Trong không khí làm việc nhộn nhịp không kém so với lúc trước tết, các công nhân ở làng đào Nhật Tân đều đang tất bật chăm sóc những gốc đào được thu gom về sau Tết Nguyên đán. Đây cũng chính là cơ hội để những người lao động tự do kiếm tiền từ việc hồi sinh cho cây.
Chị Nguyễn Thị Bính, công nhân vườn đào cho biết trong vòng nửa tháng, nếu cần mẫn mang vác, chuyên chở, người lao động có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng mỗi vụ.
Người trồng đào Nhật Tân đội mưa “hồi sinh” đào tết
"Dân chúng tôi trồng đào ở đây chỉ tranh thủ 1 tháng kiếm tiền này thôi. Chúng tôi trồng đào cây, đào rừng bán ra mà khách đến mua có xe thì người ta chở được. Còn nếu người ta không chở được thì chúng tôi chở thuê cho người ta. Nếu mà đi xa là khoảng 500.000 một cây, một chuyến tùy theo cây số. Chúng tôi chở trong một cái tháng Tết này cứ bình quân đến cuối là chúng tôi được khoảng độ chục triệu, hơn chục triệu", chị Bính chia sẻ.
Hằng năm, công việc thu gom đào sẽ bắt đầu từ mùng 5 tết, kéo dài đến hết tháng giêng. Với những gốc đào đã trưng trong dịp tết, việc sớm đưa đi trồng lại sẽ có tỉ lệ phục hồi cao hơn.
Các nhà vườn đều phải huy động thêm từ 5-7 nhân công thu hoạch, vận chuyển và trồng lại. Theo những người trồng đào, hiện tượng nhiều khách hàng chờ ngày cận tết mới mua để giảm giá và nhiều chủ vườn bức xúc chặt phá đào, quất trong chiều 30 tết cũng mới chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây.
"Ba năm nay khách người ta cứ đợi đến ngày giáp tết, ý khách là sớm muộn những ngày ấy người ta sẽ mua được rẻ. Nhưng mà cũng không nhiều lắm đâu, đại khái là cũng có nhưng không nhiều lắm. Hầu như năm nào cũng bán được tới 80%", anh Nguyễn Văn Cơ, chủ một vườn đào ở Nhật Tân cho biết.
Sau khi lấy đào về chăm sóc tại vườn, người trồng tiếp tục tạo dáng những gốc đào cũ để kịp có sản phẩm phục vụ người dân vào mùa tết năm sau. Một gốc đào nếu được chăm sóc cẩn thận có thể được quay vòng đến 7-8 năm.
Bình luận (0)