Gia đình bà Phan Thị Nhung (xã An Lĩnh) trồng 2 ha chuối, nắng hạn kéo dài đã làm năng suất giảm đến 3/4 so trước đây. Bà Nhung buồn rầu: “Trước đây, thời tiết thuận lợi, trung bình một buồng có 10 nải, nặng đến 20 kg, với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg thì một buồng chuối thu được 200.000 - 240.000 đồng. Vậy mà nay mỗi buồng chuối chỉ ra 5 nải và mỗi nải chuối chỉ nặng 1 - 1,5 kg nên buồng nặng nhất cũng chỉ được 8 kg. Trong khi giá chuối hiện nay chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg nên tính ra, mỗi buồng chuối chỉ bán được 40.000 đồng”.
Theo Phòng NN-PTNT H.Tuy An, do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm cho 1.425 ha chuối tập trung tại các xã An Lĩnh, An Xuân và An Thọ bị hư hại. Trong đó, có 1.250 ha hư hại từ 70% trở lên, không còn khả năng cho trái hoặc duy trì sinh trưởng. Nông dân phải chặt chuối, tận dụng phần thân làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, hoặc lột lấy bẹ phơi khô để bán cho các thương lái mua làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng thủ công.
Cái khó là ở đây nếu không trồng chuối thì người dân chưa biết trồng cây gì để tạo thu nhập trên vùng đất thường xuyên thiếu nước vào mùa khô. Để cây chuối đứng vững trên vùng đất khô cằn này, ông Phạm Văn Toàn (xã An Xuân) đã thay đổi trồng nhiều giống chuối khác nhau trên diện tích 3 ha, đồng thời tận dụng tàu lá chuối phủ quanh gốc giữ ẩm cho cây, khi lá mục thì làm phân xanh. “Nhờ vậy mà cây chuối phần nào chịu được trong những tháng nắng hạn kéo dài”, ông Toàn chia sẻ. Nhiều người khác ở xã An Lĩnh thì cứu chuối bằng cách khoan giếng lấy nước tưới. Chi phí 1 giếng khoan hơn 45 triệu đồng. “Cây chuối là nguồn thu nhập chính của gia đình, nuôi con tui ăn học, nếu không cứu nó thì lấy đâu ra tiền cho lũ nhỏ học hành”, bà Bùi Thị Hiền bộc bạch. Tuy nhiên, bà cũng lo lắng vì đầu tư chi phí tăng mà giá chuối hạ khiến người nông dân thêm khó: “Hy vọng giá chuối rồi cũng tăng trở lại, chứ không dân trồng chuối tụi tui đói thật”.
Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, khuyến cáo bà con nông dân tận dụng sông suối, ao hồ, khoan giếng tìm mạch nước ngầm để chống hạn cho cây trồng; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, vừa né hạn, vừa đảm bảo năng suất cây trồng để ổn định cuộc sống.
Bình luận (0)