“Người trong cuộc” nghĩ gì về đề nghị xóa phòng giáo dục quận, huyện?

15/12/2017 16:30 GMT+7

Đề xuất giải tán phòng giáo dục các quận, huyện của một giáo viên đặt ra câu hỏi có cần thiết hay không cơ quan quản lý này.

Xóa bỏ để tăng lương cho giáo viên!

Theo ông Bùi Nam, một giáo viên, số liệu thống kê trên cả nước cho thấy, cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/822.454 viên chức nhà nước của ngành giáo dục (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại sở/ phòng giáo dục nhưng vẫn nhận lương tại các trường. Lực lượng biên chế ngành quá nhiều, nhiều cán bộ quản lý nhưng làm việc không hiệu quả, dư thừa. Trong khi đó, khi lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, nhiều ý kiến đề xuất cần có chế độ chính sách về thu nhập cho đội ngũ chuyên viên và quản lý cấp phòng.

Theo ông Nam, việc tăng lương cho giáo viên trực tiếp giảng dạy là rất cần thiết để người dạy toàn tâm, toàn ý chăm lo cho học sinh, đổi mới phương pháp. Để có tiền tăng lương cho giáo viên đồng thời tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng, trước tiên phải tinh gọn bộ máy quản lý giáo dục bằng cách giải tán phòng giáo dục ở các huyện, quận trong cả nước.

Lúc bấy giờ hiệu trưởng sẽ được tự chủ về chuyên môn, tài chính và các quyết định khác. Đồng thời, việc tổ chức thi cử, trường sẽ trực tiếp “nhận lệnh” từ sở và có thể quản lý bằng công nghệ, chứ không cần qua cấp trung gian là phòng giáo dục nữa.

tin liên quan

Đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT
Có đại biểu khi góp ý cho dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đã đặt vấn đề nên cân nhắc có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không?

Lãnh đạo các phòng Giáo dục: Bỏ sẽ khó quản lý sâu sát!

Từ ý kiến nói trên,Thanh Niên trao đổi với “người trong cuộc” là lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng Giáo duc Q.6 (TP.HCM), nói rằng ý kiến nói trên thể hiện quan điểm của cá nhân khi có những mong muốn về sửa đổi luật Giáo dục nên không thể nói đúng hay sai. Có thể ý kiến của nhà giáo đó sẽ phù hợp với những địa phương khác không phải là TP.HCM, nơi có số lượng đông học sinh, có nhiều loại hình học tập khác nhau. Chẳng hạn trung bình, mỗi quận huyện của thành phố có hơn 100 cơ sở giáo dục, có quận lên đến gần 500 trường mầm non, tiểu học, THCS, nhóm lớp ngoài công lập… Nếu đưa về sở GD- ĐT quản lý thì bộ máy sẽ phát triển thêm so với hiện tại, sẽ khó có thể quản lý sâu sát các trường như các cấp quản lý trực tiếp.

Còn ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), cho rằng đôi khi nhà giáo này chỉ mới nhìn thấy một mặt bất cập nào đó trong quá trình quản lý chứ chưa bao quát các hoạt động. Thực tế, phòng giáo dục với số định biên giống như các phòng quản lý khác trực thuộc UBND quận mà cũng chưa đủ nhân lực để quản lý chuyên môn nên vẫn  phải cần hỗ trợ nhân sự từ Trường Bồi dưỡng giáo dục của quận, Ngoài ra, theo ông Khiêm, các phòng giáo dục không trực thuộc sự quản lý của Sở GD-ĐT mà phòng là cơ quan giúp việc, tham mưu công tác quản lý lĩnh vực giáo dục trên địa bàn dưới sự lãnh đạo của UBND các quận huyện. Cụ thể, phòng giáo dục hiện tại đang thực hiện các chức năng và nhiệm vụ gồm các chương trình phát triển giáo dục, thanh tra, xử lý vi phạm, quản lý biên chế, thực hiện tuyển dụng, hợp đồng làm việc, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn...

Giáo viên: Lo nhiêu vấn đề phát sinh khác 

Trước ý kiến đề xuất của nhà giáo Bùi Nam, một giáo viên THCS tại Q.3, TP.HCM, nói: “Cán bộ quản lý ở phòng cũng là giáo viên từ các trường học được cử về. Giải tán đơn vị này cũng là đề xuất hay nhưng sau đó sẽ giải quyết công việc cho những giáo viên này như thế nào?”. Còn  hiệu trưởng một trường ngoài công lập tại TP.HCM lo lắng: “Trên lý thuyết thì hay nhưng thực tế khi xóa bỏ rồi thì có nhiều vấn đề phát sinh lắm. Không có đội ngũ giám sát thì loạn nhiều cái”.

Còn bạn suy nghĩ thế nào về đề xuất xóa bỏ phòng giáo dục cấp quận, huyện ?



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.