, đứa tâm phàm phu… tự nó biết lấy. Giờ tôi chỉ đi “trợ duyên” cho mấy em tâm lành. Nhẹ nhàng thôi!”, ông cười thổ lộ.

Thụy Lam

Những công trình khổng lồ gắn với tên tuổi Thụy Lam, có thể kể: tượng Phật A Di Đà cao 22 m ở chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu cao 24 m ở Thiền viện Vạn Hạnh (Đà Lạt), tượng Phật A Di Đà cao 44 m ở chùa Tòng Lâm Lô Sơn (Nha Trang), tượng Quán Thế m Bồ Tát cao 70 m ở Bãi Bụt (Sơn Trà, Đà Nẵng). Đặc biệt, pho tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm (An Giang) cao 33,6 m, nặng 800 tấn, bệ tượng có diện tích gần 1.000 m2 được thi công trong 3 năm (2002 - 2005), được Tổ chức Kỷ lục VN công nhận là “tượng Phật Di Lặc lớn nhất VN” (ngày 2.1.2006). Sau đó, Tổ chức Kỷ lục châu Á cũng đã công nhận là “tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á” (ngày 2.3.2013).

Hà Đình Nguyên

>> Thếp 1,5 lượng vàng cho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
>> Khánh thành đại bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 10: Truyền kỳ những pho tượng Phật lồi
>> Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm đạt kỷ lục châu Á
>> Cung nghinh tượng Phật ngọc lớn nhất Việt Nam 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.