Ngay từ tháng 11 âm lịch, chạy dọc con đường xã Đông Hòa, quất chín trổ màu vàng óng, người dân nơi này cũng tất bật hơn bao giờ hết, ra vườn chào đón các thương lái đến xem và mua quất với số lượng lớn.
Chủ vườn khấp khởi mừng
Nhiều năm mua sỉ nhiều vườn quất, anh Bùi Tiến Mạnh (48 tuổi, trú tại H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết, sau khi mua sẽ thuê người đến đào từng gốc, bó cẩn thận và chở về H.Đông Hưng bán lẻ cho người dân.
Anh Mạnh cho biết: "Tôi đã đặt cọc mua được khoảng 400 gốc đào và gốc quất. Sau khi chọn được vườn ưng ý, tôi sẽ đặt cọc tiền từ 20 - 50 triệu đồng/vườn, chủ vườn cam kết có trách nhiệm chăm sóc quất đến sát tết".
Bưởi 'lạ' màu đỏ như gấc, đúc chữ tài lộc giá chát vẫn khan hàng dịp tết
Theo anh Mạnh, những gốc quất to, nhiều năm tuổi sẽ có giá bán khoảng 30 triệu đồng. Đối tượng khách hàng chơi loại quất này chủ yếu là doanh nghiệp, họ mua về đặt tại trụ sở đơn vị. Khách hàng của anh Mạnh thường chơi loại 3 - 4 triệu đồng vì chủ yếu là bà con H.Đông Hưng. Hơn nữa, năm nay kinh tế khó người dân thắt chặt chi tiêu nên dự số khách hàng chịu chi sẽ giảm.
"Năm nay, quất và đào đều đắt hơn những năm trước vì các chủ vườn cho biết cây bị chết nhiều, chi phí phân bón cũng tăng, tiền công làm thuê trả cho người lao động cũng cao hơn trước đây. Do đó, giá mỗi cây quất bị đẩy lên 150.000 - 200.000 đồng", anh Mạnh cho biết thêm.
Anh cũng mua chỗ ngồi để bán tết (8-10 triệu đồng/chỗ ngồi); mua chậu; thuê người đào; thuê người vận chuyển cây… Những năm trước, mỗi mùa giáp tết đi buôn quất, anh thu lãi tầm 15 - 20 triệu đồng. Năm nay anh chỉ mong tiền lãi thu về được như những năm trước đó.
Bà Bùi Thị Hiên (xóm 12, xã Đông Hòa) trong khu vườn hơn 300 gốc. Bà phấn khởi cho biết, vườn nhà bà chủ yếu trồng loại cây quất lá to, quả to bởi giống này cho lá xanh hơn, khi bán ra thị trường được giá cao và dễ bán. Phần lớn quất trong vườn nhà bà Hiên đã được lái buôn đến mua.
Theo bà Hiên, giá quất năm nay cao hơn những năm trước khoảng 150.000 đồng - 200.000 đồng/cây, bởi chi phí nhiều hơn.
Bên cạnh đó, bà Hiên cũng nhận định, năm nay, quất chum, quất lọ rất nhiều sẽ là đối thủ cạnh tranh với quất cây.
Khổ vì sâu trĩ
Trò chuyện với nhà vườn Tươi - Vang, một hộ dân trồng quất với số lượng lớn nhất tại xã Đông Hòa với diện tích hơn 3.600 m2 đất, bà cho biết, tổng số gốc quất trong vườn nhà bà hiện nay khoảng 7.000 cây.
Tuy diện tích trồng quất lớn, nhưng năm nay trong vườn Tươi - Vang chỉ có khoảng 300 gốc quất đủ tiêu chuẩn để cung cấp ra thị trường. Dự kiến sang năm vườn này sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 gốc quất. Bà Tươi (chủ vườn) xác định sẽ bán lẻ để được giá tốt hơn, thu hồi số tiền đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng trong năm 2023 để chăm sóc cho vườn cây này.
Theo bà Tươi, hai năm trở lại đây, cây quất xuất hiện loại sâu trĩ hút các mầm non, búp nụ của cây. Nếu cây không được phun thuốc trừ sâu kịp thời, chỉ trong hai, ba ngày lá cây sẽ bị quăn hết, hoa rụng cánh, không thể đơm quả.
Đặc biệt, để trị được loại này cần có thuốc đặc trị đắt tiền: "Năm qua, tôi đã phải bỏ ra nhiều tiền để mua thuốc diệt loại sâu này nhưng đến nay vẫn không diệt hết được. Mặc dù được phun thuốc thường xuyên nhưng chỉ 5 ngày đến 1 tuần sâu sẽ xuất hiện trở lại", bà Tươi ngán ngẩm.
Theo bà Tươi, giá nhân công năm nay cũng cao hơn mọi năm, một người làm vườn sẽ được bà trả bình quân 6 triệu đồng/tháng, cộng thêm giá thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn…khiến mỗi cây quất đắt hơn năm trước từ 100.000 - 200.000 đồng.
"Tại xã Đông Hòa, một cây quất giá trị nhất đã được bán với số tiền 24 triệu đồng, cây quất này 8 năm tuổi. Trong vườn nhà tôi, cây quất có tuổi đời lâu nhất là 5 - 6 năm, dự kiến giá bán từ 13 - 15 triệu đồng", bà Tươi nói.
Bà Tươi cho biết, quất được phun thuốc bảo vệ thực vật trước tết khoảng 1 tháng, sau khi được phun, thuốc tồn tại trên cây khoảng 7 đến 10 ngày là hết. Người dân sau đó có thể hái quả sử dụng bình thường mà không lo bị độc hại.
Gặp gỡ cuối năm: Nghệ nhân 3 thập kỷ chế tác đầu lân, rồng giữa lòng Chợ Lớn
Bình luận (0)